Chinese | English | Vietnamese

 

Âu Châu Hoằng Pháp Ký

Do Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới,
Ban Ðại Học Pháp Giới Phật Giáo sao lục

 

Mục lục

Tựa

Hoằng Dương Phật Pháp -- Trách Vụ Chung Của Mọi Người

Phật Giáo Trong Kỷ Nguyên Mới

Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm

Đạo Phật và Hòa Bình Thế Giới

Để Ngừng Chiến Tranh Trước Hết Phải Ngừng Sự Đấu Tranh Trong Tâm Quý Vị

Làm Thế Nào Để Tiêu Trừ Sợ Hãi Và Nghiệp Chướng

Tôi Muốn Nhận Lấy Các Nghiệp Tội Của Chúng Sanh

Thần Chú Đại Bi Thông Thiên Địa

Ý Nghĩa Của Sự Quy Y Vượt Ra Ngoài Ngôn Ngữ

Làm Cách Nào Để Tạo Số Mạng Của Mình?

Nghiệp Báo Sát Sanh Khó Tránh Được

Sự Tự Do Chân Thật Và Cuộc Sống Trường Thọ

 

 

Tựa

Năm 1990 trong khuôn khổ hoằng pháp và tham vấn lần thứ năm, phái đoàn Viện Ðại Học Pháp Giới Phật Giáo của Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo đã đi Âu Châu lần đầu tiên. Tháng 10 năm 1990 đã về đến Hoa Kỳ. Hành trình hoằng pháp kéo dài khoảng một tháng. Phái đoàn đã thăm viếng Anh Quốc, Bỉ, Ba Lan và Pháp, và tại những quốc gia này phái đoàn đã thành tâm mang giáo pháp và chân lý của Phật Ðà giảng giải cho quần chúng.

Không ngoài trọng trách kế thừa sứ mạng của Phật Ðà ngõ hầu chánh pháp có thể trụ thế lâu dài, trong chuyến viếng Âu Châu, Hòa Thượng đã kêu gọi Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông nên đoàn kết thống nhất, đồng thời cũng nên tiếp nhận các tôn giáo khác. Ngài cũng nhắc nhở nên coi trọng vấn đề giáo dục vì chỉ có giáo dục mới là linh dược cứu nhơn cứu thế giới. Và để gánh vác sự nghiệp của Như Lai, Ngài mời các nhân tài có khả năng phiên dịch kinh điển đến Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển Quốc Tế để cùng nhau phiên dịch Tam tạng kinh điển ra các ngôn ngữ thế giới hầu cho Phật pháp được thấm nhuần tươi mát vào tâm khảm mọi người, phổ nhiếp quần sanh.

Thệ nguyện hoằng dương Phật pháp thâm sâu, lòng từ bi và đức độ cao thâm của Hòa Thượng khiến ai ai cũng cảm kích và vô cùng mến phục. Ngài quán căn tánh và căn cơ chúng sanh để tùy duyên giảng dạy và thuyết pháp. Ngài đã mở trên hai mươi pháp hội diễn giảng và khai thị tại Âu Châu.

Nay, ban tu thư chúng tôi đang sao lục các bài giảng của Ngài để in thành sách dưới tựa đề "Âu Châu Hoằng Pháp Ký." Bồ Ðề Hải sẽ lần lượt đăng những bài giảng ấy.

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa và Hòa Thượng Ajahn Sumedho cùng một số tăng ni tại Trung Tâm Phật giáo Amaravati ở Hertfordshire, nước Anh.

 (10/1990)

 

 

Hoằng Dương Phật Pháp -- Trách Vụ Chung Của Mọi Người

Khai Thị Tại Trung Tâm Phật Giáo Amaravati tại nước Anh ngày 6 tháng 10 năm 1990.

Tôi cảm thấy rằng điều rất quan trọng là truyển bá Phật Pháp để Phật Pháp có thể đi vào tâm khảm mọi người.

 

Bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến thì đều giống như ở tại Vạn Phật Thánh Thành, chẳng có gì phân biệt, bởi vì chúng ta và Pháp Giới đều là một thể. Hôm nay, có được một cơ duyên rất khó gặp được đến nơi đây, lòng tôi rất hoan hỷ. Ðức Phật thuyết tất cả pháp vì để đối ứng lại với tất cả căn cơ của chúng sanh. Do đó bất luận Nam Tông hay Bắc Tông đều phải vì chúng sanh phát Bồ đề tâm, giúp cho mọi loài đều được liễu sanh thoát tử, ly khổ đắc lạc. Quý vị nên hiểu rõ ràng thế nào là Phật giáo chơn chánh, không nên nói rằng ông không thuộc Phật giáo chánh tông, còn tôi mới là Phật giáo chánh tông. Như vậy là cốt nhục tương tàn, chẳng có gì lợi ích cho Phật giáo cả. Do đó chúng ta nên khai thông tư tưởng Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông để có thể đoàn kết dung-hợp thành một khối; hệ Nam Truyền không nên dồn hết xuống phía Nam, hệ Bắc Truyền cũng không nên chạy hết lên phía Bắc. Hai phái nên chọn một con đường giữa mà đi để hai phái cùng kết hợp lại bởi vì Nam Truyền hay Bắc Truyền đều là con của Phật, cháu của Phật, không nên mạnh anh anh làm, mạnh tôi tôi làm, chia bè kết phái, làm cho Phật giáo bị phân tán.

Lúc xuất gia tôi đã nghiên cứu tại sao giáo lý của Phật Ðà rất là viên mãn mà số người học Phật trên thế giới lại quá ít ỏi, nguyên nhân vì sao?

Sau khi nghiên cứu mới vỡ lẽ rằng kinh điển Phật giáo không được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, do đó không thể phổ cập đến các quốc gia trên thế giới. Trái lại, Thánh kinh của đạo Thiên Chúa và đạo Gia-Tô đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, nên mọi người trên thế giới đều có thể đọc và hiểu được. Do đó khi xuất gia, mặc dù chẳng biết ngoại ngữ nào cả, tôi đã phát nguyện mang kinh điển Phật giáo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Ðó là nguyện lực của tôi, nhưng mãi cho đến bây giờ ý nguyện đó vẫn chưa hoàn toàn thành tựu, và tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi mục tiêu đó. Hy vọng các vị nào có cùng chí hướng, cùng nhau sát cánh với chúng tôi để hoàn thành công tác quan trọng này.

Do vậy, tại thành phố Burlingame (phía nam San Francisco) tôi đã thành lập một Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển Quốc Tế, để làm công tác phiên dịch kinh điển. Tôi hy vọng bất luận tín đồ Nam Tông hay tín đồ Bắc Tông hãy cùng nhau hợp tác phiên dịch kinh điển Phật giáo ra nhiều ngôn ngữ. Ðây là một công tác rất quan trọng. Chúng ta chớ đừng tự mình chia rẽ lẫn nhau - Ðó chỉ làm cho làm lãng phí thời gian, lãng phí tinh thần, chẳng ích lợi chi cả. Thuở xưa, Phật độ chúng sanh đã từng thuyết pháp 49 năm, giảng kinh trên 300 hội, độ toàn là những tín đồ ngoại đạo, như Ma Ha Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp, v.v... Tuy là tín đồ ngoại đạo nhưng họ đã đến qui y Phật giáo. Là tín đồ Phật giáo tại sao chúng ta không thể bao dung lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau để cầu tiến. Trái lại chúng ta dừng lại nửa đường để khích bác, chỉ trích lẫn nhau, ngươi phải ta sai, ta đúng ngươi quấy; có phải là cốt nhục tương tàn hay không?

Tôi chẳng biết ngoại ngữ nào cả, mà lại to gan dám đòi phiên dịch kinh điển, muốn mang kinh điển phiên dịch ra các ngôn ngữ trên thế giới. Với chỉ đơn thuần ý tưởng đó thôi, Phật cũng đã hoan hỷ rồi. Như tôi là người không biết ngoại ngữ mà muốn làm công việc đó, vậy thì những người biết ngoại ngữ càng cần phải thực sự nỗ lực thực hiện công tác này.

Ðương nhiên sự tu hành của mỗi người rất quan trọng. Nếu tu chứng quả thành đạo cố nhiên sẽ giúp ích Phật giáo rất nhiều, nhưng đó chỉ có tánh cách nhứt thời. Nếu chúng ta có thể mang kinh điển Phật giáo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đưa Phật pháp vào trong tâm khảm mọi người, thì đó mới là sự nghiệp vĩnh cửu. Hoằng dương Phật pháp là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng đối với Phật giáo, phiên dịch kinh điển lại càng quan trọng hơn. Do đó tôi cảm thấy rằng điều rất quan trọng là truyển bá Phật Pháp để Phật Pháp có thể đi vào tâm khảm mọi người.

Có một câu danh ngôn Trung Hoa như sau, “Nước nhà hưng thịnh hay suy vong là trách nhiệm của mỗi người.” (”Thên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.” ) (1) Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho sự hưng suy của quốc gia mình. Mỗi người phải nhận lấy trách nhiệm hoằng dương Phật Pháp và sự phát triển rộng lớn của Phật Giáo như là thiên chức, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Có vậy, Phật Giáo chắc chắn sẽ hưng thịnh và sẽ được lan rộng đến tận mỗi hạt bụi cực nhỏ và thâm nhập tâm con người; đến tận cùng hư không khắp Pháp Giới đều sung mãn Phật Pháp, và Phật Pháp sẽ chiếu sáng khắp cùng . Vì thế cho đến nay, tôi vẫn đi hoằng Pháp và giảng Kinh.

Có lão Ưu Bà Tắc Lý Bình Nam ở Đài Loan tiếp tục giảng Kinh và thuyết Pháp ngay cả khi ông đã hơn 90 tuổi và không đi được nữa. Ông đã làm điều đó như thế nào? Mỗi khi đến lúc giảng Kinh, sẽ có hai người đỡ ông lên Pháp tòa để ngồi thuyết pháp. Sau khi giảng xong, họ lại đỡ ông xuống. Hơn chín mươi tuổi mà còn rất tuinh tấn!. Ông xem thuyết pháp và giảng kinh là trách nhiệm của mình. Nhìn sự dũng mãnh tinh tấn như thế của vị cư sĩ, làm sao những người xuất gia chúng ta lại không thể làm những việc chúng ta cần phải làm? Điều này nói ra không giống như đánh cờ tướng chiếu tướng đưa vào thế bí. Khi tôi nói điều này với quý vị không phải là tôi đang đánh cờ tướng với quý vị (đưa vào thế bí). Sở dĩ tôi nói ra điều này thì nếu quý vị thích, quý vị có thể thực hành theo; nhưng nếu quý vị không thích thì vẫn không có vấn đề gì. Tôi tuyệt nhiên không bắt ép ai phải miễn cưỡng cả, vì khi người ta bị ép phải miễn cưỡng làm điều gì đó thì chuyện đó chẳng bao giờ thành công cả.

Phàm làm việc gì thì cũng phải do bản thân bạn tự ý muốn làm chuyện đó. Chẳng hạn như tôi muốn làm chuyện này. Chẳng ai bảo tôi làm, đó là một chuyện mà tôi tự quyết định làm. Là một đệ tử xuất gia của Phật, tôi có thể xứng đáng hoặc không xứng đáng là một đệ tử của Phật, nhưng tôi có nguyện ý muốn làm một điều gì đó cho Phật Giáo. Cho dù đức Phật không muốn tôi làm đệ tử của Ngài, tôi vẫn muốn làm chuyện này. Tôi cũng hy vọng sẽ có thêm một số người làm điều này trong thế giới này. Do vậy tôi đã chia sẻ những suy nghĩ của tôi đến mọi người hôm nay. Tôi hy vọng các Phật tử của những truyền thống Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông sẽ sớm thức tỉnh ra khỏi cơn mê mộng, và mọi người sẽ cùng nhau làm những việc mà chúng ta cần phải làm. Quý vị có đồng ý không? “Nếu là Đạo thì tiến tới, không phải Đạo thì thối lui.” Tôi cảm thấy ngại ngùng khi ngồi phía trên cao này trong khi quý vị đang ngồi ở bên dưới. Tôi muốn được bình đẳng với mọi người.

Tôi có thêm vài điều muốn nói. Tôi không quan tâm Đức Phật có xem tôi là một đệ tử của Ngài hay không nhưng từ lúc tôi mười hai tuổi, tôi đã bắt đầu bái lạy tất cả chúng sanh. Tôi lạy hơn tám trăm ba mươi lạy mỗi lần. Tôi đã lạy ai vậy? Nhiều quá không thể đếm xuể. Nhưng hiện tại tôi thu gọn lại trong năm lạy. Lạy thứ nhất là tôi đảnh lễ tất cả vô tận vô tận chư Phật trong tận cùng hư không đầy khắp Pháp Giới Mười Phương Ba Thời. Lạy thứ hai là tôi đảnh lễ đến tất cả vô tận vô tận Pháp do chư Phật nói trong tận cùng hư không đầy khắp Pháp Giới Mười Phương Ba Thời. Lạy thứ ba tôi đảnh lễ đến tất cả vô tận vô tận Hiền Thánh Tăng và Phàm Phu Tăng trong tận cùng hư không đầy khắp Pháp Giới Mười Phương Ba Thời. Lạy thứ tư tôi đảnh lễ đến tất cả vô tận vô tận chúng sanh, bao gồm cả người và chúng sanh không phải là người trong tận cùng hư không đầy khắp Pháp Giới Mười Phương Ba Thời. Tôi là một vị tăng đơn giản và tầm thường. Mặc dù tôi không phải Thường Bất Khinh Bồ Tát hay Tỳ Kheo này kia, tôi vẫn muốn đảnh lễ tất cả chúng sanh. Đó là lý do tôi sẵn sàng bái lạy mọi người bất kể họ là ai. Lạy thứ năm tôi đảnh lễ đến tất cả vô tận vô tận chư Phật thuyết giàng Ba La Đề Mộc Xoa, chư Phật thuyết Giới Luật trong tận cùng hư không đầy khắp Pháp Giới Mười Phương Ba Thời. Chính là nhờ Giới luật của Phật Đà mà chúng ta có thể hành tu hành theo giáo pháp và thực hành Phật Pháp. Đó là lý do tôi muốn đảnh lễ. Mặc dù tôi khá lớn tuổi, tôi vẫn còn muốn bái lạy. Tôi chỉ muốn quý vị biết là tôi không có một chút ý nghĩ cống cao ngã mạn.
(2)

(Ghi chú của người biên tập: Tháng 10 năm 1990 khi Hòa Thượng đến Ba Lan hoằng pháp lần đầu tiên có khoảng 50 người Ba Lan đến qui y Ngài. Sau đó họ thành lập một đoàn thể để phiên dịch kinh điển có chú giải ra tiếng Ba Lan. Họ đã hoàn tất phiên dịch và ấn hành quyển
"Ðịa Tạng Kinh Thiển Thích", do Hòa Thượng giảng giải. Hiện thời họ đang tiến hành phiên dịch quyển "Lăng Nghiêm Kinh Thiển Thích" cũng do Ngài diễn giảng.)

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

天下興亡,匹夫有責

Thên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.

 

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

我第一個頭是頂禮盡虛空、遍法界、十方三世無盡無盡一切諸佛。第二個頭是頂禮盡虛空、遍法界、十方三世無盡無盡一切諸佛所說的法。第三個頭是頂禮盡虛空、遍法界、十方三世、無盡無盡一切賢聖僧及凡夫僧。第四個頭是頂禮盡虛空、遍法界、十方三世、無盡無盡一切諸眾生,包括人與非人,所以我這個出家人沒有一個架子。我雖不是常不輕菩薩,我也不是某一個比丘,但是我要恭敬一切眾生,所以無論誰,我都願意向他叩頭。第五個頭是頂禮盡虛空、遍法界、十方三世無盡無盡、一切諸佛所說的波羅提木叉,諸佛所說的戒。因為有佛的戒律,我們才能依教修行,才能學習佛法,所以我要頂禮。雖然我年紀老了,我還是要這樣子。我要告訴大家,我是沒有貢高我慢心的。

Ngã đệ nhất cá đầu thị đính lễ tận hư không, biến pháp giới, thập phương tam thế vô tận vô tận nhất thiết chư Phật。Đệ nhị cá đầu thị đính lễ tận hư không、biến pháp giới, thập phương tam thế vô tận vô tận nhất thiết chư Phật sở thuyết đích Pháp。Đệ tam cá đầu thị đính lễ tận hư không, biến pháp giới, thập phương tam thế、vô tận vô tận nhất thiết Hiền thánh Tăng cập Phàm phu Tăng。Đệ tứ cá đầu thị đính lễ tận hư không, biến pháp giới、thập phương tam thế、vô tận vô tận nhất thiết chư Chúng sanh,bao quát nhân dữ phi nhân,sở dĩ ngã giá cá xuất gia nhân một hữu nhất cá giá tử。Ngã tuy bất thị Thường Bất Khinh Bồ Tát, ngã dã bất thị mỗ nhất cá tỳ kheo, đãn thị ngã yếu cung kính nhất thiết chúng sanh,sở dĩ vô luận thùy,ngã đô nguyện ý hướng tha khấu đầu。Đệ ngũ cá đầu thị đính lễ tận hư không、biến pháp giới, thập phương tam thế vô tận vô tận, nhất thiết chư Phật sở thuyết đích Ba La Đề Mộc Xoa,chư Phật sở thuyết đích Giới。Nhân vi hữu Phật đích Giới luật,ngã môn tài năng y giáo tu hành,tài năng học tập Phật Pháp,sở dĩ ngã yếu đính lễ。Tuy nhiên ngã niên kỉ lão liễu,ngã hoàn thị yếu giá dạng tử。Ngã yếu cáo tố đại gia,ngã thị một hữu cống cao ngã mạn tâm đích.
 

 

Phật Giáo Trong Kỷ Nguyên Mới

Bài nói chuyện vào ngày 06 tháng 10, năm 1990 tại Trung Tâm Phật giáo Amaravati ở Great Gaddesden, Hemel Hempstead, Hertfordshire, nước Anh.

 

Trước hết chúng ta nên loại bỏ quan điểm tông phái trong Phật giáo. Bước tiếp theo sẽ là xem các tín đồ của tất cả các tôn giáo như thể họ là đệ tử của Đức Phật.

 

 Hòa Thượng Tuyên Hóa nói với Hòa Thượng Ajahn Sumedho: Sau khi chúng tôi trở về Vạn Phật Thánh Thành, chúng tôi sẽ thay đổi cách tụng Kinh Sáng và Kinh Tối. Chúng tôi sẽ luân phiên một ngày tụng tiếng Hoa và tiếng Anh, và ngày kế tụng bằng tiếng Pali và tiếng Anh, chúng tôi sẽ luân phiên tụng theo truyền thống Bắc Tông và Nam Tông. Chúng tôi muốn bắt đầu một khuynh hướng mới và dần dần xóa bỏ ranh giới của Đại thừa và Tiểu thừa. Chúng tôi còn muốn bao gồm cả Công giáo, Tin Lành và tất cả các tôn giáo khác thì chúng tôi càng muốn xóa đi sự phân chia tông phái trong Phật giáo, và không nên bị chia rẽ. Như trong quá khứ, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, và Ngài Ca Diếp đều là người theo các tôn giáo khác và về sau đã trở thành những đại đệ tử của Đức Phật, vì vậy chúng tôi cũng hy vọng có thể đón nhận tất cả các truyền thống và khởi đầu sẽ luân phiên từng ngày dùng nghi lễ Bắc Tông và Nam Tông và không bám chấp vào sự phân biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Bất cứ ai không đồng ý với đề nghị của tôi đều có thể nêu lý do của quý vị và mọi người đều có thể xem xét các lý do này. Chúng ta có thể thêm vào bài tụng đọc buổi sáng và buổi tối, nhưng chúng ta không thể rút ngắn các bài tụng đọc. Giống như việc ăn: trong mỗi bữa ăn, chúng ta luôn muốn ăn nhiều hơn, không phải ăn ít hơn. Nếu quý vị chỉ muốn ăn cho đến khi no tám mươi phần trăm, thì quý vị có thể ăn ít hơn một chút. Nhưng chúng ta vẫn phải đọc Thần chú Lăng Nghiêm và các thần chú khác mỗi ngày.

Đây là Thời đại Không gian, và Phật giáo cũng đang bước vào một kỷ nguyên mới. Chúng ta muốn Phật giáo bao gồm tất cả các tôn giáo. Trong Phật giáo, chúng ta nên giao tiếp với nhau và từ bỏ chấp trước vào Đại thừa và Tiểu thừa. Chúng ta nên học hỏi lẫn nhau. Ít nhất chúng ta nên học hỏi từ người khác những gì chúng ta không biết, còn việc họ có học hỏi từ chúng ta hay không thì không quan trọng. Đây là một kỷ nguyên mới trong Phật giáo.

[Ghi chú của người biên tập: Sau khi phái đoàn châu Âu trở về Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1990, Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới đã tích cực bắt đầu thực hiện sứ mệnh tập hợp các truyền thống Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông. Từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1991, Vạn Phật Thánh Thành đã bao gồm phần tụng kinh tiếng Pali như là một phần trong buổi tụng kinh sáng. Vào ngày 3 tháng 5 năm 1991, Tăng đoàn tại Vạn Phật Thánh Thành đã nhận một món quà là Y và Bát Nam Tông từ Trung tâm Phật giáo Amaravati. Từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1991, một khóa tu thiền của Nam Tông được tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành, và các tu sĩ Nam Tông Theravadan được mời làm Giới Sư trong các Lễ Truyền Giới được tổ chức vào tháng 7 năm 1991. Những bằng chứng này cho thấy những nỗ lực của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới nhằm loại bỏ sự khác biệt giáo phái và thúc đẩy sự hợp tác và thống nhất trong Phật giáo.]

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Trong quá khứ, các Phật tử Đại Thừa Phật tự cho mình là Đại Thừa (Chiếc xe lớn), trong đó bao gồm luôn Tiểu Thừa (Chiếc xe nhỏ). Những người Tiểu Thừa thì bám chấp vào đường lối riêng của họ và đã không thừa nhận Đại Thừa. Việc này giống như giết chính người thân của mình. Chúng ta tất cả đều là các đệ tử của Đức Phật, chúng ta nên tiếp nhận và ảnh hưởng lẫn nhau, và không phân biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Trước hết, chúng ta nên loại bỏ quan điểm phân chia tông phái trong Phật giáo. Tiếp theo, chúng ta nên đối xử với các tín đồ của tất cả các tôn giáo như là các đệ tử của Đức Phật như Ngài Ma Ha Ca Diếp, Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, xem họ là những người chúng ta có thể học hỏi và không khác gì chúng ta.

Nếu chúng ta có thể duy trì thái độ và chí nguyện như vậy trong mọi hoàn cảnh, Phật giáo chắc chắn sẽ phát triển rộng rãi. Nếu chúng ta khăng khăng phân biệt giữa chúng ta và những người khác, thì mỗi bên sẽ chỉ là một nửa tách biệt, không viên mãn. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể thấy mọi sự việc đều được kết nối dung thông với nhau, để Phật giáo có thể đạt đến chân thật viên dung vô ngại, đến được vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, hữu tình và vô tình đồng đạt được trí tuệ hoàn hảo. Đây là những chí nguyện của tôi Những điều tôi nói ra không có gì mới, nhưng tôi đưa ra vì mọi người đã quên những điều này.

Pháp sư Hằng Thuận: Con nghĩ rằng một phương pháp hay là nên sử dụng âm nhạc Phật giáo trong nghi thức xướng tán tụng kinh và các nghi lễ như là một cách để đưa Phật giáo và tất cả các tôn giáo khác đoàn kết với nhau.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Bây giờ tôi muốn hiến tặng Vạn Phật Thánh Thành như một món quà cho tất cả các Phật tử Bắc Truyền (Đại thừa) và Nam Truyền (Tiểu Thừa). Bất cứ khi nào các Phật tử Bắc Truyền muốn sử dụng các cơ sở của Vạn Phật Thánh Thành, họ đều có thể sử dụng, các Phật tử Nam Truyền muốn sử dụng các cơ sở của Vạn Phật Thánh Thành cho bất kỳ hoạt động nào họ thích, họ cũng đều có thể sử dụng Vạn Phật Thánh Thành, tôi đều hoan nghênh. Điều kiện duy nhất cho lời đề nghị chưa từng có này là mọi người phải tuân thủ giới luật không cờ bạc, hút thuốc, v.v. và họ nên tôn trọng giới luật của Đức Phật trong thực hành của họ.

Pháp sư Hằng Triệu: Hòa Thượng Sumedho muốn dùng Vạn Phật Thánh Thành để để tổ chức hai tuần thiền thất vào năm tới.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Đừng nói là hai tuần, Ngài có thể dùng hai tháng hay hai năm đều được.

[Ghi chú của người biên tập: Hòa Thượng Ajahn Sumedho và Hòa Thượng Ajahn Amar đã hướng dẫn khóa tu thiền 16 ngày theo phương cách Nam Tông từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1991.]

Pháp sư Hằng Triệu: Họ đang yêu cầu một khu vực đặc biệt và mời chúng ta cũng đến tham dự.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chúng ta sẽ theo sự hướng dẫn của họ và họ làm gì thì chúng ta làm theo.

Pháp sư Hằng Triệu: Thật bất khả tư nghì. Chúng ta thường nghe trong các bài pháp thoại rằng chúng ta không nên có chấp trước. Và điều này cũng nói lên rằng (trong Kinh Kim Cang), "Nếu có người nói rằng Như Lai có thuyết Pháp, thì người đó hủy báng Phật. Sự đề nghị của Thượng Nhân (Hòa Thượng Tuyên Hóa) đã thực sự làm cho Kinh điển trở nên sống động. Chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến phương pháp này để mang mọi người lại với nhau. Chúng ta chỉ biết cách bới tìm lỗi lầm của người khác.

Pháp sư Hằng Lai: Trong tương lai chúng ta nên chú ý không dùng danh từ Đại Thừa và Tiểu Thừa mà nên dùng danh từ Bắc Truyền và Nam Truyền.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Tối hôm qua tôi có nói Nam Truyền không nên cứ tiếp tục chạy về hướng Nam, và Bắc Truyền không nên tiếp tục chạy về hướng Bắc. Hai bên nên hòa hợp ở Trung Đạo. Đó là:

Kính người thì người luôn kính

Thương người thì người luôn thương

Đánh người thì người luôn đánh

Mắng người thì người luôn mắng.

Nếu chúng ta không muốn người khác đánh mình, thì chúng ta không nên đánh người khác. Nếu chúng ta không muốn bị mắng, thì chúng ta không nên mắng người khác. Nếu chúng ta không muốn người khác thiếu tôn trọng mình, trước tiên chúng ta nên tôn trọng với người khác.

Pháp sư Minh Chiếu (người Việt): Điều mà Sư Phụ vừa nói không dễ thực hành. Và thậm chí còn khó khăn hơn để làm cảm động người qua việc thực hành điều đó. Hôm qua tôi thấy các Thầy Tỳ Kheo Nam Truyền do trong lòng họ rất cung kính bội phục Sư phụ, họ vô cùng cảm động hoan hỷ tiếp nhận Ngài. Họ rất vui khi lắng nghe Sư phụ và rất ngưỡng mộ Ngài. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự tôn trọng như vậy đối với ai đó; thật cảm động. Tôi tin rằng đó là vì Sư phụ không phân biệt giữa các tông phái khác nhau, Ngài có thể bao gồm tất cả. Đây không phải là điều mà hầu hết mọi người có thể làm.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Đây không phải là chuyện xảy ra trong một ngày một đêm, điều này là do tôi đã hường đến họ lễ lạy. Đó là lý do tại sao họ đều cảm thấy cảm động. Trước đây, nếu quý vị là một tu sĩ Bắc Truyền và quý vị đảnh lễ các tu sĩ Nam Truyền, họ chẳng quan tâm đến quý vị.

Pháp sư Hằng Thật: Trong buổi lễ Truyền Giới Xuất Gia vừa qua được tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành, giới luật Bồ Tát được truyền bằng ba thứ tiếng: Pali, tiếng Anh và tiếng Trung Hoa, đó là một sự việc hiếm có và chưa từng có.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chúng ta không cố tình lập dị làm khác người bằng cách làm điều gì đó chưa từng có, chúng ta chỉ lượm lại thứ gì đó mà người khác đã quên. Chúng ta không thể hiện ra rằng chúng ta đặc biệt và khác biệt với những người khác. Chúng ta giống như mọi người khác, đừng nên có ấn tượng rằng tôi thích trở nên độc đáo, điều đó hoàn toàn không phải vậy. Tôi chỉ làm những việc mà người khác không muốn làm. Có lẽ mọi người đã quên, vì vậy tôi chỉ giúp họ nhớ lại. Tôi thật không có bất kỳ ý kiến nào. Đây là những ý tưởng của mọi người. Tôi nghĩ mọi người đã nghĩ về những điều này, vì vậy đó là lý do tại sao tất cả chúng ta đều đồng ý.

 

 

Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm

Bài nói chuyện vào ngày 8 tháng 10, năm 1990 tại Trung Tâm Phật giáo Amaravati ở Great Gaddesden, Hemel Hempstead, Hertfordshire, nước Anh.

 

Tầm nhìn nên thấy toàn thế giới, Tâm chí cn trùm khắp Pháp giới.

 

 

Các vị thiện tri thức! Chẳng biết bao nhiêu lần chúng ta đã tụ hội cùng nhau trong vô lượng kiếp trong quá khứ, nhưng tất cả đều giống như một giấc mơ. Đủ loại cảnh giới xuất hiện trong giấc mơ, nhưng khi chúng ta tỉnh dậy chúng ta đã quên mất những cảnh giới này. Cuộc gặp gỡ hiện nay của chúng ta cũng giống như một giấc mơ. Khi chúng ta thức dậy ra khỏi giấc mơ, vài người trong chúng ta sẽ có ký ức mơ hồ về giấc mơ, trong khi những người khác sẽ nhớ rất rõ về giấc mơ. Có lẽ chúng ta đều nhận được những giáo hóa của Đức Phật từ vô lượng kiếp trước, nhưng chúng ta khi đó chưa thật sự hiểu rõ Phật pháp. Do đó tại thế giới Ta Bà này giống như một giấc mộng và chúng ta không thật sự nhớ nhau.

Bây giờ chúng ta đã tụ hội lại, chúng ta muốn làm sáng tỏ những trần ảnh mơ hồ, chúng ta muốn hiểu được các đối tượng của sáu giác quan (lục trần) đến từ đâu. Để làm được điều đó, chúng ta trước hết phải học trí tuệ Bát Nhã. Một khi có trí tuệ Bát Nhã, chúng ta có thể quét sạch tất cả mọi ảnh trần đã tích tụ lại từ xa xưa cho đến bây giờ. Đây là mục tiêu chung của chúng ta trong việc nghiên cứu học giáo lý của Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói, “Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” (1). Đức Phật cũng nói, “Mọi người nam đều là cha ta, và mọi người nữ đều là mẹ ta.” (2) Qua những lời này, chúng ta nên biết rằng tất cả chúng sanh đã từng là cha mẹ chúng ta trong quá khứ và sẽ trở thành những vị Phật trong tương lai. Như vậy nếu chúng ta không đối xử với những người nam vả người nữ bình đẳng như nhau – nếu chúng ta trọng nam khinh nữ hay hay trọng nữ khinh nam thì đều là không hiếu thuận. Hoặc nếu chúng ta có tâm khinh mạn xem thường chúng sanh thì chưa đạt đến cảnh giới viên mãn vô ngại của Phật Pháp.

Như thế chúng ta biết rằng tất cả chúng sanh nếu không có vọng tưởng chấp trước thì đều có thể thành Phật thì tại sao chúng ta không buông xả được những vọng tưởng này? Không buông xả được những chấp trước này? Chúng ta nửa đường dừng lại, muốn tiến thì không tiến được, muốn lùi cũng không lùi được. Tiến tới không được gì, thối lui cũng không mất gì, giữa đường dừng lại không tiến nữa, xem đó là nơi để an thân lập mệnh. Đó có phải là chúng ta bỏ uổng tương lai không chịu nỗ lực?

Đạo Phật phát nguyên từ Ấn Độ và sau đó lan truyền đến nhiều quốc gia khác nhau, mỗi quốc gia đều đón nhận Phật Giáo theo cách riêng của quốc gia mình. Miến Điện có Phật giáo Miến Điện, Cam Bốt có Phật giáo Cam Bốt, Việt Nam có Phật giáo Việt Nam, Thái Lan có Phật giáo Thái Lan, Trung Hoa có Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản có Phật giáo Nhật Bản.và Đại Hàn có Phật giáo Đại Hàn. Khi Đức Phật nói Pháp, Ngài có phải chỉ nói riêng với một quốc gia không? Không phải như vậy! Đức Phật ban giáo pháp tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của người dân lúc đó. Ngài xem mọi người dân ở mọi quốc gia đều bình đẳng như nhau. Phật Pháp vốn không phân chia thành quốc gia. Những quốc gia khác nhau lấy Phật Giáo thành sở hữu quốc gia và không muốn Phật Giáo phát triển rộng lớn, họ nói rằng Phật Giáo là thuộc về quốc gia của họ.

Vì những lý do này, khi tôi tới thăm một tu viện Phật giáo ở Miến Điện vài thập kỷ trước [vào năm 1953] và được yêu cầu viết vài chữ trong sổ lưu niệm của họ, tôi đã viết rằng: “Tầm nhìn nên thấy toàn thế giới, Tâm chí cần trùm khắp Pháp giới” (3). Ý của tôi là: Nều chúng ta muốn Phật Giáo phát triển rộng lớn thì chúng ta phải nhìn xa về tương lai. Chúng ta phải đưa Phật Giáo đến mọi quốc gia, đến mọi ngõ ngách trên thế giới, và thậm chí đến mỗi hạt bụi nhỏ. Mỗi nơi chúng ta đến, chúng ta phải chuyển Đại Pháp Luân (bánh xe Pháp vĩ đại) và giáo hóa chúng sanh làm cho mọi chúng sanh lìa khổ được vui, liễu sanh thoát tử. Do đó tôi mạo muội nói rằng: “Phật Giáo không thuộc một quốc gia nào. Phậc Giáo là của toàn nhân loại, Phật Giáo là của tất cả chúng sanh. Chúng ta không nên xem Phật giáo là một kho báu riêng tư. Chúng ta nên làm mọi cách để ánh sáng Đạo Phật tỏa sáng chiếu khắp thế giới.”

Khi tôi gặp Đức Hồng Y Công giáo Vu Bân trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Đài Loan, tôi đã nói với ngài: "Ngài nên là một Phật tử trong số những người Công giáo. Ngài không nên giữ quan điểm giáo phái." Lúc đó ngài là một Đức Hồng Y, chỉ một cấp dưới Đức Giáo Hoàng. Ngài đã ngạc nhiên trước đề nghị của tôi là ngài hãy trở thành người Công giáo gốc Phật giáo. Nghe có vẻ gần như là một sự xúc phạm. Tôi nói: “Ngài đừng đừng lo lắng. Tôi sẽ là một người Công giáo trong số những người theo đạo Phật. Nếu hai chúng ta có thể cùng nhau thông hiểu và loại bỏ tất cả các quan điểm, xung đột và ranh giới của giáo phái, thì lúc đó sẽ không còn chiến tranh trên thế giới nữa. Các tôn giáo sẽ không còn loại trừ nhau nữa. Tôi sẽ không nói rằng ngài sai và ngài sẽ không nói rằng tôi không tốt. Ngay cả sau khi chúng ta đã ăn no và không có gì tốt hơn để làm, chúng ta sẽ không đi quanh tạo ra những cuộc tranh cãi trên thế giới. Ngài có tin điều này không?” Ngài suy nghĩ một lúc rồi vỗ vào đùi và nói, “Hãy làm điều đó!” Và ngài bắt đầu lạy Phật và nghiên cứu Phật pháp. Nhưng ngài vẫn không từ bỏ hy vọng của mình để được nổi tiếng hơn, và vì vậy ngài đã trở thành một ứng cử viên cho chức vụ Giáo Hoàng. Có lẽ ngài không có phước báo và ngài đã không được chọn làm Giáo Hoàng. Và trời đã không ủng hộ ngài để ngài sống lâu dài. Không biết là ngài đã lên Thiên Đàng hay đến cõi Cực Lạc; hễ nơi nào có sức hút mạnh mẽ nhất, đó là nơi ngài đến.

Ngay sau khi tôi đến Hoa Kỳ, một học giả Cơ Đốc Giáo - tôi không nhớ ông là người Công Giáo hay theo đạo Tin Lành - đã đến gặp tôi. Không rõ ông ta chỉ muốn hỏi một câu hỏi hay tranh luận với tôi, nhưng ông ta hỏi là: “Theo ông nghĩ thì tôn giáo nào là tôn giáo tốt nhất thế giới?” Hầu hết các Phật tử có lẽ sẽ nói Phật giáo là tốt nhất. Nhưng nếu tôi nói vậy, ông ta sẽ không hài lòng, ông ta sẽ tranh luận với tôi và cố tìm ra điểm yếu của tôi. Tôi không mánh khóe cũng không khôn lanh, tôi không muốn tranh luận với ông ta. Như có câu nói: “Người thiện thì không biện luận; người biện luận thì không thiện. Người trí không biện bác; người biện bác thì không trí.” (4). Vì tôi sẽ không biện luận với ông ta, thì làm thế nào để có thể ngưng việc khẩu chiến? Tôi bèn nói: “Tôn giáo nào mà ông tin vào thì đó là tôn giáo tốt nhất!"

"Tại sao?" Ông ta hỏi lại.

"Vì nếu không, thì tại sao ông lại tin vào tôn giáo đó? Thực tế là ông tin vào tôn giáo đó cho thấy đó là tôn giáo tốt nhất. Không cần phải tranh luận. Ông tin vào tôn giáo mà ông nghĩ là tốt nhất, và tôi tin vào tôn giáo mà tôi nghĩ là tốt nhất. Như thế thì không cần gây chiến tranh, không cần tạo khẩu chiến, và không cần phải tranh luận. " Khi nghe điều đó thì ông ta không còn gì để nói nữa.

Kinh Hoa Nghiêm có nói:

Người muốn biết rốt ráo

Chư Phật trong ba đời

Hãy quán tánh pháp giới

Tất cả do tâm tạo. (5)

Tất cả những suy nghĩ của chúng sanh chúng ta thì chư Như Lai đều thấy biết. Người xưa có nói:

Ba điểm như chùm sao,

Lưỡi câu như trăng khuyết,

Mang lông là từ đây,

Làm Phật cũng do đây. (6)

Tại sao lại là “Tất cả do tâm tạo”? Nếu quý vị nhìn vào cách viết chữ Tâm () của người Trung Hoa, thì chữ Tâm () có ba dấu chấm như những ngôi sao xếp hàng trên bầu trời và một cái móc như mặt trăng lưỡi liềm. Có những lúc mặt trăng đầy, và vào những lúc khác thì trăng khuyết. Điều đó cũng giống như tâm của chúng ta. Có những lúc chúng ta có ý tốt, nhưng có lúc thói quen, tập khí lâu đời của chúng ta khống chế và cuồng tâm dã tánh của chúng ta thể hiện, vì vậy chúng ta bỏ bê không làm những việc rõ ràng là tốt và khăng khăng làm những gì rõ ràng là xấu xa.

Chúng ta đang nghiên cứu về Tâm, để tôi đưa ra một ví dụ cá nhân. Khi tôi còn trẻ, tôi không phải là người tốt lắm. Tôi thích chơi những trò trêu chọc. Ý tôi là tôi đã gây phiền hà rắc rối cho người khác. Tôi bắt đầu đi học khi tôi mười lăm tuổi, tiếp tục đi học năm tôi mười sáu tuổi và mười bảy tuổi, vì vậy tôi đã học tổng cộng hai năm rưỡi. Khi tôi mười bảy hoặc mười chin tuổi, tôi trở thành một Sa Di [tu sĩ tập sự]. Ở Trung Hoa thì có phong tục viết câu đối vào năm mới âm lịch. Thông thường mọi người viết các câu tốt lành hoặc cách ngôn. Vì tôi mới bắt đầu học Phật giáo, tôi đã nhắm mắt và viết một cách say sưa “Trí tuệ như biển” (7). Đó là năm mới, vì vậy câu viết này được treo trên tường. Một trong những người bạn Sa Di của tôi đã nhìn thấy câu này, và tôi không biết là anh ta nghĩ câu đó là hay hay không, nhưng anh ta cứ đọc đi đọc lại. Có lẽ anh ta bị ảnh hưởng bởi những nét viết điên cuồng của tôi được viết như thể tôi đang say. Sau khi anh ấy đọc câu “Trí tuệ như biển” vài chục lần, tôi nói, “Nghiệp lực anh như biển!” Khi vừa nghe câu đó, anh ta liền nổi giận. Trước đó khi anh ta niệm bốn chữ “Trí tuệ như biển” thì như đang nhập định, nhưng bây giờ thì anh xuất định, anh đã xuất định rồi lại nổi nóng đòi đánh tôi.

Tối nói: “ ‘Nghiệp lực anh như biển’, nhưng anh chưa nghe lời giải thích của tôi. Nó có thể là ‘Nghiệp tốt như biển’ (thiện nghiệp như hải), hoặc ‘Nghiệp xấu như biển’ (Ác nghiệp như hải). Nếu tôi nói rằng nghiệp tốt của anh giống như biển, thì có gì để phải nổi nóng?” Khi tôi nói điều đó, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng tính khí nóng của anh ấy lúc đó đã biến mất. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng “tâm con người” (nhân tâm) là chỉ thay đổi một chữ có thể tạo ra sự khác biệt. Khác một chữ có thể gây nóng giận, khác một chữ có thể sanh tâm hoan hỷ. Quý vị hãy suy nghĩ về điều này. Cái gì khiến chúng ta hành động như vậy?

Có một lần khác tôi lại nghịch ngợm. Điều này cũng xảy ra khi tôi còn là một Sa Di. Tôi đang đi mang theo một cuộn giấy trắng thì một Sa Di khác nói lớn: “Trên giấy anh đang mang viết gì vậy? Hãy cho tôi xem.” Sau đó, anh ấy cố lấy cuộn giấy tôi mang để xem những gì được viết trên đó. Nếu tôi nói với anh ấy rằng giấy không có chữ gì viết trên đó, thì anh ấy sẽ nhất định không tin tôi. Do đó tôi nói: “Tôi không thể cho anh xem giấy này, vì đó là hợp đồng tôi bán anh cho người khác.”

Khi nghe điều đó, anh ta không vui nói : “Anh có quyền gì mà đem tôi đi bán?”

"Tôi có quyền đem anh đi bán." tôi nói.

Anh ta cố giật lấy giấy từ tay tôi. Tôi nói, "Vì tôi là một người xuất gia, tôi có quyền đem anh đi bán."

"Tôi không tin điều đó." Anh nói.

"Tôi sẽ nói cho anh biết, và lúc đó anh cũng sẽ thừa nhận rằng tôi có quyền bán anh."

"Thật kỳ lạ! Anh bán tôi cho ai?" Anh hỏi.

"Bán cho Phật!" Tôi nói.

Khi nghe như vậy, anh ta không thể nói gì nữa. Sau một hồi im lặng, anh ta nói, “Vậy thì được.”

Như quý vị thấy, một sự thay đổi nhỏ như vậy đã tạo ra sự khác biệt giữa có thể được và không thể được. Câu chuyện này rốt cuộc nói lên điều gì?

Hai công án tôi vừa kể là những kinh nghiệm tu hành của tôi. Do đó nói rằng “Tất cả do tâm tạo” thì đúng là chính xác.

Về “PhápGiới” thì có mười Pháp Giới là:

1.      Pháp Giới của Phật

2.      Pháp Giới của Bồ Tát

3.      Pháp Giới của Duyên Giác

4.      Pháp Giới của Thanh Văn

5.      Pháp Giới của Chu Thiên

6.      Pháp Giới của A Tu La

7.      Pháp Giới của Loài Người

8.      Pháp Giới của Súc Sanh

9.      Pháp Giới của Ngạ Quỷ

10.  Pháp Giới của Địa Ngục

Mười Pháp Giới này không ngoài một tâm niệm của chúng ta. Nếu tâm chúng ta luôn trụ trong từ bi hỷ xả của chư Phật thì tương lai chúng ta sẽ thành Phật. nếu trong tâm chúng ta luôn thực hành Sáu ba la mật của bồ tát - bố thi, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ - thì tương lai sẽ thành Bồ Tát.

Nếu chúng ta tu Mười Hai Nhân Duyên - vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Mười Hai Nhân Duyên này là Pháp Nhân Duyên, thì tương lai sẽ thành Duyên Giác.

Nếu chúng ta tu Pháp Bốn Thánh Đế - khổ tập diệt đạo - đây là Pháp của Thanh Văn, thì thì tương lai sẽ thành Thanh Văn.

Nếu chúng ta tu Ngũ Giới Thập Thiện, thì có thể sanh lên các cõi trời. Ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Thập thiện là thân không phạm ba ác nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm; tâm không phạm ba loại ác nghiệp của ý là tham, sân; miệng không tạo bốn ác nghiệp là nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai chiều đâm thọc. Khi chuyển mười điều ác này thì thành mười điều thiện - Thập Thiện,. Nếu chúng ta không phạm mười điều ác này thì sẽ trở thành mười điều thiện, sai khác chỉ trong một niệm. Quý vị tu Ngũ Giới Thập Thiện, thì sẽ sanh về các cõi Trời; nếu quý vị cang cường cứng đầu, tánh tình thích đấu tranh, thì sẽ sanh làm A Tu La trên cõi Trời; nếu quý vị không làm các điều ác, luôn làm các điều lành thì có thể giữ được thân người; nếu quý vị luôn làm việc của súc sanh thì tương lai sẽ làm súc sanh; còn quý vị tạo toàn tội nghiệp ác thì tương lai sẽ đọa địa ngục; quý vị tham lam không buông xả thì tương lai sẽ chuyển thảnh ngạ quỷ. Tất cả đều từ một tâm niệm của quý vị khởi ra, tất cả Pháp Giới đều không ngoài một niệm của tâm. (8)

“Tâm thành thì linh ứng” (9) quý vị hết lòng chuyên chú tâm trí thì làm bất cứ việc gì cũng thành tựu. Hết lòng chuyên chú tâm trí tức là chí thành. Có câu “Chí thành tột cùng thì sắt đá cũng khai mở” (10). Chúng ta dù làm bất cứ việc gì đều cần có thành tâm, không có một chút tâm tạp loạn. Do đó “Chuyên chú nhất tâm” thì làm gì cũng thành tựu. Khi chúng ta tu hành Phật Pháp, cần chuyên chú nhất tâm, tâm niệm luôn nhớ nghĩ. Cần xem Phật Giáo quan trọng hơn việc ăn uống, quan trọng hơn việc kiếm tiền, quan trọng hơn việc thắng đua ngựa. Cần xem Phật Giáo quan trọng hơn việc học, quan trọng hơn việc lấy được học bổng hay học vị tiến sĩ, quan trọng hơn việc ăn mặc, quan trọng hơn việc ngủ nghỉ. Nếu trong mỗi niệm đều nhớ điều này và không nói dối thì mọi người đều có thể thành Phật. Tất cả tùy thuộc vào trình độ tinh tấn của quý vị như thế nào.

Chúng ta đều biết Đức Phật có nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” Tôi nghĩ nhiều người không hiểu rõ đạo lý “vô ngại”. Có thể quý vị hiểu hoặc không hiểu những điều tôi nói ngày hôm nay, nhưng dù quý vị có đồng ý với tôi hay không, tôi cũng cần nói ra. Tôi có thể nói là: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Bồ Tát, đều có thể trở thành Bồ Tát. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành Bồ Tát.” Tất cả chúng sanh đều có tánh Duyên Giác, đều có thể trở thành Duyên Giác. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành Duyên Giác. Tất cả chúng sanh đều có tánh Thanh Văn, đều có thể trở thành Thanh Văn. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành Thanh Văn. Tất cả chúng sanh đều có tánh của chư Thiên, đều có thể trở thành chư Thiên. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành chư Thiên. Tất cả chúng sanh đều có tánh A Tu La, đều có thể trở thành A Tu La. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành A Tu La. Tất cả chúng sanh đều có tánh loài Người, đều có thể trở thành loài Người. Chỉ vì những vô minh vọng tưởng chấp trước mà đi theo hướng thành loài Người. Ba đường ác cũng giống như vậy. Tất cả chúng sanh đều có tánh Súc Sanh, đều có thể trở thành Súc Sanh. Vì sao? Vì có những vọng tưởng chấp trước của súc sanh. Tất cả chúng sanh đều có tánh Ngạ Quỷ, đều có thể trở thành Ngạ Quỷ. Nếu quý vị làm nhiều mười điều ác sát sanh, trộm cắp, tà dâm, tham, sân, si,
nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai chiều đâm thọc, thì sẽ thành ngạ quỷ. Tất cả chúng sanh đều có tánh Địa Ngục, đều có thể đọa Địa Ngục. Nếu quý vị không cẩn thận lúc còn làm người thì có thể vào Địa Ngục.

Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà chúng ta thành chúng sanh trong chín Pháp Giới. có vọng tưởng chấp trước loài nào thì thành loài đó. Nếu chúng ta làm cho vọng tưởng của chúng sanh trong chín Pháp Giới đều trở thành không thì dù chúng ta không cầu thành Phật, trong tương lai không xa chúng ta cũng thành Phật. Tại sao lại nói như vậy? Để tôi đưa ra ví dụ trong cõi người: Trước đây chí người nào sanh trong dòng hoàng đế mới có thể làm hoàng đế, người dân thường không thể làm hoàng đế. Nếu người dân thường làm hoàng đế, đó là do tạo phản, soán đoạt ngôi vị. Trong các quốc gia dân chủ tân tiến, có tuyển cử Tổng Thống, và ai cũng có thể làm Tổng Thống. Có thể nói là tất cả người dân đều có tư cách làm Tổng Thống. Cũng giống như vậy, bất cứ ai cũng có thể thành Phật, miễn là họ tinh tấn tu hành. Về phương diện này, trở thành Phật thì tương tự như trở thành người đứng đầu quốc gia. Tôi không biết những điếu tôi nói có đúng không. Nếu tôi nói không đúng thì chỉ xem đó như là lời nói trong giấc mộng.

Bây giờ quý vị có thể hỏi, nhưng chỉ hỏi những vấn đề đơn giản. Nếu như quý vị hỏi vấn đề quá sâu xa, chúng ta có thể để Pháp Sư Ajahn Sumedho trả lời. [Mọi người cười].



Một Tỳ Kheo: Trong bài “Vũ Trụ Bạch” (11) [một bài thơ của Hòa Thượng Tuyên Hóa], có câu “Hai tay đấm nát nắp hư không” (12) có nghĩa là gì?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Không có ý gì. [Mọi người cười]. Nếu có ý gì thì không đấm nát hư không được.



Một cư sĩ hỏi: Phương pháp ngồi thiền của quý vị có khác phương pháp ngồi thiền của Pháp Sư Ajahn Sumedho dạy không? Nếu có khác, thì khác những gì?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: “Về nguồn thì không có hai con đường, nhưng phương tiện thì có nhiều cửa.” (13). Đây cũng giống như ông có cái mặt của ông, tôi có cái mặt của tôi, người kia thì có cái mặt của người kia. Mặc dầu mặt không giống nhau, nhưng tất cả đều là người, tâm đều cùng một dạng. Ông không thể nói mỗi cá nhân đều cùng giống nhau mọi phương diện. Đạo lý ở đây cũng giống như vậy.

 

Một cư sĩ hỏi: Bồ Tát Quán Thế Âm có nằm trong phạm vi suy xét của Hòa Thượng hay không?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Ai nói là Bồ Tát Quán Thế Âm không có trong đó?



Một Sư Cô hỏi: Con nghe nói Hòa Thượng “Luôn ngồi không nằm” (14). Hòa Thượng luyện tập như thế nào? Và với mục đích gỉ?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Có ai nói rằng tôi “Ngồi ít nằm lâu không”? Điều này không có gì cố định. Nếu quý vị muốn ngồi thì cứ ngồi, nếu quý vị muốn nằm thì cứ nằm. Chuyện người khác nói quý vị ngồi hay nằm không quan trọng. Tại sao lại chấp trước vào điều này? Nếu quý vị chấp trước vào điều gì, thì điều đó trở thành gánh nặng. Chúng ta là người tu hành thì điều quan trọng nhất là đừng bao giờ sanh phiền não, ngồi không sanh phiền não, nằm cũng không sanh phiền não. Điều quan trọng nhất là cắt đứt phiền não. Phiền não vô tận thệ nguyện thay đổi, cần biến phiền não thành Bồ Đề. “Phiền Não” chính là không giác ngộ, “Bồ Đề” tức là giác ngộ.

 

 Thấy s tỉnh sựxuất thế gian,

Thấy sự mê sự là bị trầm luân. (15)

 

Tất cả vạn sự vạn vật trên thế gian đều đang thuyết Pháp。 mỗi cá nhân đang thuyết Pháp của cá nhân đó. Mỗi sự việc đang thuyết pháp của sự việc đó. Mỗi việc mỗi vật đều đang thuyết Pháp. Tất cả đều đang thuyết Pháp. Khi chúng ta hiểu được tất cả đang thuyết Pháp, thì chúng ta nên biết làm gì.

 

Có câu:


Tánh định ma phục ngày ngày vui,

Vọng niệm không khởi chốn chốn an. (16)

 

Tôi có bài kệ:

 

Tất cả là khảo nghiệm,

Xem bạn sẽ làm sao?

Đối cảnh mà không biết,

Phải luyện lại từ đầu.

Thành thật nhận lỗi mình,

Chớ bàn luận lỗi người,

Lỗi người tức lỗi mình,

Ðồng thể tức Ðại Bi. (17)

 

Lại có bài:

 

Đúng sai cần gì cãi,

Thật giả lâu tự biết,

Kẻ trí thấy chân thật,

Kẻ ngu hành giả dối,

Kẻ tốt học Bồ tát,

Kẻ xấu dám mắng Phật,

Tâm Đại Bi bình đẳng,

Phổ độ chúng hữu tình. (18)

 

Những điều tôi nói quý vị đều đã biết, tôi chỉ đưa những điều này ra để ôn tập lại. Vì tôi là người Trung Hoa và quý vị đều là người Anh hay người Mỹ, quý vị có thể lắng nghe những đạo lý quý vị đã biết, và lảm cho những đạo lý này thành thêm quen thuộc.


 

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

奇哉!奇哉!奇哉!一切眾生皆有佛性,皆堪作佛,但以妄想執著,不能證得

Kỳ tai! kỳ tai! kỳ tai! Nhất thiết chúng sanh giai hữu phật tính, giai kham tác Phật, đãn dĩ vọng tưởng chấp trước, bất năng chứng đắc.

 

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

是男子皆是我父,是女子皆是我母

Thị nam tử giai thị ngã phụ, thị nữ tử giai thị ngã mẫu.

 

(3) Nguyên văn Hoa ngữ:

眼光要看全世界,

心志要包含法界性.

Nhãn quang yếu khán toàn thế giới,

Tâm chí yếu bao hàm pháp giới tính.

 

(4) Nguyên văn Hoa ngữ:

善者不辯,

辯者不善;

知者不駁,

駁者不知

 

Thiện giả bất biện,

Biện giả bất thiện;

Tri giả bất bác,

Bác giả bất tri.

 

(5) Nguyên văn Hoa ngữ:

若人欲了知

三世一切佛
應觀法界性

一切唯心造

 

Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết phật
ng quan pháp giới tính

Nhất thiết duy tâm tạo.

 

(6) Nguyên văn Hoa ngữ:

三點如心佈

彎勾似月牙
披毛從斯起

作佛也由它

 

Tam điểm như tâm bố

Loan câu tự nguyệt nha
Phi mao tòng tư khởi

Tác phật dã do tha.

 

(7) Nguyên văn Hoa ngữ:

智慧如海

Trí tuệ như hải.

 

(8) Nguyên văn Hoa ngữ:

一切法界都不出這一念心

Nhất thiết pháp giới đô bất xuất giá nhất niệm tâm.

 

(9) Nguyên văn Hoa ngữ:

 心誠則靈

Tâm thành tắc linh.

 

(10) Nguyên văn Hoa ngữ:

精誠所至,

金石為開

Tinh thành sở chí,

Kim thạch vi khai.

 

(11) 宇宙白 Vũ Trụ Bạch -Bài thơ do Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng tác http://dharmasite.net/VuTruBach.htm

 

(12) Nguyên văn Hoa ngữ:

雙拳打破虛空蓋

Song quyền đả phá hư không cái

 

(13) Nguyên văn Hoa ngữ:

歸元無二路,方便有多門

Quy nguyên vô nhị lộ, phương tiện hữu đa môn

 

(14) Nguyên văn Hoa ngữ:

常坐不臥

Thường tọa bất ngọa.

 

(15) Nguyên văn Hoa ngữ:

見事省事出世間

見事迷事墮沉淪

Kiến sự tỉnh sự xuất thế gian,

Kiến sự mê sự đọa trầm luân.

 

(16) Nguyên văn Hoa ngữ:

性定魔伏朝朝樂

妄念不起處處安

Tánh định ma phục triêu triêu nhạc

Vọng niệm bất khởi xử xử an.

 

(17) Nguyên văn Hoa ngữ:

一切是考驗 

看爾怎麼辦
覿面若不識 

須再從頭煉
真認自己錯 

莫論他人非
他非即我非 

同體名大悲

 

Nhất thiết thị khảo nghiệm

Khán nhĩ chẩm ma bạn
Địch diện nhược bất thức

Tu tái tòng đầu luyện

Chân nhận tự kỷ thác

Mạc luận tha nhân phi

Tha phi tức ngã phi

Đồng thể danh đại bi.

 

(18) Nguyên văn Hoa ngữ:

是非何須辯

真偽久自明
智者見真實

愚者行虛偽
善者學菩薩

惡者敢罵佛
平等大慈悲

普攝諸含識

 

Thị phi hà tu biện

Chân ngụy cửu tự minh
Trí giả kiến chân thật

Ngu giả hành hư ngụy

Thiện giả học Bồ tát

Ác giả cảm mạ Phật
Bình đẳng đại từ bi

Phổ nhiếp chư hàm thức.

 

 

Đạo Phật và Hòa Bình Thế Giới

Bài nói chuyện ngày 09 tháng 10 năm 1990 tại nhà hát Westminster, Luân Đôn, nước Anh.

 

Những gì người khác không muốn, chúng ta sẽ nhận; những gì người khác muốn, chúng ta sẽ không muốn. Đây chính thực là hòa bình..

 

Nam mô tát đát tha, Tô già đa da, A ra ha đế, Tam miệu tam bồ đề tỏa (3x).

(Là bốn câu đầu của Chú Lăng Nghiêm được trì tụng để quy y với tất cả chư Phật và Bồ Tát trước khi thuyết pháp hay giảng kinh).

 

Kính thưa các vị lãnh đạo tôn giáo các nước, các vị thiện tri thức, các vị Đại Đức từ bi, Hôm nay chúng ta cùng nhau ngiên cứu về mối quan hệ giữa đạo Phật và nền hòa bình thế giới. Đạo Phật là hòa bình, và hòa bình là đạo Phật, hai bên không có sự xung đột. Những người học Phật pháp chính là đang học về hòa bình. Những người không học Phật pháp thì không thể hòa bình. Tại sao tôi nói như vậy? Những người học theo đạo Phật đều học Vô Tranh Tam muội. Vô Tranh - Không Tranh. Không Tranh nghĩa là hoàn toàn không còn một chút tranh chấp nào. Không tranh chính là những gì người khác không muốn, chúng ta sẽ nhận; những gì người khác muốn, chúng ta sẽ không muốn. Đây chính thực là hòa bình.

Tại sao người ta tranh? Tranh đến từ đâu? Tranh khởi đầu từ trong tâm của con người. Một khi quý vị tranh, thì quý vị không còn hòa bình. Nếu quý vị không tranh, thì sẽ có hòa bình. Hòa bình chính là khi không còn các sự đấu tranh nào nữa. Không có hòa bình có nghĩa là vẫn còn sự đấu tranh.

Khi Đức Phật còn tại thế, lúc ấy là thời kỳ Chánh Pháp kiên cố. Sau khi Phật nhập niết bàn, lúc đó là thời kỳ Tượng Pháp kiên cố. Hiện nay chúng ta đang ở vào thời Mạt Pháp là thời ký Đấu Tranh kiên cố.

Do đó có câu kệ như sau:

Tranh là tâm hơn thua

Đi ngược lại với Đạo

Hay sanh ra bốn tướng

Làm sao được Tam-muội? (1)

Một khi quý vị bắt đầu tranh thì quý vị đi ngược với Đạo. "Hay sanh ra bốn tướng" Một khi quý vị tranh thì quý vị có ngã tướng, tướng về mình. Có cái tướng về mình thì cũng có tướng về Người (nhân tướng), có tướng về người tướng thì có tướng về chúng sanh (chúng sánh tướng), và có tường về chúng sanh thì cũng có tướng về thọ giả (thọ giả tướng). Do đó nói là sanh ra bốn tướng. "Làm sao được Tam-muội?" Khi cái tâm với bốn tướng phát sanh thì làm sao quý vị đắc chánh định chánh thọ?

Chúng ta học Phật pháp, hoặc học tôn giáo khác, học Pháp môn nào mà nếu còn tâm tranh thắng thì không có hòa bình, vẫn là tâm đấu tranh. Nên nói "Tranh là tâm hơn thua, Đi ngược lại với Đạo, Hay sanh ra bốn tướng, Làm sao được Tam-muội?"

Nếu tâm của quý vị còn tranh, làm sao quý vị có được sự lợi ích từ tôn giáo? Không những chẳng có lợi ích mà thật ra còn gây hại vì đối với người lại sanh một loại tâm nguy hại, làm nguy hiểm đến sanh mạng của người khác. Như vậy không phải là hòa bình. Nếu chúng ta muốn thế giới hòa bình, chúng ta đều bắt đầu bằng sự không tranh.

Cái tướng đầu tiên của bốn tướng là Ngã tướng. Cái ngã từ đâu mà phát sanh? Có câu kệ về Ngã như sau:

Khi ta chưa sinh, ta là ai?

Khi sinh ra rồi ta là ai?

Lớn lên thành người mới là ta?

Nhắm mắt mù mờ lại là ai? (2)

Những câu kệ trên đây nghiên cứu câu hỏi về cái Ngã này. Trước khi sanh vào thân này, tôi đã ở đâu? Tôi là ai? Rốt cuộc tôi là ai? Sau khi sanh, lúc còn nhỏ tôi vẫn không biết mình là ai. Tuy nhiên khi lớn lên và đã trưởng thành, tôi cảm thấy có một cái "Tôi."

Những bộ phận trong cơ thể chúng ta, tứ chi, xương cốt, cái đầu, bàn tay, bàn chân, mắt, tai, mũi, răng, lưỡi và toàn cái thân chúng ta vốn đều có tên gọi riêng, nhưng cái nào là "ngã". Quý vị tìm khắp trên toàn thân nhưng quý vị sẽ không tìm được cái "ngã" trong đó. Quý vị biết là có cái ngã nhưng quý vị không thể tìm được nó. Vậy thật ra ngã nó là cái gì? Khi quý vị nhắm mắt và chết, quý vị lúc ấy là ai? Cái "Ngã" là một cái gì mơ hồ, không rõ lắm. Tên gọi và thực tế không trùng hợp nhau. Quý vị không biết được cái gì là ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả. Cho dù người ta không hiểu nhưng người ta vẫn muốn sống và không muốn chết. Họ vẫn muốn ăn và không muốn đói, vẫn muốn có áo mặc chứ không muốn lạnh, muốn ngủ chứ không muốn mệt. Tại sao vậy? Người ta thậm chí còn muốn làm chuyện xấu và tránh làm các điều thiện. Họ muốn bất hiếu thay vì hiếu thảo với cha mẹ. Ai dạy họ làm như vậy?

Nếu có cái "Tôi" thì tại sao cái "Tôi" không thể khiến mắt tôi không bị mờ, tai tôi không bị điếc, hay răng tôi không bị rụng? Thậm chí khi ta bịnh và sắp chết, tại sao cái "Tôi" không thể làm được điều gì? Nếu "Tôi" không phải là cái tên giả, vậy nó là gì? Có phải đây là sự hồ đồ mê mờ, không hiểu rõ? Nhưng Phật quả chính là sự hiểu rõ.

Lý do thế giới không có hòa bình là vì con người ngu si. Nếu muốn có hòa bình trên thế giới, con người phải có trí huệ và phải biết nhường nhịn thay vì tranh giành. Thí dụ như trong lịch sử Trung Hoa, vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho Vũ. Một vị vua tình nguyện nhường ngôi cho vị kế tiếp, các vị hoàng đế sẵn sàng giao vương quốc của họ cho người khác. Vì họ nhường và không tranh nên thời đó là thời của thái bình thịnh vượng. Nhường mà không tranh.

Các vị cổ đức có thể nhường cả đất nước cho người khác vì họ xem của cải tài sản bên ngoài như đôi dép rách. Xem quốc gia lãnh thổ như đôi dép rách không giá trị. Dù vậy họ vẫn muốn chăm lo đôi dép rách và họ muốn bảo vệ lãnh thổ, vì thế họ muốn tìm người xứng đáng với món quà. Vua Nghiêu đi khắp cả nước để tìm người hiền đức, một người không có lòng tham, một người nhà vua có thể tin tưởng giao phó cơ nghiệp quốc gia.

Vào thời đó ở Trung Hoa có hai vị thánh nhân là Sào Phủ và Hứa Do không có lòng tham. Sào Phủ không có nhà để ở, ông trú ngụ trên cây tương tự như chim sống trong tổ. Ông làm một tổ trên cây, vì vậy được gọi là Sào Phủ (Người ở tổ chim). Hứa Do là người giữ trâu, ông tự nuôi một con trâu và hằng ngày uống chút sữa trâu để sống.

Sào Phủ thì ngay đến một cái chén cũng không có. Có người cho ông một cái vỏ trái bầu có thể dùng để uống nước, nhưng khi treo nó trên cây và bị gió thổi va chạm vào thân cây tạo tiếng ồn chói tai, nên ông cũng không muốn giữ lấy nó nữa. Ông ưa dùng tay hứng nước để uống. Cuộc sống của ông thanh đạm như vậy, không có lòng tham. Hứa Do thì hằng ngày chỉ ăn rau cải dại và uống chút sữa, như thế là đủ rồi. Ông ta cũng chẳng có lòng tham.

Khi vua Nghiêu nghe kể về hai vị trên không tham và cũng không tranh với người, nhà vua muốn nhường quốc gia lại cho họ. Cho nên vua mới đi tìm Sào Phủ và nói về việc muốn nhường quốc gia lại cho Sào Phủ làm Hoàng đế. Nghe xong, Sào Phủ quay lưng chạy ra bờ sông để rửa sạch tai. Vì sao lại rửa tai? Vì ông cảm thấy những lời đề nghị của vua Nghiêu trao quốc gia lại cho mình đã làm dơ bẩn tai ông, nên ông muốn rửa sạch các lời nói dơ bẩn ấy.

Khi Hứa Do thấy Sào Phủ rửa tai bên bờ sông bèn hỏi: "Tại sao ông làm vậy? Tai ông bị gì vậy"? "

Sào Phủ đáp: "Vua Nghiêu thật không có gì tốt hơn để làm nên mới đến hỏi tôi là muốn nhường quốc gia thiên hạ cho tôi, kêu tôi làm Hoàng đế quản trị thiên hạ, tôi cảm thấy bẩn tai nên muốn rửa sạch tai." Hứa Do đang dẫn trâu đi uống nước nhưng sau khi nghe xong, ông lập tức dẫn trâu đi ngược dòng lên dòng nước phía trên để trâu uống nước.

"Tại sao ông dẫn trâu lên dòng nước phía trên?" Sào Phủ hỏi.

"Ông rửa tai bên bờ sông, như vậy nước bị dơ, tôi không thể để con trâu của tôi uống nước dơ được. Cho dù là trâu nhưng nó cũng không muốn uống nước dơ bẩn." Hứa Do đáp.

Quý vị nghĩ xem. Người xưa họ thanh cao như thế, không tranh như thế, không tham như thế. Nên khi có người muốn cho họ cả quốc gia, họ cũng không muốn nhận. Nhưng người ngày nay càng ngày càng xa rời chánh đạo, tất cả chỉ vì cái "Ngã". Ngã là gì? Chúng ta tự mình không hiểu được, thế nhưng ngày ngày chúng ta bám chấp vào nó khiến quên hết mọi việc. Chỉ vì cái chấp vào ngã khiến chúng ta không có trí huệ. Nếu quý vị có thể nhìn xuyên thấu cái ngã và buông xả nó đi thì quý vị sẽ được tự tại và sẽ không còn vấn đề nào nữa. Chỉ vì quý vị không thấu hiểu và buông bỏ nó được nên quý vị vẫn chưa được tự do tự tại. Thay vào đó, cái ngã nó hồ đồ, mê mờ, sống như kẻ say và chết như trong mộng. Khi quý vị thức dậy, quý vị chạy tới chạy lui - không biết chạy làm cái gì. Rồi sau khi làm xong chuyện, quý vị lại lên giường đi ngủ. Ăn cũng vậy. Quý vị ăn no xong bữa nay nhưng rồi ngày mai lại phải ăn nữa, cứ thế ngày qua ngày cho đến mấy chục năm, rồi hết. Ai biết cái ngã quý vị đi về đâu? Bản thân quý vị không biết ngã nó đi đâu, thế nhưng cái ngã giả tạo này khiến quý vị tìm đồ ngon để ăn, áo đẹp để mặc. Quý vị làm nô lệ cho cái ngã giả này, rối rít lo lắng khi nó đói, nó lạnh hay nó khát. Quý vị làm mọi cách cho nó khỏe mạnh nhưng khi đến lúc, thì nó cũng phải chết. Hãy nhìn xem! Suốt đời bận rộn quay cuồng, làm lụng mệt mỏi đến khi tai lãng, mắt mờ, tóc bạc răng long, chân yếu không đi được và chính mình cũng không biết làm gì. Vì quý vị không hiểu được cái "chân ngã", quý vị đã bị gạt. Khi tới lúc chết, quý vị không tự tại, không thể làm chủ được sự việc.

Chúng ta nên suy nghĩ lại. Từ bao ngàn năm nay, người ta sanh ra, chết đi, rồi tái sanh, cứ như thế và như thế. Con người sống cuộc sống bận rộn đời này sang đời khác. Trong bao ngàn năm này, chúng ta trôi theo vòng sanh tử, tử sanh. Chúng ta khóc và cười, cười và khóc. Có câu kệ rằng:

Cá nhảy ở trong nước;

Người ồn ở trên đời.

Không biết làm thiện đức,

Hao tâm tạo nghiệp tội.

Dù bạc vàng như núi,

Nhắm mắt buông xuống hết,

Tay trắng gặp Diêm vương,

Hối tiếc nước mắt tuôn. (3)

Chỉ khi đó, giống như những tội phạm bị nhốt trong lao tù, quý vị mới hối hận chuyện mình đã làm, nhưng lúc ấy đã quá muộn. Tôi không rành Anh ngữ lắm nhưng tôi biết chữ "too late" (quá trễ).

Nước Anh là một nước rất văn minh, có trình độ văn hóa đứng hàng lãnh đạo trên thế giới. Tôi hy vọng nước Anh sẽ đưa văn hóa trí tuệ vào xã hội văn minh của mình và dùng nền văn hóa trí tuệ để hướng dẫn những người trên thế giới thiếu có trí huệ. Nếu ai ai cũng có trí huệ thì thế giới sẽ có hòa bình. Nếu con người ngu si thì sẽ không có hòa bình trên thế giới.

Điều kiện đầu tiên để có trí huệ là không sát sanh. Sát sanh là không có trí huệ, tại vì quý vị đoạt mạng của những sanh vật khác thì chúng sẽ tìm cách trả thù. Vì sự ngu si của chúng ta, chúng ta mê lầm, tạo nghiệp và thọ lãnh lấy quả báo. Nếu quý vị giết hại người khác thì họ cũng sẽ giết hại lại quý vị. Nếu quý vị ăn thịt chúng, chúng cũng sẽ ăn thịt quý vị.

Có một giáo sư sống ở Chùa Vạn Phật nghe nói về lợi ích của việc ăn chay. Ông ta nghe nói nếu ăn chay thì sẽ không tạo nghiệp với các chúng sanh nên không phải bị quả báo. Gia đình ông ăn chay và con ông cũng được dạy ăn chay. Ông ta giảng nguyên tắc sau cho con ông: "Nếu con ăn nhiều thịt heo, con kiếp sau sẽ thành heo. Nếu con ăn nhiều thịt bò, con sẽ thành loài bò, ăn nhiều thịt cừu thì sẽ thành con cừu. Nếu con không ăn thịt thì con sẽ không trở thành những súc vật trên, con ăn gì thì sẽ thành cái đó." Nhưng đứa bé không xem trọng lời giảng nghĩa của cha nó. Bé gái chỉ có 3 tuổi và hỏi lai: "Ba nói ăn thịt heo thành heo, ăn thịt bò thì thành bò, thịt cừu thì thành cừu, vậy nếu con ăn rau cải thì con không phải thành rau cải hay sao"? Người cha không biết trả lời làm sao bèn đem con gái và câu hỏi của bé gái đó đến hỏi tôi.

Tôi bảo, "Heo, bò, cừu đều có chân và nếu con muốn bắt giết chúng,chúng sẽ cố bỏ chạy. Khi con giết chúng, trong lòng chúng đầy thù hận và trong tương lai chúng nó sẽ kéo con xuống thành bọn chúng. Con cừu kéo con xuống thành cừu, con heo kéo con xuống thành heo và con bò kéo con xuống thành bò. Còn rau cải thì sao? Lúc con ăn chúng, chúng không có la hét, nhảy, hay mọc chân bỏ chạy đâu. Cho nên nếu con ăn rau cải, con có lẽ sẽ không thành loài rau đâu."

Trong tiếng Trung Hoa, chữ thịt - "Nhục" (肉) - gồm hai chữ "Nhân" (人) bên trong chữ "Khẩu" (口). Chữ "khẩu" lúc này thiếu một nét ở bên dưới, có nghĩa là cái miệng đang há ra để ăn người.

Trong chữ 'nhục"' (肉) gồm có hai người (人),

Người ở trong kéo người ở ngoài,

Chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh,

Suy xét kỹ là người ăn người. (4)

Hai người trong chữ "nhục" (肉) (thịt) tượng trưng cho một người đang ăn và người kia đang bị ăn. Tôi nhớ có lần có người hỏi "Ăn chay có lợi ích gì? Không phải là giống như tự lừa dối mình để bị thiệt thòi hay sao"? Tôi đáp, "Quý vị có thể cảm thấy mình bị thiệt thòi trong lúc quý vị còn sống, nhưng quý vị sẽ không bị thiệt thòi sau khi chết. Nếu quý vị không ăn chay thì khi sống quý vị không bị thiệt thòi nhưng khi chết rồi thì sẽ bị. Một khi sổ sách tính xong thì quý vị phải trả nợ cho những gì mình thiếu." Dựa theo đạo lý trên, nếu chúng ta muốn hòa bình trên thế giới, chúng ta cần ngưng sát sanh và ăn thịt. Không sát sanh đích thật là hòa bình chân chánh. Nếu quý vị không giết kẻ khác, thì người khác sẽ không giết quý vị. Nếu quý vị không ăn thịt kẻ khác, thì kẻ khác sẽ không ăn thịt quý vị. Dù tôn giáo của chúng ta là tôn giáo nào, nếu tất cả chúng ta đều ăn chay, thì sẽ có hòa bình trên thế giới.

Một vài thập niên trước, khi tôi đến Đài Loan, dân chúng ở đó rất lo sợ về sự xâm lăng của Trung cộng. Cuộc sống họ như ngàn cân treo sợi tóc và mọi người đều hoang mang. Người ta muốn biết chừng nào Cộng sản Trung Hoa sẽ tấn công nên họ hỏi tôi, "Đài Loan sẽ ra sao?" Lúc đó có một người rất lo lắng về câu hỏi này, tại vì nếu tôi trả lời không thích đáng, tôi có thể sẽ vào tù. Vấn đề này rất là nhạy cảm, và nếu có ai phát biểu điều gì không đúng thì họ sẽ bị bắt, bị ghép tội là cộng sản và bị cho vào tù trên Đảo Xanh (Lục Đảo - Green Island).

Tôi nói với người đặt câu hỏi, "Nếu người dân Đài Loan ăn chay, niệm Phật và không sát sanh, thì Đài Loan sẽ tốt đẹp. Nhưng nếu người Đài Loan hay sát sanh, tạo nhiều ác nghiệp thì Đài Loan sẽ hư hoại. Nếu mọi người không làm các điều ác, luôn làm các việc thiện (5), nước Đài Loan sẽ vô sự, nhưng nếu quý vị làm nhiều các điều ác, không làm các việc thiện (6), Đài Loan sẽ bị nguy hiểm."

Những gì tôi nói hôm nay có thể có một chút đạo lý, hay có thể là không có chút đạo lý nào. Tôi hy vọng mọi người hãy dùng trí huệ của mình để tìm xem chân lý ở đâu. Có câu nói,

Nếu là Ðạo thì tiến tới,

Không phải là Ðạo thì thối lui!" (7) 

Tôi hy vọng tất cả quý vị

Chọn điều thiện để theo,

Sửa đổi điều bất thiện. (8)

Cuối cùng tôi chúc tất cả mọi người sức khỏe dồi dào, tinh thần an lạc, tất cả đều cát tường như ý. Chúc mọi người một đêm an lành!

 

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

 Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

爭是勝負心
與道相違背
便生四相心
由何得三昧

Tranh thị thắng phụ tâm
Dữ Đạo tương vi bối
Tiện sanh tứ tương tâm
Do hà đắc tam muội?

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

未曾生我誰是我
生我之時我是誰
長大成人方是我
合眼朦朧又是誰

Vị tằng sanh ngã thùy thị ngã
Sanh ngã chi thì ngã thị thùy
Trưởng đại thành nhân phương thị ngã
Hợp nhãn mông lông hựu thị thùy
?

(3) Nguyên văn Hoa ngữ:

魚在水裏躍
人在世上鬧
不知為善德
虧心把孽造
金銀堆成山
閉眼全都撂
空手見閻君
悔心把淚掉

Ngư tại thủy lý dược
Nhân tại thế thượng náo
Bất tri vi thiện đức
Khuy tâm bả nghiệt tạo
Kim ngân đôi thành san
Bế nhãn toàn đô lược
Không thủ kiến Diêm quân
Hối tâm bả lệ điệu.

(4) Nguyên văn Hoa ngữ:

肉字裏邊兩個人
裏邊罩著外邊人
眾生還吃眾生肉
仔細思量人吃人

Nhục tự lý biên lưỡng cá nhân
Lý biên tráo trứ ngoại biên nhân
Chúng sanh hoàn cật chúng sanh nhục
Tử tế tư lượng nhân cật nhân.

(5) Nguyên văn Hoa ngữ:

諸惡莫作,眾善奉行

Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành

(6) Nguyên văn Hoa ngữ:

諸惡多作,眾善不行
Chư ác đa tác, chúng thiện bất hành

(7) Nguyên văn Hoa ngữ:

是道則進, 非道則退

Thị đạo tắc tiến, Phi đạo tắc thối.

(8) Nguyên văn Hoa ngữ:

擇善而從, 不善而改

Trạch thiện nhi tòng,Bất thiện nhi cải.

 

 

Làm Thế Nào Để Tiêu Trừ Sợ Hãi Và Nghiệp Chướng

Bài nói chuyện ngày 10 tháng 10 năm 1990 tại Chithurst, nước Anh.

 

Sợ hãi đến từ lo âu. Nếu quý vị không lo thì quý vị sẽ không sợ bất cứ chuyện gì. Nếu quý vị không ích kỷ thì quý vị chẳng cần phải sợ hãi.

 

 

Hỏi: Chúng ta khéo dùng phương tiện như thế nào để khắc phục vượt qua dục vọng, lo sợ và lòng hoài nghi?

Hoà Thuợng: Không ăn thịt, hành và tỏi. Tránh không dùng các chất kích thích. Hãy xem tất cả người nam như là cha mình và tất cả người nữ như là mẹ mình. Nếu quý vị suy nghĩ như vậy thì quý vị sẽ không sanh dục vọng. Sợ hãi đến từ việc lo âu. Nếu quý vị không lo thì quý vị sẽ không sợ bất cứ chuyện gì. Nếu quý vị không ích kỷ thì quý vị chẳng cần phải sợ hãi. Nếu quý vị không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối, thì quý vị không có gì để sợ hãi cả.

Quý vị còn lòng nghi là vì quý vị không có niềm tin, cứ lúc tin lúc ngờ. Kinh Hoa Nghiêm phẩm Hiền Thủ có nói "Lòng tin là cội nguồn của Đạo, là mẹ của công đức" (1). Hãy tin vào trí huệ có sẳn trong tất cả chúng sanh, và rồi quý vị sẽ không còn nghi ngờ nữa. 

Mỗi ngày nói lời thật,

Không sợ bị đánh mắng.

Giết tôi, tôi không sợi.

Giải thoát có gì ngại? (2)

Luôn luôn nói lời chân thật, và không vọng ngữ. Hãy thành thật và ngay thẳng. Không sợ người ta la rầy hay đánh đập mình. Cho dù họ có đánh, quý vị cũng muốn nói lên sự thật, ngay cả khi họ muốn giết, cũng không có gì để sợ. Còn gì để sợ hãi khi đã được thật sự giải thoát? Đâu cỏn gì ở đó để mà sợ hãi?

 

Hỏi: Có một số cư sĩ hỏi chúng con là khi gặp nghiệp chướng, họ thối chí và muốn bỏ cuộc. Nếu đây là định nghiệp chúng con phải trả lời với họ như thế nào? Chúng con có nên khuyên họ tiếp tục tinh tấn thêm?

Hòa Thượng: Tùy vào hoàn cảnh, quý vị phải tùy theo bệnh mà cho thuốc. Phiền não và Bồ đề như băng và nước. Phiền não tức là Bồ Đề. Nơi chỗ tử vong, là cuộc sống mới bắt đầu. Khi tới mức không còn nhẫn chịu được nữa mà mình nhẫn chịu được, khi nào tới cánh cổng mà mình nghĩ sẽ không vượt qua được mà lại vượt qua được, thì như thế mới là đáng kể. Không có gì là đường cùng cả, quý vị không nên nhốt mình vào trong góc hẻm. Xe đến trước núi ắt sẽ có đường đi (3).

Tôi nhớ khoảng 7 hay 8 năm về trước, có một cư sĩ ở New York mời một vị sư đến cư trú tại chùa của ông ta. Nhưng vì ông ta thường hay cãi nhau với vị sư nên vị sư ấy cuối cùng mới bỏ đi. Ngôi chùa là do vị cư sĩ xây lên, nhưng vì ông ta muốn dùng vị sư để thu hút người, ông thường hay sai khiến vị sư. Vị sư đó khi mới tới chùa, đã không vừa ý khi bị một cư sĩ sai khiến, cho nên hai người cứ hay tranh cãi và cuối cùng thì vị sư đã ra đi. Vị cư sĩ rất thất vọng và đã gọi điện thoại cho tôi, nói ông ta sẽ đóng cửa chùa vì ông ta quá chán chường. Ông ấy kể cho tôi nghe mọi vấn đề, kể khổ với tôi, hy vọng là tôi sẽ ngã về phía ông ta và chỉ trích vị sư. Như vậy thì ông ta sẽ là người chiến thắng và sẽ cảm thấy mình đúng.

Nhưng tôi bảo ông ta cứ đóng cửa chùa đi. Tôi nói "Ông đáng ra nên đóng cửa chùa từ lâu rồi!." Ông ấy lặng thinh. Sự im lặng kéo dài chừng mười phút. Khi thấy ông ấy không còn gì để nói, tôi bảo "Thuở đó khi ông còn nghèo, ông dùng danh nghĩa của Phật giáo để làm giàu. Giờ đây khi giàu có rồi, ông đáng ra nên đóng cửa chùa và nên "qua cầu rút ván", quên hết những ơn mà đạo Phật đã làm cho ông. Nếu ông không quên ơn thì cần báo ơn. Cỏn nếu ông quên ơn thì ông không cần phải báo ơn. Cho nên đó là lỗi của ông nếu ông phải đóng cửa chùa." Tôi khiển trách ông ta như thế và từ đó đến nay ông ấy vẫn chưa đóng cửa chùa.

 

Hỏi: Khi chúng con tu hành, chúng con nhiều lúc sanh tâm kháng cự lại khiến gây ra chướng ngại. Chúng con phải đối trị như thế nào?

Hòa Thượng: Nếu có một con cọp đến ăn thịt con, con cũng sẽ cố ăn thịt nó sao? Như vậy là kháng cự, con sẽ làm như vậy sao?

 

Hỏi: Chúng ta thường thảo luận về A La Hán và Bồ Tát. Xin Hòa Thượng giảng về sự tuơng đồng và khác biệt giữa hai bên. Bồ Tát và A La Hán khác nhau như thế nào?

Hòa Thượng: A La Hán và Bồ Tát là danh hiệu dùng cho người có những trình độ trí huệ khác nhau. Bồ Tát thì muốn làm lợi ích cho người trong khi A La Hán chỉ tu hành để tự giúp ích cho bản thân. Cả hai là những gia đoạn trên con đường hành đạo. Là người thường, quý vị không biết được cảnh giới của A La Hán như thế nào. Quý vị cứ tha hồ mà suy đoán nhưng chỉ phí thời gian thôi. Cho dù quý vị có cố suy đoán A La Hán và Bồ Tát là như thế nào đi nữa nhưng cũng không thể nào biết được cảnh giới của họ. Quý vị như là người chưa từng đi học mà lại cho mình biết việc học như thế nào, sẽ học sách nào trong trường trung học và ở trên đại học. Nếu chỉ toàn là suy đoán mà không nỗ lực học hành chăm chỉ thì dù có tưởng tượng đến vô cùng tận thì quý vị vẫn không thể nào tốt nghiệp được. Quý vị không cần phải suy nghĩ đi học trong trường trung học hay đại học sẽ đọc sách gì. Tất cả việc quý vị cần làm là mỗi ngày vào trường và siêng năng học hành. Khi đến được trình độ đó rồi, khi đọc các sách vở đó rồi thì tự nhiên quý vị sẽ biết là nó như thế nào. Mọi suy đoán của quý vị chỉ là lãng phí tinh thần. Ăn no rồi không có gì tốt hơn để làm, quý vị tìm nhữngviệc vô ích để có chuyện làm, đó là theo nhận xét của tôi.

Cho nên người bình thường như chúng ta sau khi xuất gia, trước hết chúng ta muốn thành một Tỳ Kheo tốt. Làm Tỳ Kheo giống như là học sinh trường tiểu học. Sau khi học xong chương trình tiểu học, tất nhiên chúng ta có thể lên trung học. Tại trung học chúng ta không cần lo nghĩ là sẽ làm gì sau khi có bằng Tiến Sĩ. Cho dù chúng ta nên có kế hoạch nhưng chúng ta nên biết khi tới lúc ấy thì sự việc có thể sẽ không xảy ra như đã dự định. Vì thế tốt hơn hết là hãy chú tâm làm Tỳ Kheo cho tốt hơn là nghiên cứu cảnh giới của Bồ Tát và A La Hán.

 

Hỏi: Cha mẹ con không đồng ý cho con xuất gia. Họ không nghĩ xuất gia là điều tốt. Con thật muốn dùng đạo Phật để cảm hóa cha mẹ con nhưng nếu con xuất gia thì cha mẹ con chắc sẽ phản đối hơn. Xin Hòa Thượng chỉ con cách nào để giúp cha mẹ con từ từ chấp nhận Phật Giáo và thiền.

Hòa Thượng: Đúng là rất dễ khiến cho cha mẹ con chống lại việc con xuất gia. Ở Mã Lai có một nhà sư, khi thấy chư Tăng Ni chùa Vạn Phật Thánh Thành mặc áo giới, vị sư đó cũng muốn làm như vậy. Nhưng Sư phụ của thầy không cho phép mặc áo giới trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vị Sư phụ đó nói là người xuất gia không cần phải mặc áo giới. Khi nhà sư đến hỏi tôi nên làm cách nào, tôi nói "Hãy về nói với thầy của con là nếu con mặc áo giới, con sẽ luôn được nhắc nhở mình là người xuất gia và sẽ không còn ý niệm dâm dục; nếu con không mặc áo giới thì con cứ mãi nhớ nghĩ đến phụ nữ. Nói cho thầy con nghe như vậy, và hãy xem ông ấy có cho phép con mặc áo giới không." Khi nhà sư về nói cho điều này với thầy mình, thì vị thầy đó không còn cản trở việc nhà sư mặc áo giới nữa.

Còn về câu hỏi của con, con có thể nói cho cha mẹ mình là "Nếu con không xuất gia thì con muốn ăn nhậu, cờ bạc gái điếm, dùng ma túy và ngay cả phóng hỏa, giết người và làm đủ các loại tội ác khác. Nhưng nếu con xuất gia thì con sẽ không sát sanh mà lại phóng sanh, cho nên tự nhiên con cũng không dám làm các chuyện ác khác." Hãy nói cho cha mẹ con như vậy và hỏi họ là xuất gia là việc tốt hay không tốt.

 

Hỏi: Pháp môn Niệm Phật là một pháp môn không phổ biến lắm trong Phật Giáo Nam Tông. Như vậy Hòa Thượng khuyên nên dùng pháp môn nào để phát khởi tâm tín ngưỡng?

Hòa Thượng: Tín có thể ví dụ như năm mùi vị. Tất cả các pháp môn Đức Phật dạy đều giống như là những mùi vị khác nhau, nào là chua, ngọt, đắng, cay và mặn. Quý vị không thể cho vị chua là ngon nhất, quý vị không thể nói vị ngọt là đệ nhất. Quý vị cũng không thể cho là vị đắng, cay hay mặn là đệ nhất tại vì mỗi người đều có sở thích riêng. Những người thích ăn đồ chua cho rằng chua là ngon đối với họ, những người thích ngọt thì lại bảo ngọt thì ngon đối với họ, còn người thích đắng cho rằng vị đắng ngon đối với họ. Còn những người thích ăn cay thì món ăn không thể nào thiếu gia vị cay. Bất kể là chúng ta tin vào pháp môn nào, nếu chúng ta tu tập đúng pháp thì tất nhiên sẽ có kết quả, còn nếu làm không đúng thì sẽ không có cảm ứng. Để chọn pháp môn nào còn tùy thuộc vào căn tánh của từng người. Mỗi người đều có nhân duyên của họ, nhưng dù là pháp môn nào đi nữa, nếu quý vị có thể nhất tâm tu trì thì quý vị sẽ được cảm ứng. Thí dụ quý vị tu pháp môn niệm Phật, nó không tốn nhiều công sức hay tiền bạc và cũng không cản trở các công việc khác vì quý vị có ễthể trì niệm cho dù là đang đi đứng, nằm hay ngồi, là ban ngày hay ban đêm. Đây là một pháp môn mà nhiều người có thể thực hành một cách dễ dàng, cho nên nói chung nó thích hợp với nhiều người. Nhưng nếu quý vị không chuyên chú thì có thể sẽ không có cảm ứng. Có câu kệ như sau:

Miệng niệm A Di Đà, tâm tán loạn

Niệm đến khan cổ chỉ phí công. (4)

Cho nên quý vị dù tu pháp môn nào, cũng đều cần có niềm tin. " Lòng tin là cội nguồn của Đạo, là mẹ của công đức, nuôi lớn tất cả các căn lành." Tại sao chúng ta không có niềm tin kiên cố? Là vì chúng ta trồng gốc rể chưa được sâu nên chúng ta chúng ta không thể thâm nhập Phật pháp. Vậy thì phải cần làm gì? Chúng ta nên lập công, lập đức và lập ngôn (nói lời thiện lợi ích). Lập Công là làm việc giúp ích cho người. Lập Đức là làm lợi cho người mà không để họ biết. Và Lập Ngôn là:

Với miệng từ bi và lưỡi khéo léo,

Dù nghèo giàu đều tạo nhiều công đức (5)

Nếu chúng ta có thể nói lời chân thật, không nói dối, nếu có thể nói lên đạo lý mà mình đã chứng nghiệm sau bao gian nan khổ cực thì không ai có thể bác bỏ chân lý đó được. Chân lý thì bất biến, không thay đổi, nhưng lại tuỳ duyên. Tuy tùy duyên nhưng lại bất biến. Đây là sự khác biệt giữa chân lý và hư giả. Nếu quý vị nhận ra chân lý và hàng ngày nghiên cứu chân lý thì tự nhiên quý vị sẽ có niềm tin.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

 信為道元功德母

Tín vi Đạo nguyên công đức mẫu.

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

日日說真話

不怕打與罵
殺我吾不畏

解脫有何罣

Nhật nhật thuyết chân thoại
Bất phạ đả dữ mạ
Sát ngã ngô bất úy
Giải thoát hữu hà quái.

 

(3) Nguyên văn Hoa ngữ:

車到山前必有路

Xa đáo san tiền tất hữu lộ.

 

(4) Nguyên văn Hoa ngữ:

口念彌陀心散亂 

喉嚨喊破也徒然

Khẩu niệm di đà tâm tán loạn

Hầu lung hảm phá dã đồ nhiên

 

(5) Nguyên văn Hoa ngữ:

慈悲口,方便舌,

有錢沒錢多作德

Từ bi khẩu, phương tiện thiệt,

Hữu tiền một tiền đa tác đức.

 

 

Để Ngừng Chiến Tranh Trước Hết Phải Ngừng Sự Đấu Tranh Trong Tâm Quý Vị

Bài nói chuyện ngày 11 tháng 10 năm 1990 tại London, nước Anh.

Sức mạnh nào có thể ngăn chận chiến tranh? Là sức mạnh của sự thành tâm. Trong từng ý nghĩ của chúng ta không nên có lòng hận thù.

 

Chiến tranh gây nên tổn thất về sanh mạng, tổn thất về tài sản và tổn thất về tinh thần; chiến tranh cũng làm tăng sự ô nhiễm môi trường. Mặc dù chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số người đang sống trên thế giới nhưng “nhân định thắng thiên”. Với nhóm ít người của chúng ta, chúng ta muốn cầu nguyện với chư Phật và Bồ Tát ở mười phương để chấm dứt chiến tranh (chiến tranh Trung Đông – 1990). Nếu chúng ta có thể thành tâm 120 ngàn phần trăm với ước nguyện chấm dứt chiến tranh thì dù khó khăn chúng ta nhất định sẽ có đựơc cảm ứng, nhân định thắng thiên.

Bây giờ tôi sẽ nói từng câu, mọi người lập lại theo tôi:

“Chúng con – Tuyên Hóa và các đệ tử- nguyện cầu Tận Hư Không, Biến Pháp Giới Quá Hiện Vị Lai Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo- Phật Pháp Tăng- phát đại thệ nguyện hộ trì cho tất cả chúng sanh trên toàn thế giới., làm cho cuộc chiến tranh Trung Đông sẽ chấm dứt và tất cả chúng sanh sẽ sớm có được hòa bình an lạc. Chúng con nguyện đời đời kiếp kiếp đền đáp trọng ân của Tam Bảo. Với tất cả lòng thành kính chúng con hy vọng Tận Hư Không, Biến Pháp Giới Quá Hiện Vị lai Thường Trụ Tam Bảo -Phật Pháp Tăng- sẽ từ bi đáp ứng lời thỉnh cầu của chúng con.”

Pháp Hội hôm nay vô cùng quan trọng, mọi người nên trân trọng tâm nguyện cứu độ thế gian. Mọi người nên xem mạng sống của tất cả chúng sanh quan trọng hơn cả tánh mạng của mình. Chúng ta nên phát tâm chấm dứt tất cả cuộc chiến tranh trên thế giới.

Muốn chấm dứt chiến tranh, chúng ta không thể phản đối chiến tranh, nếu phản đối chiến tranh thì trong lòng quý vị lại có một cuộc chiến tranh phát khởi. Một khi quý vị phản đối một người nào đó hay cuộc chiến nào đó thì quý vị đang khơi dậy một cuộc chiến trong tâm mình. Chúng ta muốn chấm dứt chiến tranh. Sức mạnh nào có thể ngăn chận chiến tranh? Là sức mạnh của sự thành tâm. Trong từng ý nghỉ của ta không nên có lòng sân hận Nếu trong tâm chúng ta không có hận thù thì thế giới sẽ bớt một phần cừu hận. Lâu dần, cuối cùng thì tự nhiên không còn tậm thù hận, không còn kẻ thù nữa.

Cho nên trong đạo Phật không có quân đội, không có Thập Tự Quân, Bát Tự Quân hoặc các loại tương tự. Chúng ta đối với mọi người đều với lòng Từ Bi Hỷ Xả. Ngày nay, vì nghiệp tội của chúng sanh đã tạo ra đảng Cộng sản, đảng Cộng Hòa, đảng Dân Chủ … . Quý vị có đảng quý vị, anh ta có đảng của anh ấy. Những người cùng chung quan điểm hợp lại với nhau và chống những người khác quan điểm với họ. Nếu quý vị không theo họ thì họ xem quý vị là kẻ thù. Đaọ Phật thì không có đảng phái. Đaọ Phật không chống ai cả. Đạo Phật thương mọi người như chính bản thân và không thù hận ai. Và Vạn Phật Thánh Thành đề xướng sáu con đường sáng lạn (quang minh đạo lộ), cũng là sáu loại trí huệ, sáu chày hàng phục ma hay sáu loại kính chiếu yêu. Sáu loại này là gì?

Thứ nhất là "Không Tranh". Tại sao quý vị không nên tranh? Một khi quý vị tranh giành cái gì đó với một người muốn thứ đó thì người ấy sẽ tranh đấu với quý vị. Nhưng tôn chỉ chùa Vạn Phật là “Nếu người ta bỏ, tôi sẽ nhặt lấy nó. Nếu người ta muốn, tôi sẽ cho họ”. Chúng ta nhận lấy tất cả những gì người khác không muốn; những gì người khác muốn thì chúng ta sẽ không lấy. Vạn Phật Thành là như thế.

Đều thứ nhì là “Không Tham”. Chúng ta không tham những vật mà người khác đang mong muốn. Nếu quý vị có lòng tham thì quý vị sẽ thành ích kỷ. Nếu không tham lam thì đó mới thật là không ích kỷ. Không có lòng ích kỷ thì không cầu điềugì cả (vô sở cầu). Tại sao người ta đi khắp mọi nơi tìm cầu đủ thứ? Là vì lòng tham.

Chúng ta muốn không cầu và không ích kỷ. Vậy thì điều thứ ba là “Không Mong Cầu”. Điều thứ tư là "Không Ích Kỷ" và thứ năm là "Không Tự Lợi". Điều thứ sáu là "Không Nói Dối". Tất cả đều có hiệu lực giống nhau. Tại sao người ta nói dối? Vì họ muốn bảo vệ lợi ích, quyền lợi của họ. Tại sao họ ích kỷ? Vì họ có cầu mong, có ham muốn, có tranh giành.

Nếu người ta không ích kỷ, không tự lợi, không cầu, không tranh và không có lòng tham thì người ta không cần nói dối và lường gạt kẻ khác như người ta có thể làm trong các thương vụ buôn bán. Nếu có đồ vật nào đó rõ ràng đáng giá 10 đồng, người bán cố bán cho quý vị với giá 100 đồng. Họ nói “Đây là giá thật rẻ, tôi chẳng có lời được đồng nào trong vụ này”. Ông ấy phải tìm cách để bán cho được. Vì chúng ta không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ và không tự lợi, chúng ta không có lý do gì để nói dối. Chúng ta trân quý mạng sống kẻ khác hơn cả tánh mạng của chúng ta. Cho nên, bây giờ khi quý vị đã quy y với tôi ngày hôm nay, tôi sẵng sàng nhận lấy các nghiệp tội của quý vị như là của tôi vậy. Tôi muốn làm như vậy vì tôi có đọc về các bậc cổ đức thánh hiền, họ đều nhận lấy lỗi của người khác nhưng không hề đổ lỗi mình cho người khác. Vua Thang đời nhà Thương nói Nếu trẫm có tội, xin đừng để lụy đến dân chúng vạn phương, nếu dân vạn phương có tội thì đó là tội của trẫm”.(1) Ông nói: Nếu tôi có tội, xin đừng để lụy đến trăm họ, nếu trăm họ có tội thì đều do một mình tôi tạo tội. Ông kêu nài với Ngọc Hòang, với Thượng Đế và có lẽ với Đức Phật, xin họ đừng thấy đó là lỗi của những thần dân của ông.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

朕躬有罪,毋以萬方,萬方有罪,罪在朕躬

Trẫm cung hữu tội, vô dĩ vạn phương, vạn phương hữu tội, tội tại trẫm cung。

 

 

 

Tôi Muốn Nhận Lấy Các Nghiệp Tội Của Chúng Sanh

Bài nói chuyện ngày 11 tháng mười năm 1990 tại nhà hàng New World ở phố Người Hoa, London.

 

Hễ khi nào quý vị có thể sửa đổi những lổi lầm và cải thiện chính mình thì dẫu cho nghiệp tội của quý vị đã làm nghiêm trọng đến đâu, tôi sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những nghiệp tội này.

 

Bây giờ quý vị đã quy y với Tam Bảo, quý vị nên làm người Phật tử tốt. Quý vị nên tránh các điều ác và thực hành tất cả những điều lành (1). Làm tất cả những điều có lợi cho người khác, và tránh làm bất cứ điều gì gây tổn thương người khác. Nếu quý vị có thể làm như vậy, thì tôi sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các nghiệp tội và những sai lầm mà quý vị phạm phải trong quá khứ. Nhưng hãy nhớ chắc rằng quý vị không được phạm những tội lỗi hoặc sai lầm đó một lần nữa. Tất cả quý vị hiểu rõ không? Hễ khi nào quý vị có thể thay đổi những lỗi lầm của mình và cải thiện bản thân, thì bất luận các nghiệp tội của quý vị có nghiêm trọng như thế nào, tôi sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những nghiệp tội này. Các nghiệp tội quý vị đã làm trước đó là vì quý vị chưa nghiên cứu Phật pháp và không biết gì khác tốt hơn. Bây giờ quý vị đã quy y với Phật pháp, quý vị không nên tạo ra bất kỳ nghiệp tội nào nữa.

Tất cả các nghiệp tội trước đây của quý vị nhất định sẽ xem là của tôi, bởi vì tôi đã không dạy dỗ cho quý vị trước đây. Bây giờ quý vị đã quy y rồi, quý vị không được tạo thêm các nghiệp tội nữa. Quý vị nên làm tất cả các việc tốt, trong khi tránh làm những việc xấu. Quý vị có hiểu không? Nếu như quý vị lẽ ra phải đọa địa ngục vì quả báo của những nghiệp tội đã làm trước đây, thì tôi bảo đảm là quý vị sẽ không đọa xuống địa ngục. Nếu như quý vị lẽ ra phải chuyển làm ngạ quỷ, nhưng vì quý vị thật sự thay đổi, tôi sẵn lòng trở thành ngạ quỷ thay cho quý vị và nhận lấy quả báo dùm quý vị. Nếu như quý vị lẽ ra phải làm súc sanh vì nghiệp tội trong quá khứ của mình, nhưng quý vị làm những việc thiện và tránh làm các điều ác sau khi quy y, tôi sẵn sàng thay thế quý vị làm thú vật. Cho dù quý vị có phạm nghiệp tội gì trong quá khứ, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những nghiệp tội này.

Trong dân số to lớn trên toàn thế giới, chúng ta chỉ là một số ít người.Tuy nhiên, sức người có thể thay đổi hoàn cảnh (2). Chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ ít người, chúng ta muốn cầu nguyện với chư Phật và Bồ Tát ở khắp mười phương để chấm dứt mọi cuộc chiến tranh. Nếu chúng ta đem hết lòng thành ước nguyện chấm dứt chiến tranh, chắc chắn sẽ có cảm ứng.Vậy chúng ta hãy nên cùng nhau đem hết lòng cùng cầu nguyện.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

惡莫作,眾善奉行

Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

人定勝天

Nhân định thắng thiên.

 

 

 

Thần Chú Đại Bi Thông Thiên Địa

Bài nói chuyện ngày 14 tháng 10 năm 1990 tại Chùa Hoa Nghiêm, Brussels, nước Bỉ

 

持〈大悲咒〉,只要誠心念,不打妄語;一定有用

Trì Đại Bi Chú, chỉ cần thành tâm niệm, không nói vọng ngữ, nhất định hữu dụng

Hòa Thượng Tuyên Hóa
 

Kính Thưa các vị thiện tri thức!


Những người học Phật Pháp không nên có ý nghĩ tham lam hay tranh giành. Một số người là như thế đó khi họ càng học thì càng tranh giành; càng học lại càng trở nên tham lam hơn. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến nước Bỉ. Đa số những người trong thính chúng ở đây là người Việt Nam. Mặc dù có thể có một số khó khăn giao tiếp vì sự không đồng ngôn ngữ, nhưng mọi người rất có trật tự. Khi tôi đi đến Mã Lai và Đài Loan, có những Phật tử ở đó cứ mỗi hành động là thể hiện lòng tham và tranh giành của họ.

Do một số sự việc kỳ diệu xảy ra trong chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến Mã Lai, tôi có thể thấy được mặt thật những người ở đó thực sự là như thế nào. Tôi đang nói về những chuyện kỳ diệu gì? Tại Mã lai có rất nhiều người là nạn nhân của tà thuật dùng bùa chú nguyền rủa hại người của các pháp sư ngoại đạo. Tôi nhớ có một người bị ảnh hưởng của tà thuật trong mười lăm năm. Mỗi ngày tà thuật này đưa ông ta đến tư tưởng muốn tự sát, nhưng một phần khác trong ông nói ông ta không được tự sát. Với một phần tâm trí của ông nói ông ta tự sát và một phần khác nói ông ta không được tự sát, mỗi ngày là một cuộc đấu tranh giữa sự sống và sự chết với ông.

Khi tôi đến Mã Lai, tôi tin rằng đó là ở thành phố Muar, có một người đã quỳ gối và cầu xin tôi để giúp ông ta thoát khỏi tà thuật. Ông vào khoảng năm mươi mấy tuổi. Khi tôi nghe lời yêu cầu của ông, tôi lấy cây gậy cong ngoằn ngoèo của tôi và đánh một gậy vào đầu ông ta. Đó là trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Mã Lai. Lúc đó tôi bị bệnh và hầu như không đủ sức để đi bộ. Nhìn thấy tôi đi rất chậm, ai đó đã cho tôi cây gậy đó dùng để đi bộ. Vì thế khi nghe về người bị tà thuật, tôi đã không vui nhặt cây gậy lên và đánh ông ta một gậy. Sau khi bị đánh, ông đứng dậy và chạy đi. Sau khi ông chạy mười mấy bước, ông đã ói mửa ra hàng ngàn con trùng không thể đếm được. Sau đó, ông ta khỏe lại.

Khi tin tức về sự việc này lan truyền ra, nhiều người đã đến để chờ tới lượt mình được đánh một gậy, nhưng tôi không có thời gian để đánh hết tất cả những người đó. Người này có một bệnh, và người kia có một bệnh khác. Phòng tôi tạm trú thì cách phòng vệ sinh vào khoảng một trăm bước. Mỗi ngày lối đi từ cửa phòng tôi đến phòng vệ sinh đầy người quỳ gối xếp hàng chờ đợi để yêu cầu được đánh. Về phần họ tôi không biết đó là thành tâm hay tham lam, nhưng họ bắt đầu xếp hàng tại cửa phòng tôi ngay từ sáng sớm. Khi tôi ra khỏi phòng mình để đi đến phòng vệ sinh thì không có chỗ cho tôi đi qua. Họ chặn đường và bao quanh tôi, và yêu cầu tôi đánh họ. Tôi không còn sự lựa chọn nào bèn đọc một "thần chú". Đó là thần chú đi nhà vệ sinh, như thế này, "Nếu quý vị không ra khỏi lối đi của tôi, tôi sẽ tiểu tiện ngay trên đầu của quý vị. Nếu quý vị không sợ bị phun nước tiểu, thì cứ quỳ tại chỗ của quý vị." Khi họ nghe như thế, cuối cùng họ đã mở ra một lối đi cho tôi đi qua. Mục đích của câu chuyện này là gì? Nó cho thấy rằng những Phật tử đó đã không hiểu Phật Pháp. Khi họ không tranh giành, thì họ lại tham lam. Họ không quan tâm đến cho dù người ta có thời gian hay không; họ sẽ chặn đường người ta và tranh giành để được đầu tiên. Họ đã tranh giành. Học Phật Pháp như thế thì không phải là hiểu Phật Pháp.

Học Phật Pháp, quý vị nên nhường người khác và lịch sự trong tất cả mọi việc. Đừng tranh giành với bất cứ ai. Vạn Phật Thánh Thành có sáu "kính chiếu yêu", và cái đầu tiên là không tranh. 

Khi tôi ở tại Mãn Châu [Đông Bắc của Trung Hoa], có lần có một dịch bệnh truyền nhiễm. Trong một gia đình mười một người, đã có mười ba người chết trong ba ngày. Làm thế nào mà như thế? Đó là vì có hai vị khách đến thăm khi dịch bệnh xảy ra, và do đó, cả gia đình mười một người người cùng với hai vị khách qua đời, trở thành tất cả mười ba người. Đã có người chết ở nhiều gia đình. Quan sát tình hình, tôi không chờ đợi được mời. Tôi đem theo một vài đệ tử, và chúng tôi đã tụng Chú Đại Bi cho cả làng. Sau đó các dịch bệnh giảm xuống. Và rồi nhiều người đã trở thành Phật tử. Họ quy y Tam Bảo và trở thành đệ tử của tôi.

Bất cứ ai thành tâm tụng Chú Đại Bi thì có thể có được cảm ứng. Có một cặp vợ chồng đã cãi nhau, người vợ đã cố tự tử bằng cách uống dung dịch kiềm. Ngay cả uống một ngụm dung dịch kiềm thường cũng có thể gây chết người, huống gì uống cả một tô đầy, nhưng bà ta uống loại được dùng để làm đậu hũ, cho nên không mạnh lắm. Sau khi bà ta uống dung dịch kiềm trong cơn tức giận, con trai của bà đã đến tìm tôi, vì tôi đang ở trong làng của họ vào lúc đó. Anh ta thực sự không biết liệu tôi có thể giúp được anh ta, nhưng trong trường hợp khẩn cấp anh sẵn sàng thử bất cứ điều gì. Vì anh không thể nghĩ đến một giải pháp nào tốt hơn, nên anh chạy đến tìm tôi, quỳ gối, và kể cho tôi những gì đã xảy ra. Anh cầu tôi cứu mẹ anh. Lúc đầu tôi đã từ chối, nhưng anh tiếp tục quỳ như thế đến hai mươi hay ba mươi phút. Thấy anh rất thành khẩn, tôi đã đến nhà của anh để tụng Chú Đại Bi. Khi tôi đến nhà của anh, đôi mắt của mẹ anh đã trợn ngược lên và các lòng trắng đã lộ ra; không còn thấy con ngươi. Bọt trắng tràn ra khỏi miệng của bà, và bà đã bất tỉnh. Dường như vô vọng. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định thử và tụng Chú Đại Bi. Trong lúc tôi tụng, dung dịch kiềm bắt đầu chảy ra khỏi miệng của bà. Bà tỉnh lại và ói ra tất cả dung dịch kiềm đã nuốt. Sau đó, bà được hồi phục.
 
Từ chuyện này, nên biết rằng nếu chúng ta thành tâm tụng Chú Đại Bi, chắc chắn có cảm ứng. Chú Đại Bi thông thiên địa, và có thể chữa khỏi tất cả 84.000 các loại bệnh trên thế gian. Nhưng người tụng chú phải thành tâm mới có cảm ứng. Họ cũng không được nói dối để có hiệu quả. Nếu quý vị luôn nói dối thì tụng Chú Đại Bi sẽ không có linh ứng gì.
 
Tôi nhớ tới một cô gái họ Vương từ thành phố Penang, Mã Lai. Trong kiếp quá khứ, cô đã săn bắn nhiều và đã giết chết nhiều sinh vật, và vì vậy, trong kiếp này cô đã bị câm. Cô đến để nghe giảng Kinh. Sau buổi giảng, tôi nói cô ấy thành tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và tụng Chú Đại Bi. Tất cả mọi người cũng tụng cho cô. Và rồi cô có thể nói và niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.
 
Sáng hôm sau, có hơn một chục người yêu cầu tôi giúp người câm này và người câm kia để có lại khả năng nói năng. Có hơn một chục người, và như vậy thì không thế nào làm được. Nhưng các người cha của những người câm thì nói được, và họ nói, " Tối qua thầy đã giúp cô gái câm kia có lại khả năng nói; hôm nay thầy nên giúp những người này giống như vậy. Nếu thầy không giúp, chúng tôi sẽ chỉ trích thầy trên báo chí và kiện thầy tại tòa án." Quý vị thấy là vị Pháp Sư này đã tự đem đến cho mình bao nhiêu rắc rối, tất cả chỉ vì sự nóng lòng muốn giúp người khác! Nếu tôi không tự mình quan tâm đến một người câm, tôi sẽ không gặp tất cả những rắc rối này.

Tại Vancouver, Canada, có một nữ bác sĩ giải phẫu. Khi cô ấy đang học tại trường y khoa, người ta chế giễu cô, nói rằng, "Cô dám theo học y khoa sao? Tại trường y khoa, cô phải mổ xẻ tử thi người. Cô có dám và đủ can đảm để làm điều đó không?" Nghe thế, cô lập tức lấy một con dao, cắt một miếng thịt từ một xác chết, và ăn miếng thịt đó. Các bạn cùng lớp đều choáng váng và kêu lên rằng cô thực sự có can đảm, dám ăn thịt của một xác chết. Người phụ nữ này là một bác sĩ giải phẫu, và khả năng phẫu thuật của cô vừa nhanh nhẹn vừa chính xác. Tuy nhiên, con ma của cái tử thi bị cô ăn thịt thường quấy nhiễu cô trong giấc ngủ. Từ đâu đó cô nghe nói ma sợ tôi, và rằng nếu cô quy y với tôi thì cô sẽ được hồi phục.

Cô tìm cơ hội để quy y với tôi. Sau khi cô quy y, con ma không còn quấy nhiễu cô vào ban đêm nữa. Sau đó, cô bắt đầu giảng Phật Pháp. Bằng cách dùng tư cách là một bác sĩ của mình, cô ấy nói với mọi người là Phật Pháp rất uyển chuyển. Cô nói rằng tất cả mọi người có thể trở thành Phật mà không cần phải tu hành hoặc giữ giới luật, bởi vì tất cả mọi người vốn là Phật ngay từ lúc ban đầu. Cô nói không cần sống một cuộc sống kỷ luật về mặt đạo đức, do đó, cô hút thuốc và uống rượu. Cô đã đi khắp mọi nơi nói những điều đó, và cuối cùng cô bị quả báo. Cô bị ung thư. Cô được giải phẫu và nghĩ rằng đã được chữa khỏi, nhưng cô vẫn còn đau khủng khiếp. Cô cuối cùng đã có tất cả năm hoặc sáu lần giải phẫu. Các bác sĩ nói với cô rằng không còn hy vọng và cô sẽ chết.

Sau đó, cô gọi một người bạn ở Nữu Ước để giã từ. Cô kể với bạn cô lời các bác sĩ đã nói là cô sẽ chết và không thể chữa được, và rằng cô vẫn còn rất đau sau các cuộc giải phẫu. Bạn của cô, người không biết tôi một cách trực tiếp, đã viết cho tôi nói, "Bạn của con là một bác sĩ và là người hiểu Phật Pháp. Cô có bệnh ung thư. Nếu cô ấy bình phục, cô có thể cứu được những người khác. Cô có thể dùng hoàn cảnh của mình là một bác sĩ để truyền bá Phật Pháp, và sẽ giúp rất nhiều cho Phật giáo." Tôi viết thư trả lời và hỏi người đó là ai. Bạn của cô biết cô ấy đã quy y với tôi.

Tôi nhớ sau khi cô bị ung thư, cô đã đến gặp tôi ở Gia Nã Đại một lần. Khi tôi hỏi cô rằng cô có bị bệnh không thì cô đã chối. Cô đã không sẵn sàng chấp nhận chuyện đó. Sau đó tôi mắng cô. Tôi mắng cô đến nỗi cô không thể chịu được nữa. Khi cô đứng lên và định chạy đi, tôi tát vào mặt của cô và nói, "Ta đang đuổi đi con quỷ nhỏ! Con quỷ lớn quay lại! Chúng ta hãy xem con quỷ lớn này có thể làm gì!" Kỳ lạ thay, cái tát đó xua đuổi ung thư của cô đi. Việc này xảy ra ở Gia Nã Đại. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Bởi vì tôi đã không bao giờ nói dối. Nếu quý vị nói dối, thì làm gì cũng không linh ứng. Nếu không nói dối, tất cả mọi thứ đều linh ứng.

Đó là lý do tại sao tôi hy vọng tín đồ Phật giáo sẽ không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi, và không nói dối. Điều này rất quan trọng!

 

 

Ý Nghĩa Của Sự Quy Y Vượt Ra Ngoài Ngôn Ngữ

Bài thuyết pháp ngày 18 tháng 10 năm 1990 tại Ba Lan.

 

Nếu muốn làm người Phật tử chân chính thì quý vị nhất định không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối.

 

Sau khi quy y với tôi rồi, quý vị sẽ là người Phật tử thật hay giả? Nếu làm người Phật tử thật thì quý vị nhất định không tham, tranh, cầu, ích kỷ, tự lợi hay nói dối. Quý vị có làm được không? Nếu muốn làm người Phật tử thật thì quý vị phải theo sáu tông chỉ này. Tôi có lời nguyện là những ai quy y với tôi là phải thành Phật trước tôi.

Vì tôi vốn là người ngay thẳng nên tôi đã xúc phạm khá nhiều người. Không những loài người mà tôi cũng xúc phạm đến nhiều yêu ma quỷ quái. Cho nên tất cả quý vị nên cẩn thận. Nếu muốn làm đệ tử của tôi thì khi có ai phỉ báng tôi, quý vị phải lạy họ và cám ơn họ. Chúng ta không muốn thù địch với bất cứ ai. Trong đạo Phật không có ai là kẻ thù. Bất kỳ ai phỉ báng tôi đều là thiện tri thức của tôi. Tại sao họ nói xấu và chỉ trích tôi? Đó là vì họ muốn tôi tốt đẹp hơn. Họ muốn tôi tốt hơn hoàn thin hơn mọi người khác nên họ đến chỉ giáo cho tôi. Đó là cách quý vị nên đối xử với những người này.

Lý do thứ nhì là nhiều người nghĩ tôi có chút tài năng nên họ muốn khảo nghiệm thử xem tôi thực sự có bản lãnh không.

Lý do thứ ba người ta chỉ trích tôi là vì họ sợ đệ tử của họ tin theo tôi và ngưng không cúng dường họ nữa. Cho nên nếu tôi có thể gián tiếp giúp họ có thực phẩm thì điều đó cũng tốt. Tôi không cần phải tranh cãi, biện luận với họ. Quý vị tất cả có đồng ý với ba lý do tôi vừa nêu ra không? Nếu quý vị đồng ý thì đừng quên những lý do này.

Từ nhỏ tôi đã đi theo Sáu Con Đường Sáng (Lục Điều Quang Minh Đạo Lộ) là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối. Vì quý vị bây giờ đã quy y với tôi, tôi thật lòng nói cho quý vị nghe về sáu con đường quang minh này. Cho dù là bất cứ vật gì nếu có ai muốn nó, thì tôi sẽ không lấy. Nếu không ai muốn nhận nó thì tôi sẽ nhận. Tôi là như vậy, tất cả quý vị có thể làm giống vậy được không? Nếu được, tôi chúc mừng quý vị là người Phật tử tốt.

 

 

Làm Cách Nào Để Tạo Số Mạng Của Mình?

Buổi thuyết pháp ngày 22 tháng 10 năm 1990 tại Hội Quán Hậu Duệ Trung Hoa tại Paris, Pháp (Pháp Quốc Ba Lê Hoa Duệ Hội Quán).

Mục đích cuối cùng của chúng ta là hiểu rõ thật sự;
Như thế chúng ta sẽ không uổng phí một kiếp người.

 

 

Tất cả chúng ta hãy nên hồi quang phản chiểu và tự hỏi: Từ khi sanh ra đến nay, chúng ta đã làm những gì? Làm nhiều việc thiện hay nhiều việc ác? Ta có làm nhiều lợi ích cho người hay là đã hại họ nhiều hơn? Chúng ta hãy tự kiểm điểm. Có câu kệ rằng:

"Quân tử có cái học tạo mệnh,

Mệnh do mình lập,

Phước do mình cầu.

Phước họa chẳng có cửa vào,

Chỉ do mình tự chiêu cảm.

Thiện ác báo ứng

Như bóng theo hình." (1)

Tại sao bảo rằng bậc quân tử có thể kiểm soát vận mạng của mình? Khâu Trường Xuân, vị tổ sư Đao giáo, một trong bảy vị chân sư Đao giáo (Thất Chân), đáng lẽ là số bị chết đói nhưng nhờ ông tu hành tinh tấn, cho nên không những không bị chết đói mà còn trở thành một trong những vị thiên tiên siêu việt nhất.

Có những người sanh ra số nhà nghèo, nhưng do họ làm nhiều việc thiện nên sau này trở nên giàu có. Mục đích chúng ta không phải là làm giàu nhưng phần lớn người ta cho rằng người giàu phải là hạnh phúc. Tại sao làm giàu không phải là mục đích tối hậu của chúng ta? Mục đích tối hậu chúng ta là thật sự hiểu rõ ràng, như thế chúng ta sẽ không uổng phí một kiếp người. Nếu quý vị thiếu hiểu biết, quý vị không làm chủ được sự sanh ra của mình, và sanh ra trong hồ đồ. Quý vị cũng không thể kiểm soát được cái chết của mình, quý vị cũng chết trong hồ đồ. Cho dù có giàu có công danh, vinh hoa phú quý bao nhiêu, tất cả đều vô ích. Nhưng nếu quý vị hiểu rõ, quý vị sẽ có được tự do về sanh tử. Nếu quý vị muốn sống, quý vị có thể sống đến 800 trăm tuổi. Nếu quý vị muốn chết thì quý vị có thể chết bất cứ lúc nào không trở ngại. Đó là tự do về sanh tử. Đạt được tự do sanh tử là một điều tối quan trọng. Từ xưa đến nay, người ta đã quên đi điều này khi đeo đuổi sự giàu sang và phú quý, họ sống cuộc đời như trong cơn say, chết đi như trong giấc mộng, suốt đời sống hồ đồ.

Không có ai ý thức được vấn đề này. Bây giờ trong thời đại không gian, chúng ta nên nghiên cứu lại việc này. Trên thế giới hiện nay các bệnh AIDS và ung thư đang phổ biến. Đó chính là những hình thức của quả báo, cho thấy ngiệp báo của chúng sanh rất là trầm trọng. Những tội ác của chúng sanh về sát sanh, trộm cắp, tà dâm và nói dối rất nặng nề. Quả báo từ việc uống rượu hay dùng ma túy cũng rất nặng. Cho nên đã có rất nhiều các bệnh quái lạ không có thuốc chữa xuất hiện. Đó chính là hiện thân thuyết pháp cho người ta mau đắc trí huệ chân chánh và đừng làm các chuyện hồ đồ nữa.

Nếu quý vị có thể tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng chất say thì dù quý vị nói gì, những lời quý vị nói ra đều linh nghiệm. Quý vị không cần phải trì bất cứ loại Chú nào hay lạy đức Phật nào, nếu quý vị có thể giữ được năm giới thì những gì quý vị nói đều linh nghiệm. Để tôi nói cho quý vị biết, tôi vốn không có tài năng bản lãnh gì, nhưng từ khi sanh ra, tôi đã không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối hay uống rượu. Cho nên bất kỳ tôi đi đến đâu, tôi nói cái gì cũng đều thành linh nghiệm.

Khi tôi đến Hồng Kông vào năm 1949, tôi cất một cái am nhỏ và trồng đu dủ, trúc, cái loại cây và nhiều bông hoa bên bờ núi gần thôn Mã San ở Tây Loan Hà. Trái đu-đủ cũng rất là ngọt. Nhưng vào một năm nọ, có cơn bão lớn thổi đến làm hư hại hết các cây cối, hoa quả. Lúc đó tôi thấy hơi khó nhịn nên đã nổi nóng với ông trời. Tôi đưa tay chỉ lên trời và nói, "Thiên Đế, nếu Ngài biết Hồng Kông sắp bị bão lớn, thì tôi mong là hễ ngày nào tôi còn ở đây thì Hồng Kông sẽ không có bão lớn. Nếu Hồng Kông mà bị bão lớn đánh vào, tôi nói thẳng là tôi sẽ không khách sáo với Ngài đâu."

Sau khi tôi nói xong, thì thật kỷ lạ là mỗi khi đài thiên văn khí tượng báo tin Hồng Kông sắp bị bão và các tín hiệu báo động được phát ra thì cơn bão khi đến gần Hồng Kông chỉ còn cách 4 đến 6 dặm thì bão lại chuyển hướng đi hướng khác. Tôi sống ở Hồng Kông trên mười năm và không hề có một cơn bão nào nữa xảy ra. Nhưng có một lần tôi đi Úc một tháng, Hồng Kông bị bão tàn phá. Đường xá đầy các tấm bảng quảng cáo bị gió thổi sập. Số người bị thương vong rất nhiều và sự thiệt hại về tài sản cũng không tính xuể. Điều này chứng minh cho thấy là vì tôi không hề vọng ngữ nên ngay cả Thiên Đế cũng không dám xem thường lời nói của tôi. Khi tôi đã rời Hồng Kông đi Mỹ, thì có cơn lũ ở Hồng Thủy Kiều tại Hồng Kông khiến 150 hay 160 người chết đuối, và ngoài ra cũng có nhiều bão lớn. Tôi nói cho quý vị nghe về những kinh nghiệm quá khứ này của mình là để hy vọng tất cả quý vị sẽ không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng chất say. Nếu quý vị tuân theo, thì bất kể chuyện gì xảy ra, quý vị suốt đời sẽ được các vị Thiên Long Bát Bộ và tất cả thiện thần hộ pháp đều bảo vệ quý vị. Mọi việc đều sẽ được cát tường như ý.

Nếu người chân thật tu hành, mọi vấn đề đều được giải quyết. Chúng ta trước hết phải làm người tốt, sau đó chúng ta mới nghĩ đến việc thành Phật. Chúng ta không nên quên gốc rễ làm người của mình, đó là Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ (2). Những đức hạnh này là tinh hoa của văn hóa Trung Hoa, cho nên cho dù chúng ta sống ở hải ngoại, là người Trung Hoa chúng ta nên làm gương tốt cho nhân loại. Chúng ta nên làm tốt bổn phận làm người. Chúng ta vốn có nhân duyên với nhau nên tôi nói với quý vị với hết cả tấm lòng.

Chúng ta không nên xem trọng đồng tiền. Tiền cũng không hơn gì phân hay cát bụi. Chúng ta nên làm việc dựa trên di sản văn hóa Trung Hoa là Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ; cùng với Nhân, Nghĩa, Đạo và Đức. Đó là căn bản của con người.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

君子有造命之學,

命由我立,福由己求。

禍福無門,

唯人自召;

善惡之報,

如影隨形。

 

Quân tử hữu tạo mệnh chi học,
Mệnh do ngã lập,
Phúc do kỷ cầu。
Họa phúc vô môn,
Duy nhân tự triệu;
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình。

 

(2) Bát Đức - Tám đức tính căn bản làm người:

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng:

http://www.dharmasite.net/khaithi2.htm#55:

Khi Khổng Tử soạn Thi thư, định Lễ nhạc, thì Ngài có quy định mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Bàn về năm mối quan hệ đó, Ngài dạy rằng vua tôi phải có Nghĩa, cha con phải có Thân, vợ chồng phải có Biệt, anh em phải có Bậc, bạn bè phải có Tín. Ngài lại giảng về tám đức: Hiếu, Ðễ, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ, và dùng tám đức này để duy trì quy củ trong xã hội.

http://www.dharmasite.net/khaithi2.htm#63:

1.Hiếu: tức là hiếu thảo. Hiếu thảo với cha mẹ là điều căn bản làm con. Hiếu thảo nghĩa là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, hiếu thảo cũng có nghĩa là biết vâng lời cha mẹ chỉ dạy.

2. Ðề: tức là kính trọng. Kính trọng người lớn hơn mình vì mình làm em nên có bổn phận phải kính trọng anh chị mình.

3.Trung: tức là trung thành. Hết lòng trung thành với đất nước của mình, đó là trách nhiệm của người công dân, có tận trung thì mình mới báo đền được công ơn của đất nước.

4.Tín: tức là tín nhiệm. Ðối với bạn bè phải có tín nhiệm, hứa với bạn chuyện gì thì phải làm chuyện đó, không thể thất tín, sai hẹn.

5.Lễ: tức là lễ phép. Ðối với người, mình phải có lễ phép, phải hết sức khiêm nhường. Nếu không có lễ thì mình chỉ là thú vật mà thôi. Cho nên các bạn nhỏ, khi gặp các thầy cô thì phải biết chào hỏi, về nhà gặp cha mẹ phải biết lễ phép.

6.Nghĩa : tức là nghĩa khí. Thấy điều gì có nghĩa thì phải dũng cảm mà làm. Khi thấy ai gặp tai nạn thì mình phải tận lực giúp đỡ, giải quyết vấn đề giúp họ. Với bạn bè thì mình phải có đạo nghĩa ; khi giúp ai không cần có điều kiện gì cả, tuyệt đối không có tâm mưu đồ mong đền ơn đáp nghĩa.

7. Liêm : tức là liêm khìết. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn hưởng tiện nghi. Hơn nữa mình phải có tinh thần chí công vô tư, và biết quên mình mà làm chuyện ích chung.

8.Sỉ : tức là hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình thì tuyệt đối chẳng làm. Con người nếu không biết hổ thẹn thì giống như cầm thú vậy.


 

 

Nghiệp Báo Sát Sanh Khó Tránh Được

Bài thuyết pháp ngày 27 tháng 10 năm 1990 tại Grenoble, Pháp.

 

Nếu quý vị không tin nhân quả thì khi đến phiên quý vị đi thọ nghiệp, quý vị khó mà tránh được nghiệp cho dù có muốn tránh.

 

Các vị Thiện tri thức! Quả báo nghê gớm nhất trên thế gian là quả báo của sát sanh. Sáng nay một người đàn ông Việt Nam đem hai đứa con trai đến gặp tôi. Ông ấy nói hai người con của ông bị bệnh và nhờ tôi giúp đỡ để cuộc sống hai người con của ông được dễ dàng hơn. Khi thấy hai đứa nhỏ có chướng bệnh tâm thần, tôi hỏi ông ta có khi nào sát sanh không. Người mẹ của hai trẻ đáp là bà ta thì không có. Tuy nhiên sau một lúc nói chuyện, cha mẹ hai em cho biết là sau khi họ đốn một cái cây lớn trước nhà, họ nhìn thấy hai con rắn bò xuống lổ trống của nơi cây bị đốn. Hai người họ bèn đổ nuớc sôi xuống đó để giết hai con rắn. Sau khi đó một người con của họ tự nhốt mình lại trong phòng và trở nên điên khùng khi ra khỏi phòng vài ngày sau. Người con thứ hai cũng bị điên luôn. Cha mẹ hai em hy vọng tôi có thể giúp được điều gì đó về vấn đề này. Sự điên khùng của hai người con họ là do sát sanh mà ra. Quý vị thấy người đàn ông đó quá tàn nhẫn không? Ông ta hoàn toàn không có lòng từ bi. Ngay cả khi hai con rắn đã bò xuống hố, ông ấy vẫn muốn giết chúng bằng nước sôi. Hai con rắn đó vốn là anh em, cho nên sau khi chúng bị luộc bằng nước sôi đến chết, hai người anh em kia bị mất trí.

Quả báo nghiêm trọng nhất trên đời là quả báo của sát sanh. Quả báo sát sanh nặng hơn tất cả các nghiệp báo khác. Sát hại ln nhau để báo thù là chuyện bi thảm nhất trên thế gian, nó đã gây ra chiến tranh giửa các quốc gia, khiến người ta gây ra sát nghiệp càng lúc càng nặng nề hơn, chém giết nhau không ngừng nghỉ. Tôi có gặp một đứa bé sáu hay bảy tuổi ở thành phố Los Angeles, nó không biết nói và cũng không biết làm gì cả. Cha nó lúc nào cũng phải bồng nó. Đó là vì quả báo của đứa bé trong quá khứ đã đi săn quá nhiều. Kiếp trước nó đã giết chết một con tinh chuột trắng và bây giờ hồn ma của con tinh chuột trắng đó cứ gặm cắn vào cổ họng đứa bé khiến nó bị câm và đần độn. Đây là một tấm gương đương thời từ thành phố Los Angeles.

Có một người phụ nữ ở Hồng-Kông là cô Tạ, cô rất thích ăn tôm, cua và tôm hùm. Cô sanh ra một đứa bé trai bây giờ đã hơn mười tuổi nhưng nó chỉ biết bò ngang như là con cua vậy. Đây là một trường hợp của quả báo ngay trong đời này, là một thí dụ nói lên nghiệp báo sát sanh. Ở Mã Lai Á tôi có gặp một người câm. Ông này kiếp trước từng là một con gấu đen, ông không biết nói nhưng rất thông minh, lạy Phật và tu học theo Phật pháp nhưng do vì kiếp trước làm gấu đen nên hiện đời này không biết nói. Những nhân vật này đang thuyết pháp qua sự hiện diện của họ, nhưng người ta vẫn không tin và vẫn tiếp tục tạo thêm nghiệp sát. Họ không hiểu là thay vì sát sanh họ nên phóng sanh. Nếu ai ai cũng có thể giữ năm giới - không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng chất say - thì thế giới chắc chắn sẽ hòa bình.

Câu chuyện kế tiếp xảy ra vào mùa hè năm 1953 ở Hồng Kông. Lúc đó tôi đang giảng kinh Địa Tạng tại Tịnh xá Chí Liên. Vị sư cô quản lý là Pháp sư Khoan Tuệ, đệ tử của Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân. Trước khi xuất gia sư cô không biết chữ và làm việc nấu ăn, phụ giúp trong nhà cho người ta, nhiều lúc cô phải đi mua gà vịt về và phải tự mổ xẻ nấu nướng. Có lần cô ấy mua cua và chuẩn bị nấu cho ông chủ ăn. Khi đang chuẩn bị các món ăn, một con cua dùng cái càng kẹp mạnh vào ngón tay giữa của cô mà không chịu buông ra. Cô tức giận lấy dao chặt đứt càng cua và rồi đem cua nấu làm thức ăn đem lên bàn. Quý vị đoán xem chuyện gì xảy ra sau khi con cua bị ăn? Nơi ngón tay giữa chỗ bị cua cắn, bỗng nhiên nổi lên một miếng thịt hình dáng như con cua và gây đau nhức ngày đêm không chịu nổi. Sau đó sư cô đến núi Phù Dung để lạy Đai Bi Thủy Sám. Sau bảy ngày lễ lạy, miếng thịt hình con cua nhỏ hơn một chút nhưng vẫn còn đau nhức. Khi tôi đang giảng kinh Địa Tạng, Pháp sư Khoan Tuệ đến nhờ tôi giải mối oan nghiệp này. Sau khi tôi cho con cua quy y, miếng thịt trên ngón tay của Sư Cô biến mất và không còn đau nhức nữa.

Nhân quả báo ứng không bao giờ sai trật dù chỉ là một tơ hào. Chúng ta thật nên cẩn thận để không nên sát sanh. Quý vị giết nó, nó giết quý vị và sự sát hại lẫn nhau không hề ngưng. Câu chuyện trên đây là trường hợp của việc thọ báo trong đời này, ai ai cũng có thể thấy. Khi thấy điều này, chúng ta phải nên tin nhân quả là có thật. Nếu quý vị không tin vào nhân quả, nghiệp báo, thì khi đến phiên quý vị thọ nghiệp, quý vị khó mà tránh được nghiệp cho dù có muốn tránh.

Điều quan trọng nhất hiện nay là trên thế gian hiện giờ đang có vô số loài quỷ nhỏ. Vì sao có rất nhiều quỷ nhỏ? Là vì có quá nhiều vụ phá thai. Những bào thai đó bị giết chết trước khi phát triển thành hình dáng con người. Lòng hận thù của các con quỷ nhỏ này thật sâu đậm cho nên giới luật không sát sanh và nên phóng sanh bao gồm cả việc không phá thai. Thật không dễ mà thoát khỏi các loài quỷ nhỏ này nên có câu là "Diêm Vương dễ gặp nhưng tiểu quỷ thì khó đối phó." Tất cả mọi người nên ghi nhớ điểm này. Hiện nay trên thế giới tại các quốc gia, có nhiều quỷ nhỏ (tiểu quỷ) hơn là quỷ lớn (đại quỷ) và có nhiều quỷ lớn (đại quỷ) hơn là quỷ già (lão quỷ). Vần đề thật là nghiêm trọng. Chúng ta nên biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Quý vị cũng nên biết tất cả chúng sanh đều có Bồ Tát tánh và đều có thể thành Bồ Tát. Tất cả chúng sanh đều có A La Hán tánh và có thể thành A La Hán. Tất cả chúng sanh đều có Duyên Giác tánh và có thể thành Duyên Giác. Tất cả chúng sanh đều có Thiên tánh và có thể sanh lên cõi trời. Tất cả chúng sanh đều có nhân tánh và có thể làm người. Tất cả chúng sanh đều có A-tu-la tánh và có thể thành A-tu-la. Tất cả chúng sanh đều có quỷ tánh, đều có thể thành quỷ. Nếu quý vị làm việc quỷ thì quý vị là quỷ. Nếu qúy vị cứ tiếp tục làm những việc của loài thú thì quý vị là thú vật. Tất cả chúng sanh đều có tánh của chúng sanh trong địa ngục. Nếu quý vị cứ trồng nhân vào địa ngục thì sớm muộn gì quý vị cũng đọa vào địa ngục. Bất kề trồng nhân gì, quý vị sẽ nhận lấy quả đó. Tuyệt đối không bao giờ sai sót.


 

Hỏi: Theo các học thuyết của Phật giáo Nguyên thủy, thân trung ấm (linh hồn hoặc thần thức sau khi lìa khỏi xác) thì ngay lập tức được tái sinh. Nhưng Kinh Đại thừa nói rằng có thể trải qua từ bảy ngày đến bốn mươi chín ngày thì mới đi đầu thai.

Trả lời: Thời gian cần thiết cho thân trung ấm được tái sinh thì không cố định. Một số thân trung ấm không nhất thiết sẽ được tái sinh dù cả sau nhiều đại kiếp, trong khi một số thân trung ấm khác có thể được tái sinh ngay lập tức. Điều này không cố định.

 

Hỏi: Con người từ đâu đến? Làm thế nào mà có nhiều người đến như vậy?

Trả lời: Con người đến từ đâu à? Khi con người chết đi, họ không thể được tái sinh thành người. Một số có thể trở thành gà, chó hoặc các động vật khác. Tất cả các chúng sanh được phân loại sinh ra từ thai sanh, từ noãn sanh, từ thấp sanh hoặc từ biến hóa sanh. Tùy theo nghiệp báo của họ, họ đi về phía đông hoặc phía tây. Điều này giống như một người đột nhiên đến nước Bỉ, và sau đó từ nước Bỉ đi đến nước Trung Hoa. Không có gì là cố định. Biết những vấn đề này không nhất thiết hữu ích cho sự tu hành.

 

Hỏi: Con thường cảm thấy bất an cả về thể chất lẫn tinh thần, ngồi cũng bất an, đứng cũng bất an. Con nên làm gì?

Trả lời: Thành tâm niệm Chú Đại Bi và Bồ Tát Quán Thế Âm, và đừng nói dối.



Hỏi: Trong thiền, người ta tham cứu câu thoại đầu ”Niệm Phật là Ai?” “Ai đang niệm Phật?”. Chúng ta nên bắt đầu tham cứu như thế nào? Chúng ta nên dụng công như thế nào ?

Trả lời: Để tham cứu câu thoại đầu ”Niệm Phật là Ai?” “Ai đang niệm Phật?”, quý vị cần phải tham cứu khảo sát câu thoại đầu. Quý vị không hỏi mà cần tham cứu câu thoại đầu. Giống như dùng một mũi khoan để khoan một cái lỗ. Khi quý vị khoan xuyên qua được, thì quý vị sẽ thấu hiểu rõ ràng. Trước khi quý vị khoan xuyên qua, quý vị có thể hỏi về câu thoại đầu, nhưng quý vị không thấu hiểu rõ ràng. Đây là Pháp môn “Ngôn ngữ đạo đoạn. Tâm hành xứ diệt” (Dứt đường ngôn ngữ, Diệt chốn tâm hành). Có muốn nói ra cũng không diễn bày được. Những điều người khác nói với quý vị, đều chỉ là giả.

 

Hỏi: Khi ai đó la mắng con, có hai lý do có thể xảy ra. Một là con đã la mắng người đó trong kiếp trước, nên trong kiếp này người đó la mắng con. Hai là người đó đang gieo trồng một nhân xấu. Vậy con nên nghĩ về điều này như thế nào?

Trả lời: Quý vị có thể coi đó là quả báo của chính mình, nhưng quý vị không nên nghĩ người khác đang tạo một nhân xấu. Nếu quý vị nghĩ người khác đang tạo một nhân xấu, thì nhân xấu của quý vị sẽ tăng trưởng. Ngay cả khi người khác đang tạo một nhân xấu, cũng đừng nên nghĩ như thế. Nếu quý vị nghĩ người khác đang tạo một nhân xấu, thì chính quý vị đang tạo một nhân xấu, vì vậy đó không phải là một cách tốt để đối phó. Nếu không nghĩ như vậy, thì không có vấn đề gì.
 


Hỏi: Tụng Lục Tự Chân Ngôn (2) thì có vô lượng công đức và có một vị Bồ Tát thất địa (địa thứ bảy) trụ trong thân mình. Điều này có nghĩa là gì?

Trả lời: Không những có vô lượng công đức trong việc tụng Lục Tự Chân Ngôn mà cũng có vô lượng công đức trong việc không nói dối , có vô lượng công đức trong việc không tranh, có vô lượng công đức trong việc không tham, có vô lượng công đức trong việc không cầu, có vô lượng công đức trong việc không ích kỷ, và có vô lượng công đức trong việc không tự lợi. Tuy nhiên, mặc dù có công đức, ta không nên bám chấp vào việc có công đức. “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.” [Kinh Kim Cang]. Tu đạo thì không nên bận tâm đến việc có bao nhiêu công đức. Nếu quý vị luôn luôn tính đếm công đức của mình, thì giống như tích trữ tiền trong ngân hang, càng tích trữ nhiều, thì càng có nhiều vọng tưởng. Tu hành thì chỉ tu hành. Nhiều công đức thì vẫn cần phải tu hành. Và nếu không có công đức thì càng cần phải tu hành nhiều hơn nữa. Tụng kinh trì chú là để thanh lọc tâm trí. Nếu làm trong tâm không có vọng tưởng, thì có công đức vô lượng. Không nóng tánh thì có công đức vô lượng. Không bao giờ tức giận, không bao giờ mất bình tĩnh, không tranh cãi hoặc đấu tranh với mọi người thì có công đức vô lượng.

 

Hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể diệt trừ ba độc: tham, sân, si?

Trả lời: Những người đã xuất gia [tăng ni] đang làm công việc diệt trừ tham, sân, si mỗi ngày. Quý vị chưa xuất gia, mà lại hy vọng sẽ diệt trừ tham, sân, si cùng một lúc hay sao? Nếu quý vị thực sự muốn làm điều đó, quý vị có thể học giống như Cư Sĩ Bàng (Long Uẩn) đổ tất cả các châu báu quý giá trong nhà xuống biển. Quý vị có thể làm được điều đó không?
 


Hỏi: Một người độc thân có thể làm điều đó, nhưng một người có gia đình thì không thể. Làm thế nào mà đem đổ vật quý giá xuống biển lại là giúp người?

Trả lời: Quý vị nghi ngờ về việc Cư Sĩ Bàng (Long Uẩn) chứng Đạo. Cư Sĩ Bàng (Long Uẩn) vô cùng ngu ngốc. Vì vậy mà ông ta có thể chứng Đạo. Còn quý vị thì quá thông minh.
 

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

「言語道斷,心行處 滅」

“Ngôn ngữ đạo đoạn. Tâm hành xứ diệt”

 

(2) Lục Tự Chân Ngôn hay còn gọi là Chú Lục Tự Đại Minh (Lục Tự Đại Minh Chú) - Án Ma Ni Bát Mê Hồng.

 

 

Sự Tự Do Chân Thật Và Cuộc Sống Trường Thọ

Bài thuyết pháp ngày 28 tháng 10 năm 1990 tại Chùa Quán Âm, Paris, Pháp.

(Bài khai thị Genuine Freedom and Longevity từ sách Dharma Talk in Europe, nguyên bản Hoa ngữ là bài khai thị 戒酒色財氣得自在 - Giới Tửu Sắc Tài Khí Đắc Tự Tại - từ sách 佛教新紀元 - Phật Giáo Tân Kỷ Nguyên)



Rượu, tình dục, tiền tài và lòng sân giận đã làm sa đọa vô số tín đồ Phật giáo

Rượu, tình, tiền, sân giận là bốn tường vây kín;

Làm nhiều người mê muội bị mắc kẹt bên trong.

Nếu ai có thể nhảy ra khỏi bức tường này,

Sẽ tận hưởng cuộc sống trường sanh bất lão. (1)


Bài kệ này nói về ngũ dục của thế gian là Tài, Sắc, Danh, Thực ,Thùy, là những thứ khiến cho con người bị điên đảo sống say, chết mộng, quá mê mờ không biết quay về.
Ngoài ra còn có “Rượu, tình, tiền và sân giận" (tửu, sắc, tài, khí). Những người thích rượu không ngừng nghĩ về việc uống rượu. Những người khao khát sắc dục luôn nghĩ về sắc dục. Những người thèm muốn sự giàu có luôn cố gắng nghĩ cách làm giàu. Những ai thích nóng giận thì luôn mất bình tĩnh trong mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ. Bốn điều này giống như bốn bức tường vây kín người ta lại (tứ đổ tường), do đó nói: “Làm nhiều người mê muội bị mắc kẹt bên trong
.”  Không thể nào biết được có bao nhiêu người sống bên trong những bức tường đó. “Nếu ai có thể nhảy ra khỏi bức tường này,”  nếu một người có thể kiềm chế không uống rượu, không tham sắc, không tham tiền, và không nóng giận, thì"sẽ tận hưởng cuộc sống trường sanh bất lão." Nếu quý vị không bị dao động bởi rượu, tình dục, tiền bạc, hay nóng giận, quý vị chắc chắn sẽ sống trường thọ.

Mặc dù đạo Phật dạy chúng ta không nên chấp vào tuổi thọ (vô thọ giả tướng), tuy nhiên nói về tuổi thọ thì cần nên không nóng giận, không uống rượu hay dùng các độc tố (ma túy), và cũng không ham mê tình dục hoặc tiền bạc, tài sản. Được như vậy thì xem như quý vị có thể kiểm soát được tuổi thọ của mình. Nếu quý vị muốn sống lâu hơn một chút, thì quý vị có thể sống lâu thêm một chút. Nếu quý vị không muốn sống quá già , thì quý vị có thể đi tái sanh bất kỳ lúc nào mình muốn. Quý vị tự do và tự tại. Đây thực sự là tự tại. Tự tại có nghĩa là quý vị luôn nắm quyền kiểm soát (tự tại), và không bị điều khác chi phối (tha tại). Thế nào là bị chi phối bởi thứ khác (tha tại)? Nếu quý vị luôn có những vọng tưởng, đó là bị thứ khác làm chủ (tha tại). Thế nào là tự tại. Nếu quý vị không có vọng tưởng, đó là tự mình làm chủ (tự tại). Nếu muốn trở thành Bồ Tát Quán Tự Tại [Quán Âm Bồ Tát], quý vị không được có vọng tưởng. Khi quý vị phá tan vọng tưởng và các chấp trước thì đó là tự làm chủ (tự tại); đó là Bồ Tát Quán Tự Tại. Đó cũng là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách." [Bát Nhã Tâm Kinh].

Rượu, sắc dục, tiền tài và sân giận đã làm sa đọa vô số Phật tử. Tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ) cũng đã hủy hoại tương lai của vô số những người có tiềm năng thành chư thánh hiền. Tuy vậy con người vẫn chưa thức tỉnh. Họ vẫn tiếp tục lối sống say chết mộng, mê mờ không biết làm thế nào để quay lại. Thật là ngu si, thật là đáng thương hại! Đó là lý do tại sao khi còn trẻ, tôi coi Tài, sắc, danh, thực, thùy là cực kỳ ô uế, như phân hoặc bụi bẩn. Tôi coi rượu, sắc dục, tiền tài, và nóng giận như mọi thứ bên ngoài không liên quan gì với thân, tâm hoặc tính mạng của tôi. Tôi bắt đầu tìm kiếm một phương cách rời khỏi ngũ dục và nhảy ra ngoài bốn bức tường. Đó là lúc tôi quyết định xuất gia.

Sau khi xuất gia, tôi muốn giúp người, nên tôi đã dùng đến Chú Đại Bi, pháp Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn (2) và Chú Lăng Nghiêm để cứu mạng người. Tôi đã cứu cho nhiều người nhưng khi làm việc đó tôi đã gây hấn với nhiều yêu ma quỷ quái. Một số yêu ma quỷ quái đến từ cõi trời, một số yêu ma quỷ quái từ cõi nhân gian, cũng có một số là thủy quái sống dưới nước. Tại vì tôi đã xúc phạm với khá nhiều các loài thiên ma ngoại đạo, các yêu tinh trên núi, thủy quái sông biển v.v. nên tôi suýt bị chết chìm khi có lần đi tàu từ Thiên Tân tới Thượng Hải. Tôi nhớ là chuyến đi thường chỉ kéo dài độ ba hay bốn ngày thôi (đó là cách đây 40 năm về trước.) Nhưng chuyến tàu tôi đi lần đó lênh đênh trên biển hơn nửa tháng. Tất cả thực phẩm và nước uống trên tàu hầu như đã cạn nhưng con tàu cứ chạy vòng tròn trên vùng biển đen mênh mông. Các máy móc trên tàu đều không hoạt động, và không có cách nào khác để đi đến bờ. Trên tàu có mấy trăm hành khách, ai cũng đều ói mửa. Khi con tàu chồm lên phía trước, mũi tàu vươn cao lên trời hàng mấy thước. Khi con tàu chúi xuống, nó rơi xuống cũng mấy thước, con tàu cứ chúi lên nhào xuống trên biển đen khiến nó gần như muốn lật. Vào thời điểm đó, niệm chú Đại Bi cũng không linh nghiệm và niệm chú Lăng Nghiêm cũng không linh nghiệm. Tôi nôn ói ra hết tất cả những gì trong bao tử và nằm liệt trên sàn tàu, không tài nào cử động được. Tôi biết con tàu không chạy đuợc vì các thủy quái đang chiến đấu với tôi, chúng muốn lật con tàu và nhấn chìm tôi. Tôi ói ra hết tất cả, ngay cả mật, và tôi kiệt sức. Lúc đó tôi nghĩ đến việc tự nhảy xuống biển để những người khác không bị liên lụy vì tôi. Nhưng tôi còn một niềm hy vọng: Tôi cầu nguyện với Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tôi nói, "Bồ Tát Quán Âm, từ khi con ra đời con luôn muốn làm Phật sự. Nếu con có thể giúp ích cho Phật Pháp xin Ngài hãy vươn tay thánh làm dịu đi mặt biển và hướng dẫn con thuyền về đến Thượng Hải. Nếu Ngài không thể đưa bàn tay thánh cứu con, thì con sẽ nhảy xuống biển để mọi người không phải mất mạng vì con. Con sẵn sàng chấp nhận quả báo của mình.”

Khi tôi vừa cầu nguyện xong, thì quả nhiên sóng to gió lớn dịu xuống. Sau hơn mười bốn ngày chiếc tàu cuối cùng đã đến được Thượng Hải (3). Nếu còn lênh đênh trên biển thêm một vài ngày nữa, người ta đói quá rất có thể phải ăn thịt nhau và hậu quả thật không thể lường được . Đó là những thứ khó khăn phiền hà tôi trải qua khi can thiệp vào các vấn đề của người khác và cố gắng giúp đỡ họ. Từ đó trở đi, sau khi tôi đến Hương Cảng (Hồng Kông), tôi không dám can thiệp quá nhiều vào chuyện của kẻ khác. Ngay cả bây giờ tôi cũng không can dự quá nhiều. Nếu người ta bị bệnh và tôi có thể giúp cho họ thì tôi âm thầm giúp. Nếu tôi không thể giúp được, tôi cũng không thể làm gì hơn.

Bây giờ nghĩ lại thời tôi còn trẻ, tôi thấy mình không biết cách bảo vệ mình, và tôi không biết vũ trụ rộng lớn bao la như thế nào, nên tôi đã xúc phạm vô số sơn yêu thủy quái. Hôm nay tôi nói với quý vị điều này, hy vọng qúy vị sẽ không giống như tôi can thiệp vào các vấn đề của người khác quá nhiều.
 

 

Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ của bài kệ:

酒色財氣四堵牆

許多迷人裏邊藏

有人跳出牆兒外

就是長生不老王

Tửu sắc tài khí tứ đổ tường

Hứa đa mê nhân lí biên tàng

Hữu nhân khiêu xuất tường nhi ngoại

Tựu thị trường sanh bất lão vương.

 

(2) Pháp 42 Thủ Nhãn là Pháp Môn không được tuỳ tiện tự truyền hay tự học. Trong bài http://www.drbachinese.org/vbs/publish/469/vbs469p023.pdf http://www.dharmasite.net/VanChungNhatTamVanPhatThanh.htm có nhắc những lưu ý của Hòa Thượng: Thông báo được công bố ngày 16 tháng 8 năm 2006 của Văn Phòng Quản Trị Vạn Phật Thánh Thành: Bất cứ khi nào Hòa thượng Tuyên Hóa truyền pháp 42 Thủ Nhãn, Ngài luôn nhấn mạnh “Bất cứ ai truyền pháp này mà không có sự chấp thuận của tôi sẽ gặp ma chướng. (1). Trước khi nhập Niết bàn, Ngài đã đặc biệt huấn thị vị trụ trì của Vạn Phật Thánh Thành (Pháp sư Hằng Luật) như sau: “Đừng để pháp môn Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn này diệt tận. Hãy tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau. Việc truyền pháp này phải được tiến hành trước tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt (ở Phật Điện chính của Vạn Phật Thánh Thành)." (2)

(1) Nguyên văn Hoa ngữ: 「若未經我(老和尚)認可授權, 而私自傳授此法門者,將會有魔障發生。」- "Nhược vị kinh ngã (Lão Hoà Thượng) nhận khả thọ quyền, nhi tư tự truyền thọ thử pháp môn giả, tương hội hữu ma chướng phát sinh."

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:「四十二手眼法門不要斷了,要繼續傳下去,要在(萬佛聖城)觀音殿的千手千眼觀世音菩薩像前傳。」- "Tứ thập nhị thủ nhãn pháp môn bất yếu đoạn liễu, yếu kế tục truyền hã khứ, yếu tại (Vạn Phật Thánh Thành) Quán Âm Điện đích Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát tượng tiền truyền. "

Ngoài ra trong bài http://www.dharmasite.net/ViSaoTungDocNgayAnMotBuaLuonMacAoGioi.htm có đề cập:

Nếu quý vị nghe người khác nói rằng họ trước đây từng sống ở Vạn Phật Thánh Thành và rằng Hòa Thượng đã truyền Pháp cho họ, rằng họ từng giữ chức vụ như thế này thế kia, rằng họ là một vị Thầy Thủ Tọa (đứng đầu), hoặc là Hòa Thượng đã truyền Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cho họ, quý vị đừng lưu tâm hay lắng nghe những điều này. Có thể rằng khi họ mới đến Vạn Phật Thánh Thành, Hòa Thượng đã để họ thuyết Pháp, nhưng quý vị phải hiểu rằng tất cả bốn chúng đệ tử đều phải học thuyết Pháp. Đó là một trong những quy củ của Vạn Phật Thánh Thành. Tuy nhiên, họ có lẽ không đề cập một lời nào về việc thế nào hay tại sao họ cuối cùng đã rời bỏ đi.

...
Thêm nữa, còn có Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Hòa thượng đã nói với Thầy Phương Trượng của Vạn Phật Thánh Thành: "Con phải truyền Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cho các thế hệ kế tiếp tại trước tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trong Vạn Phật Điện tại Vạn Phật Thánh Thành." Có một số người nói: "Chúng tôi nên làm như thế nào ? Chúng tôi không thể đi đến Vạn Phật Thánh Thành bây giờ. Nếu như vậy chúng tôi không thể học Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn hay sao ?" Tôi thật sự không thể trả lời câu hỏi này. Hòa Thượng không đề cập đến vấn đề này và các đệ tử cũng đã không hỏi về việc này.

 

(3) Ngài có làm bài “Kệ Nôn Mửa” (嘔吐頌 - Ẩu Thổ Tụng) để tường thuật lại cảnh hiểm nạn lúc bấy giờ:

http://www.drbachinese.org/online_reading/drba_others/vmsj/sj5-photos.htm

「嘔吐頌」:

結伴南行十四僧,

鬍子比丘沙彌青;
碧海接天天萬里,

黑波逐浪浪千重;
法降妖邪舟未覆,

輪承聖助嘔方寧;
喜抵滬海除饑渴,

武昌正覺寶螺鳴。

 

“Kệ Nôn Mửa” (Ẩu Thổ Tụng): http://dharmasite.net/SoLuocTSHTTH.htm#29

Kết bạn nam hành thập tứ tăng
Hồ tử trưởng lão, Sa di thanh
Bích hải tiếp thiên thiên vạn lý
Hắc ba trục lãng lãng thiên trùng
Pháp hàng yêu tà chu vị phúc
Luân phụng thánh trợ ẩu phương ninh
Hỷ chỉ Hỗ Hãi trừ cơ khát
Võ Xương Chánh Giác bảo loa minh.

Tạm dịch:

Kết bạn nam hành mười bốn Tăng

Trưởng lão râu dài, Sa di trẻ

Biển trời xanh biếc tiếp vạn dặm

Sóng đen lớp lớp lắm thiên trùng

Đối pháp hàng tà thuyền không ngã

Ân triêm thánh đức ói mửa ta

Mừng đến Hỗ Hải trừ đói khát

Võ Xương Chánh Giác bảo âm vang.

 

(Còn tiếp)