宣化老和尚 The Venerable Master Hsuan Hua

Khai Thị Tại Việt Nam

Trích dịch từ loạt bài Pháp Vũ Tâm Đăng Chiếu Cổ Kim

法雨心燈照古今

Mưa Pháp Đèn Tâm Chiếu Cổ Kim

Một số bài nói chuyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa vào tháng 12, 1974 tại tại Sài Gòn, Việt Nam nhân chuyến viếng thăm châu Á từ mùa đông 1974 đến mùa xuân 1975

Trích dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea từ số tháng 7, 2007 đến số tháng 1, 2008.

 

(Sa Di Ni Cận Kinh dịch sang Anh ngữ)

 

Mục lục:

- Tôi hy vọng chúng ta có thể tổ chức dịch kinh ra nhiều thứ tiếng

- Đừng để thời gian quý giá này trôi đi uổng phí!

- Tôi chủ trương là mỗi quý vị nên hết lòng tận lực nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm

- Đức Phật có khi nào lường gạt quý vị không?

- Mỗi người trong quý vị đây đều có đầy đủ trí huệ và đều có Phật tánh

- Đức Phật dùng tâm từ bi nhiếp phục

- Nếu Pháp tương ưng với cơ duyên của quý vị thì đây chính là Pháp đệ nhất

Phụ Lục:

- Hoằng Pháp Tại Việt Nam

- Biện Pháp Chấm Dứt Chiến Tranh Hay Nhất

 

 

Tôi hy vọng chúng ta có thể tổ chức dịch kinh ra nhiều thứ tiếng

http://www.dharmasite.net/2007/6/445h_fa%20yu%20xin-20-23-3.pdf

Một đoạn audio Khai Thị tại Việt Nam ở phút 10:20 https://www.youtube.com/watch?v=dB7Cs7kw55w

 

Mãi đến năm 1962 tôi mới có đủ nhân duyên đến nước Mỹ với hy vọng mang đạo Phật đến với người phương Tây. Vào lúc đó, chỉ có vài người Mỹ quyết định xuất gia làm Tỳ kheo. Kể từ năm 1968 đến nay, chúng tôi bắt đầu công việc phiên dịch Kinh Phật. Chúng tôi đã làm việc cực lực trong nhiều năm. Chúng tôi đã làm việc đó rất trung thực và vì vậy chỉ có một số ít người biết chùa Kim Sơn làm công việc dịch Kinh. Bây giờ có nhiều người phương Tây đã thật sự xuất gia. Có lẽ Kinh do các vị này phiên dịch thì chính xác hơn. Trong quá khứ, Kinh cũng đã được dịch, có thể do một linh mục theo đạo Cơ đốc giáo hay một mục sư Tin Lành, hoặc do một học giả hay một vị giáo sư đại học phiên dịch ra. Họ dịch các Kinh Phật như là người bên ngoài đạo Phật. Kết quả là tính chính xác trong các tác phẩm dịch của họ thì không bảo đảm. Nhiều lần họ chỉ hiểu một vài thuật ngữ và phạm nhiều lỗi khi phiên dịch. Ví dụ một giáo sư đại học đã dịch từ ngữ lưỡng túc trong Kinh Pháp Hoa ra là “hai chân” thay vì phải dịch là “đầy đủ phước huệ”. Phần phiên dịch của ông ta đã làm cho câu “quy y lưỡng túc tôn” ra thành “quy y vị Phật có hai chân”. Tại sao ông ta không dịch luôn là “quy y với vị Phật có hai tay” hay “quy y với vị Phật có cái đầu” cho rồi? Ý nghĩa khác xa một trời một vực!

Tôi tin tất cả các vị đã biết lịch sử của đạo Phật ở Trung Hoa. Trong quá khứ Pháp sư Huyền Trang và Pháp sư Cưu La Ma Thập đã phiên dịch Kinh điển trong một tự viện thuộc triều đình nhà vua, nơi đó đã có ít nhất 800 người cùng tham gia công việc phiên dịch. Lúc nhiều nhất, có đến hơn 3.000 người tham gia vào công việc phiên dịch vĩ đại và thiêng liêng này. Vì đó là cố gắng của một tập thể nên Tam tạng bao gồm 12 bộ Kinh điển do đức Phật thuyết đã được phiên dịch hoàn chỉnh. Tam tạng gồm có Kinh tạng, Luật tạngLuận tạng. Kinh tạng bao gồm bất cứ điều gì do chính đức Phật thuyết ra trong khi Luật tạng bao gồm giới luật. Luận tạng là tất cả các bản luận giải về Kinh điển. Một vị giáo sư đại học có lần đã dịch chữ Tam Tạng có nghĩa gốc là Ba Kho Tàng hay Ba nhà kho chứa đựng các lời dạy của đức Phật ra thành “ba điều được dấu kín” (Ghi chú của dịch giả bản Anh ngữ: chữ Tạng trong tiếng Trung Hoa vừa có thể là một động từ, lúc đó được phát âm là Tàng, có nghĩa là “giấu kín” hay “che giấu”.)  Ông ta cho rằng “Kinh tạng, Luật tạng Luận tạng cần phải được che giấu không để cho mọi người biết”. Quý vị có nghĩ đó là một sai lầm không? Phần dịch này do một vị giáo sư đại học thời nay dịch. Ông ta cũng giải thích về 12 bộ kinh điển (Thập Nhị Bộ Kinh: Mười hai chủng loại Kinh điển) trong Tam tạng Kinh điển như sau: Kinh Pháp Hoa là một bộ. Kinh Kim Cang là một bộ. Kinh A Di Đà lại là một bộ khác v.v… Bằng cách này, ông ta hình thành nên 12 bộ kinh điển. Cách làm này lại là một sai lầm nữa. Đó là lý do tại sao khi phiên dịch Kinh điển ở Trung Hoa, có đến hàng trăm, hàng ngàn người cùng sử dụng nhãn quan và trí tuệ của mình để quán chiếu nghĩa các câu Kinh. Sau đó, họ cùng quyết định nhan đề hoặc nghĩa của kinh và sau đó không sửa đổi nữa. Tuy nhiên, những dịch giả chẳng hạn như các vị giáo sư đại học, các linh mục hay các mục sư Cơ đốc giáo chỉ sử dụng có cặp mắt, cái đầu của riêng mình khi phiên dịch Kinh. Về căn bản họ cũng phiên dịch Kinh, tuy nhiên, họ lại dịch theo ý của họ. Thỉnh thoảng, “cái đầu” sẽ được họ dịch là “cái chân”, còn “cánh tay” lại được họ dịch là “cái chân”; lỗi khi phiên dịch là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, khi tham gia công việc phiên dịch, chúng ta nên đoàn kết mọi người lại cùng hợp tác làm việc. Khi một quốc gia phiên dịch Kinh ra ngôn ngữ của chính nước đó, nhiều người nên tham gia vào công việc này để công việc dịch này không còn bị phụ thuộc vào khả năng của chỉ một người.  

Nếu mỗi quốc gia đều quan tâm và muốn dịch Kinh Phật ra ngôn ngữ của nước họ, tôi hy vọng chúng ta có thể tổ chức dịch kinh ra nhiều thứ tiếng. Đó là hy vọng của tôi đối với nền Phật học hiện tại – tự chúng ta đứng ra tổ chức phiên dịch kinh. Chúng ta là những Phật tử nên gánh vác việc truyền bá đạo Phật mà không nên tự mình hạn hẹn trong phạm vi nhỏ hẹp của đất nước mình. Chúng ta nên đoàn kết lại thành một, không phân chia tông, phái hay thậm chí không phân chia Bắc tông hay Nam tông. Chúng ta là toàn thể, chứ không chỉ là một bộ phận riêng lẻ. Chúng ta nên gách vác trách nhiệm của mình đối với đạo Phật. Đừng tự cho rằng mình không quan trọng. Mọi người nên phát nguyện làm cho chánh Pháp tồn tại trên thế gian này mãi mãi và đừng cho Phật Pháp đi vào thời kỳ Mạt Pháp.

Thời kỳ Mạt Pháp nghĩa là gì? Thời kỳ Mạt Pháp do con người tạo ra. Nếu quý vị nghĩ đó là thời kỳ Mạt Pháp thì đó là thời kỳ Mạt Pháp. Nếu quý vị thực hành Chánh Pháp thì Chánh Pháp sẽ hưng thịnh. Tất cả điều đó tùy thuộc vào mỗi cá nhân chúng ta, không phải tùy thuộc vào Pháp. Pháp vô phân biệt mạt hay hưng thịnh. Quý vị không nên tự mình không biết xấu hổ bào chữa rằng: “Phật pháp đâu có dính dáng gì đến tôi!”. Vì chúng ta là Phật tử, chúng ta nên làm mọi thứ vì đạo Phật. Bất cứ điều gì cần làm, chúng ta nên làm đến cùng. Mọi người nên có trách nhiệm và đó là một trách nhiệm thiêng liêng, một trách nhiệm vĩ đại, một trách nhiệm vô giá. Mỗi Phật tử chúng ta nên tiến lên thay vì lùi bước, nên nỗ lực hy sinh vì đạo Phật. Đó mới là điều vô giá thật sự.

Hôm nay tôi muốn chỉ cho quý vị biết một bộ kinh điển mà chúng ta phải nghiên cứu học. Bộ Kinh điển này là tấm kính chiếu yêu của Phật Giáo, là một chày đập nát yêu ma của Phật Giáo, và là thanh gươm chém loài ma quỷ của Phật Giáo (1). Đó là Kinh gì? Là "Kinh Lăng Nghiêm". Bộ Kinh Lăng Nghiêm này chính là "Lăng Nghiêm Khai Mở Trí Tuệ". Tuy nhiên, kinh này đã bị các học giả khắp thế giới phản bác. Phản bác như thế nào? Họ đều nói rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả và không phải thật. Thế tại sao họ bảo bộ kinh này là giả mà chúng ta lại cần phải nghiên cứu bộ kinh này? Bởi vì bộ kinh này chứa đựng những điều quý giá đáng cho chúng ta nghiên cứu. Bộ kinh này nói ra các tà tri tà kiến của các tà giáo và ngoại đạo, những loại tri kiến mơ hồ không đúng với Phật pháp. Vì vậy, đó là lý do tại sao bộ kinh này chính là tấm kính chiếu yêu, chính là chày đập nát yêu ma và chính là thanh gươm chém ma quỷ. Chúng ta muốn mọi người hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, thì bọn thiên ma và ngoại đạo sẽ tự nhiên biến mất và chiến tranh trên thế giới sẽ giảm bớt. Hơn nữa, tất cả nhân loại sẽ được hòa bình trở lại. Do vậy, kinh này là trọng yếu nhất.

Tuy nhiên, quý vị nên biết điều đó không thật sự dễ dàng đâu. Nhiều học giả ngày nay không muốn bỏ các thói quen xấu của họ. Họ hút thuốc, uống rượu và chính họ tham gia vào việc hành lạc trong khi đồng thời họ lại chạy đuổi theo những địa vị cao trong đạo Phật, và tham muốn thành Phật. Họ xem thường người xuất gia và phê bình những vị tăng ni kém học thức. Đó là kinh nghiệm mà tôi có được. Có thể trường hợp này không có ở Việt Nam, nhưng ở Mỹ điều này xảy ra rất nhiều. Vị giáo sư này am hiểu Phật học, còn vị giáo sư kia đã khai ngộ. Có lần tôi đã hỏi họ, “Ngài khai ngộ cái gì? Có phải là khai ngộ của bò hay chó không? Dĩ nhiên quý ngài đã đạt được sự khai ngộ của một loài súc sanh.” Đó là cách tôi đã quở trách họ và họ không trả lời. Do đó, chúng ta nên nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, cùng nhau nỗ lực nghiên cứu tỉ mỉ và hiều thấu đáo Kinh Lăng Nghiêm. Đây là một vấn đề hệ trọng nhất.

Tại sao chúng ta nên nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm? Vào thời Mạt pháp, Kinh Lăng Nghiêm sẽ là bộ kinh Phật đầu tiên bị biến mất. Tại sao kinh này biến mất? Đó là vì sự phê bình chỉ trích của các học giả, thậm chí người xuất gia cũng sẽ không còn tin vào bộ kinh này nữa. Họ sẽ nói: “Có giáo sư tên gì đó nói rằng kinh này là giả. Thế thì chúng ta học kinh này để làm gì?” Vì thái độ này, kinh này sẽ biến mất khỏi thế gian này. Đó là kinh đầu tiên biến mất. Chúng ta người xuất gia và Phật tử tại gia nên hết lòng bảo vệ kinh này để không bị mất đi. Chừng nào Kinh Lăng Nghiêm còn, loài yêu ma sẽ còn lẩn trốn. Ngay khi Kinh Lăng Nghiêm biến mất, tất cả thiên ma và ngoại đạo sẽ xuất hiện! Mọi người nên thấu hiểu rõ điểm này. Ở Trung Hoa, có một vị Đại Sư tên là Trí Giả. Vị này khi vừa nghe đến tên của Kinh Lăng Nghiêm đã bắt đầu hướng về xứ Ấn Độ lễ lạy. Ngài đã lễ lạy như vậy suốt 18 năm trời hy vọng có thể nhìn thấy quyển kinh này, nhưng cuối cùng ngài vẫn không bao giờ nhìn thấy kinh này. Đó là điều thật đáng tiếc trong cuộc đời ngài! Bây giờ chúng ta gặp được kinh này, chúng ta phải nỗ lực truyền bá sao cho kinh này chiếu quang minh sáng khắp Pháp giới. Chúng ta nên thông minh hơn là ngu đần. Chúng ta nên hoằng dương đạo Phật khắp toàn cầu.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải hồi quang phản chiếu. Chúng ta cũng nên luôn luôn nhận ra lỗi lầm của chính mình, chứ đừng lo “giặt dùm áo người khác”. Đừng có cư xử giống như một cái máy giặt đồ. Bất kỳ vết dơ nào trên thân người khác, chúng ta nhận ra chúng đầu tiên. Tôi có vài lời rất hiệu nghiệm muốn nói cho quý vị nghe. Nó không phải là một bài chú, nhưng rất linh nghiệm như một bài chú vậy. Đó là cái gì? Tất cả các Phật tử nên "hồi quang phản chiếu" (2). Chúng ta nên nhìn lại chính mình và nhận ra sự thật rằng trong quá khứ chúng ta đã từng là những đệ tử không chân thật của Phật Thích Ca Mâu Ni và đã không nghe theo lời dạy bảo của Ngài. Chúng ta nên chân thật nhận ra lỗi lầm của chính mình và không nên bình phẩm lỗi lầm của kẻ khác”. Chúng ta phải nhận ra lỗi của chính chúng ta; không được phê phán lỗi kẻ khác và không được xoi mói vào các vấn đề của kẻ khác. Vì theo giới luật, nếu quý vị bình phẩm về lỗi của tứ chúng, quý vị đã phạm giới. Vì vậy, đừng có đeo mắt kính đỏ rồi thấy người khác màu đỏ qua lăng kính của mình. Khi quý vị mang mắt kính xanh, quý vị nhìn thấy người khác màu xanh. Tóm lại, nhìn lỗi người mà không nhìn lỗi của chính mình là hành động giống như của một máy chụp hình, máy chỉ có thể chụp ảnh của người khác. Là một máy chụp hình, quý vị không thể quay ánh sáng lại và chiếu vào chính quý vị. Dầu quý vị là người xuất gia hay người tại gia, không nên là một máy chụp hình. Quý vị cần phải hiểu chính mình và không phê bình lỗi của người khác. Quý vị nên nghĩ rằng lỗi người cũng là lỗi mình”. Tôi thấy anh ta như là chính tôi vậy, làm thế nào tôi có thể nói xấu về các lỗi lầm của người ấy được? Nếu quý vị có thái độ như vậy, quý vị sẽ không phê bình các lỗi của anh ta. Điều này được gọi là “đồng thể đại bi”. Chúng ta nên nhìn thấy mọi người đều bình đẳng, “nhìn thấy người và ta như nhau là đại bi chân thật”. Có câu nói: “Đại từ không duyên, Đại bi cùng thể” (3) Nếu quý vị nghĩ được như vậy, quý vị hoàn toàn là một đệ tử chân thật của Phật Thích Ca Mâu Ni và sẽ thành Phật trong tương lai. Nếu quý vị có thái độ này mà không thể thành Phật, tôi sẵn sàng bị đọa vào địa ngục mãi mãi.  

Tôi vẫn còn vài điều muốn nói nữa nhưng thôi hãy dừng ở đây. Nếu quý vị còn muốn nghe tôi nói nữa, có thể quý vị sẽ lại nghe tôi nói trong giấc mơ của quý vị. Tôi sẽ lại kết Pháp duyên với quý vị tại Trung tâm Phật Giáo vào lúc 8 giờ 30 phút sáng mai. Từ 4 giờ cho đến 6 giờ chiều, tôi sẽ gặp quý vị tại chùa Xá Lợi. Ai trong quý vị muốn nghe tôi nói chuyện trong giấc mơ thì có thể đến đó.

 

Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) , ,

Phật giáo đích nhất cá chiếu yêu kính , phật giáo nhất cá hàng ma xử , phật giáo nhất cá trảm ma kiếm.

 

(2) 回光返照

Hồi quang phản chiếu

(Quay ánh sáng lại chiếu soi bên trong)

 

(3) 無緣大慈,同體大悲

Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi

(Đại từ với kẻ không có duyên với mình, đại bi xem tất cả đồng thể với mình).
 

 

 

Đừng để thời gian quý giá này trôi đi uổng phí!

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/446/vbs446p018.pdf

Nam mô Thường trụ thập phương Phật
Nam mô Thường trụ thập phương Pháp
Nam mô Thường trụ thập phương Tăng
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm
Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam mô Kim Cang Tạng Bồ Tát.


Thầy Hằng Cụ đã kể chuyện mình lén lút ăn bánh dâu nướng ra sao. Chuyện đó đã xảy ra vào một tối nọ. Thầy ấy không chỉ làm vậy thôi đâu, mà tôi nghĩ thầy ấy vẫn lén ăn sau lưng chúng ta đấy. Tuy không thật sự bỏ đồ ăn vào miệng nhưng tâm trí thầy ấy thường khởi lên những vọng tưởng này. Điều duy nhất tôi biết về vị đệ tử này, đó là vị ấy có thể ăn - một cách lén lút. Vừa rồi thầy Hằng Do có nói về chuyện thầy Hằng Cụ gặp ma. Thầy ấy không nói nguyên do. Dù nói chuyện với tôi qua điện thoại, nhưng cũng không rõ ràng. Cái đêm mà thầy Hằng Cụ gặp ma, họ không biết phải làm sao. Mãi đến hôm sau, họ mới gọi cho tôi và cho biết trong chuyến Tam Bộ Nhất Bái của họ, thầy Hằng Cụ đã gặp ma và la hét ầm ỷ vào tối hôm trước. Tôi chỉ nói với họ một điều: "Vì sao thầy gặp ma? Là vì những vọng tưởng mà thầy có tối hôm qua!" Cả hai thầy đã khởi tâm gì? Tôi hỏi họ: "Các thầy đã khởi vọng tưởng phải không?" Họ phủ nhận. Tôi nói: "Không ư? Ở đó có nhiều người nữ! Sao các thầy trong tâm không giữ quy củ? Vì các vị trong tâm không không giữ quy củ nên tám vạn bốn ngàn vị kim cang tạng Bồ tát mới không còn bảo hộ các thầy nữa. Thế nên ma quỷ mới nhập vào và quấy rối các thầy!" Các thầy không khởi vọng tưởng thì thứ rắc rối này làm sao có. Khi xảy ra loại chuyện này, tôi chẳng cần hỏi, chẳng cần nhìn hay quan sát, tôi cũng biết nó xuất phát từ vọng tưởng của các vị. Bởi vậy, họ đã không dám khởi loại vọng tưởng đó nữa và kết quả là thứ rắc rối đó biến mất.

Cho nên, chúng ta biết rằng "Niệm động, trăm sự có” (1). Khi một tư tưởng lóe lên trong tâm quý vị thì mọi thứ sẽ kéo đến. "Niệm ngừng, vạn sự không." (2). Khi niệm ngừng, không khởi vọng tưởng,thì chẳng có chuyện gì xảy ra, và quý vị sẽ không có rắc rối hay phiền não. Tôi thường nói rằng quý vị là người tu hành thì “tâm ngừng, niệm hết là phú quý thật." (3). Khi tâm vọng tưởng của quý vị ngừng lại, vọng niệm cũng không còn nữa, thì đây chính là phú quý chân chính. "Tư dục đoạn hết ân phước điền chân chính." (4). Nếu quý vị muốn có được phước điền chân chính thì phải loại bỏ dục bất thiện của mình. Hễ còn dục bất thiện dù chỉ là chút ít, thì sẽ không gọi là phước điền chân chính. Người tu đạo chúng ta nên lưu ý rằng việc tu hành xảy ra chỉ trong một niệm. Trong một niệm chúng ta có thể lên trời, niệm kế tiếp có thể xuống địa ngục. Niệm sau nữa có thể là ngạ quỷ, súc sinh, người, A Tu La, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát hay thậm chí là Phật. Nếu quý vị thành Phật, đó là nhờ một niệm của mình. Hãy quay về gốc trở lại cội nguồn (phản bổn hoàn nguyên) và với một niệm thanh tịnh này tương lai quý vị sẽ thành Phật.

Quý vị trẻ nên biết rằng các vị đang ở trong những năm vàng son của cuộc đời mình, tương lai sẽ rạng rỡ. Đây là giai đoạn rất quý giá. Đừng để thời gian quý giá này trôi đi uổng phí. Thay vào đó, nên dành thời gian để học tập, tu hành Phật Pháp.

Tối qua, ở trường Đại học Vạn Hạnh, tôi đã nói:

"Đừng đợi đến già rồi mới tu,
Mồ hoang lắm kẻ tóc còn xanh." (5)

Trong lứa tuổi nhiều hứa hẹn này, quý vị nên tạo đủ loại công đức để gieo trồng phước huệ. Đừng bỏ lỡ cơ hội này. Ở Việt Nam, quý vị có một cơ hội hiếm có là được Đại sư Siêu Trần thuyết pháp cho quý vị vào các Chủ nhật. Nên chia sẻ cơ hội này với bạn bè để tham gia vào những buổi nghiên cứu Phật Pháp này. Khi bạn của quý vị thành Phật, quý vị chính là người đưa người đó đến với Đạo Phật. Khi có thể giúp người khác thành Phật, thì tự quý vị tương lai cũng sẽ thành Phật.
 

 

Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) 念動百事有

Niệm động bách sự hữu

 

(2) 念止萬事無

Niệm chỉ vạn sự vô

 

(3) 心止念絕真富貴

Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý

 

(4) 私欲斷盡真福田
Tư dục đoạn tận chân phúc điền


(5) 莫待老來方學道,孤墳都是少 年人

Mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần đô thị thiểu niên nhân

 

 

Tôi chủ trương là mỗi quý vị nên hết lòng tận lực nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/447/vbs447p020.pdf

 

Tôi nhớ lại một vài sự việc tôi đã gặp khoảng ba mươi năm trước ở vùng Đông Bắc Trung Hoa. Lúc đó tôi vẫn còn là một Sa Di (mới xuất gia) sống trong một tu viện đang được sửa chữa. Tôi giúp Hòa Thượng trụ trì sửa chữa lại Chùa bằng cách nhờ người vận chuyển vật liệu xây dựng đến Chùa. Ở miền Bắc Trung Hoa, phần lớn các xe là xe ngựa do ngựa kéo nhưng xe ngựa thì không thể chở một trọng tải lớn. Tôi nhớ đi đến ngôi làng gọi là làng Đại Bá, Ông họ Lưu là trưởng làng. Vào lúc đó, chúng tôi cần giúp vận chuyển vật liệu xây dựng như gạch và gỗ. Vì vậy, tôi nói với ông Lưu, "Chùa của chúng tôi đã lâu rồi không được sửa chữa; nhưng bây giờ chúng tôi đang tiến hành sửa chữa. Chúng tôi thỉnh cầu dân trong làng giúp một tay xây dựng Chùa!" Người trưởng làng trả lời, "Lần này trùng hợp với lúc dân làng đang cày xới đất. Mọi gia đình hiện đang rất bận rộn, vì vậy chúng tôi có lẽ sẽ không có thời gian để giúp chùa trong việc xây dựng này."

Lúc đó, có một người phụ nữ đang dựa vào cửa sổ và nhìn chúng tôi. Sau đó, bà ấy tiến lại gần chúng tôi. Bà trông tuyệt vọng và rơi lệ nói với tôi, "Con của con sắp chết! Pháp sư, ngài có cách gì để cứu con của con không? Nếu ngài có thể chữa khỏi bệnh cho con của con, tất cả chúng con sẽ giúp ngài vận chuyển vật liệu xây dựng cho dù chúng con có bận rộn đến đâu.” Tôi nhìn bà ấy và nói, "Bà có biết tại sao con bà sắp chết không?"

"Con hoàn toàn không biết gì cả!", bà trả lời. “Bà không biết thì để bây giờ tôi nói cho bà biết. Lý do con bà sắp chết vì bà không hiếu thảo với cha mẹ chồng. Bà cũng không tử tế hòa thuận với chị em dâu. Đó là lý do tại sao con bà sắp chết. Nếu bà muốn con bà bình phục, trước tiên bà phải dâng hương lễ Phật và tổ tiên trong gia đình. Sau đó, bà hãy nhận lỗi của mình, cúi lạy trước cha mẹ chồng và nói với họ rằng bà sẽ hiếu thuận với họ và sẽ không chống lại họ. Nếu bà có thể làm điều này, con bà sẽ tự nhiên khỏe mạnh.” Vì con bà bị bệnh, và do tuyệt vọng cùng với lòng mẹ thương con, bà đã làm như tôi hướng dẫn.

Sau khi bà làm tất cả những gì tôi nói, bà thấy con mình vẫn không mở mắt, giống như là sắp chết. Ở miền bắc Trung Hoa, khi một đứa trẻ qua đời, họ chỉ cần quấn xác đứa bé bằng tấm chiếu rơm và quăng xác quấn chiếu rơm đó ra ngoài. Bà đã chuẩn bị chiếu rơm cho con trai của bà rồi. Tôi nói, “Hãy mang con của bà đến để tôi xem qua cháu ”. Bà nghe theo lời. Thật lạ, tôi đánh vào đầu đứa trẻ ba lần và nói, "Tốt rồi!" A! Đứa trẻ rất ngoan nghe lời, và bệnh tật đứa trẻ này biến mất ngay lập tức. Đứa trẻ đứng dậy và có thể chạy quanh. Vì chuyện này, toàn bộ gia đình ông Lưu đã quy y với tôi và quyết định cho chúng tôi mượn xe để vận chuyển vật liệu xây dựng. Ban đầu, ngôi làng nhỏ này chỉ có mười ba chiếc xe. Họ đem mười hai xe đến để giúp chúng tôi. Có nhiều chuyện không thể nghĩ bàn được trong Phật giáo; có những chuyện quý vị không thể tin được. Không có cách nào biết lý do tại sao và như thế nào. Câu chuyện này là một trong số đó.

Lại nữa, tôi nhớ khi đi cùng với Hòa Thượng trụ trì của tu viện ra ngoài để hóa duyên. Khi đó, chúng tôi đã đi hóa duyên từ nhà này sang nhà khác. Chúng tôi đến một ngôi nhà, ở đó có một người phụ nữ đang quỳ ở cửa. Người phụ nữ nói rằng con trai bà đang bệnh nặng và xin Hòa Thượng trụ trì chữa bệnh cho con trai bà. Hòa Thượng trụ trì rất nổi tiếng ở vùng Đông Bắc, khi còn là một cư sĩ, ngài đã thủ hiếu tại mộ của mẹ ngài trong sáu năm như một cách bày tỏ lòng hiếu thảo. Sau khi xuất gia, ngài muốn xây chùa và tôi đã giúp ngài.

Người phụ nữ này mong muốn đượcị Hòa Thượng trụ trì chữa khỏi bệnh cho con trai mình. Tuy nhiên, Hòa Thượng trụ trì không muốn dính líu vào việc của người khác. Ngài nói với tôi rằng người phụ nữ này nhờ tôi giúp. Lúc đó tôi bị nhức đầu. Tôi hỏi lại, “Tại sao ngài lại đưa tôi loại phiền phức này! Tại sao ngài không giúp cậu bé? ". Hòa Thượng trụ trì trả lời, "Tôi không có khả năng như vậy!". Sau đó tôi nói với người phụ nữ, "Nếu bà quỳ ở đây, chặn đường chúng tôi vào nhà, làm sao chúng tôi cứu được cậu bé? ” 

nói, “Con nghe nói ở làng Đại Bá có một đứa trẻ sắp chết. Ngài đã cứu đứa trẻ khi ngài đi ngang qua đó. Đó là lý do tại sao con biết ngài có khả năng cứu con trai con! ” Tôi trả lời, "Được rồi, bà hãy đem con trai bà ra để tôi xem qua”. Con trai bà, mới mười một tuổi, có bệnh đau bao tử và đau đầu khiến nó không khỏe, có được trị bệnh nhưng cũng không khỏe. Bà ta mang con trai ra gặp tôi và tôi nói với cậu bé, "Con hãy mau xuất gia, xuất gia thành một nhà sư thì sẽ khỏi bệnh ”. Tôi hỏi cha mẹ của cậu bé rằng, “Quý vị có cho phép con trai của quý vị làm một vị sư không?”, bởi vì cậu bé trông giống như một nhà sư. Họ của cậu bé là Vương, tên là Zheng, 11 tuổi. "Nếu ông bà thật sự có thể buông xả và cho cháu đi tu, thì tôi có thể chữa khỏi bệnh cho cháu. Nếu không, thì không có cách nào tôi có thể giúp được ”. Cha mẹ cậu bé hứa, “Được, xả được, ngay sau khi cháu hồi phục, chúng con nhất định sẽ nói cháu đến Chùa Tam Duyên xuất gia”. Tôi nói, “Được rồi. Từ hôm nay trở đi, cháu khỏi bệnh. Không còn bệnh nữa!” Sau khi tôi nói như thế cậu bé quả nhiên không còn bệnh. Cậu bé không có bệnh được một tháng, tôi đến nhà cậu bé một lần nữa, Tôi nói, "Đã đến lúc con cần nên xuất gia!". Cha mẹ cậu bé nài nỉ, "Xin chờ đợi hai tháng nữa cho đến khi cháu hoàn toàn hồi phục."

Hai tháng sau, tôi lại đến nhà nhắc nhở cậu bé xuất gia. Cha mẹ cậu vẫn muốn đợi. Tôi nói, "Quý vị cừ đợi thì tương lai bệnh của cháu tái phát, quý vị sẽ không có cách nào chữa được! ”

Ba tháng sau, tôi lại đi ngang qua ngôi làng này nhưng không ghé vô nhà của họ. Tại sao? Vì tôi đã đến hai lần, họ cứ nói chờ. Cho nên lần này tôi chỉ đi ngang qua. Nhưng cậu bé ở trong nhà lúc tôi đi qua, cậu bé biết tôi đi ngang qua bèn nói với cha mẹ cậu, "Cha mẹ không cho phép con xuất gia. Cha mẹ thấy đó, thầy của con đi qua làng mà không ghé vô nhà chúng ta. Con cảm thấy như bệnh của con sắp tái phát.” Người cha an ủi, "Con đừng lo lắng. Nếu bệnh tái phát, thì con cũng sẽ khỏe lại trong vài ngày. Con đừng sợ! ”

Hôm đó là ngày 23 tháng 12 âm lịch. Tôi trở lại và đi ngang qua ngôi làng đó một lần nữa vào ngày 27 tháng mười hai. Vào ngày 26, cha cậu đến chùa, cố gắng tìm tôi để bày tỏ việc cho phép con trai xuất gia. Bởi vì con trai ông lại trở bệnh nặng, nên cần xuất gia. Thật kỳ lạ, khi người cha đến chùa, thì linh hồn của đứa con cũng đi theo cùng. Thân thể cậu bé thì ở nhà, nhưng linh hồn cậu bé thì đi cùng với cha vào chùa. Cậu biết ai là Hòa Thượng trụ trì, chỗ ở của chư tăng, và những ngôi nhà trông như thế nào, v.v.

Khi người cha trở về nhà, cậu bé nói với cha, "Con đã đến chùa với cha hôm nay và đã thấy cái này, cái kia ..." Cha cậu bé nói, "Tại sao cha không thấy con?" Cậu bé trả lời, “Cha không nhìn thấy con nhưng con đã nhìn thấy cha. Con ở ngay phía sau cha." Vào ngày 27, khi trong căn phòng mờ tối không ánh sáng, cậu bé ngồi trong tư thế kiết già và nói với cha cậu, “Cha ơi, làm ơn thắp đèn lên để xem con có ngồi ngay thẳng không?” Khi cha cậu thắp đèn lên để xem thì cậu bé đã chết ngồi trong tư thế kiết già.

Tại sao tôi nói về điều này? Vì những người tuổi trẻ tu Đạo thì rất dễ dàng thành công. Trong quá khứ tôi đã có kinh nghiệm, tôi đã từng gặp trường hợp như vậy.

Bởi vì họ không nghe lời, rồi sau đó con của họ đã qua đời. Mặc dù đứa trẻ đó đã chết, nó vẫn sẽ trở thành một nhà sư trong đời tương lai và làm hòa thượng. Cậu ta trông giống hệt một nhà sư, với đôi tai to, mũi to và các đường nét hoàn hảo trên khuôn mặt. Vì vậy, ngay khi tôi nhìn thấy cậu bé, tôi đã xin cha mẹ cậu bé cho cậu xuất gia. Lúc cậu bé bị bệnh, cha mẹ cậu bằng lòng rời xa cậu bé cho cậu bé đi xuất gia. Khi cậu bé lành bệnh rồi, họ không buông xả cậu bé được. Do vì họ xả không được nên cậu bé chết. Nếu lúc đó họ cho phép cậu xuất gia, thì bây giờ cậu chắc khoảng bốn mươi mấy tuổi. Cậu sẽ đóng góp rất nhiều cho Phật giáo.

Quý vị hiện nay là tuổi trẻ nên nỗ lực nghiên cứu Phật pháp. Nghiên cừu những gì? Tôi chủ trương là mỗi quý vị nên hết lòng tận lực nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm khai mở trí tuệ và nếu hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, quý vị có thể thâm nhập thông hiểu hầu hết Phật pháp. 

Đặc biệt là Chú Lăng Nghiêm thật không thể nghĩ bàn được. Có một cư sĩ là Kim Trung, người thích suy nghĩ hết điều này đến điều kia; dường như anh ta có vô tận vấn đề cần suy nghĩ. Tuy nhiên, không cách nào anh ta có thể hiểu hết về Chú Lăng Nghiêm. Quý vị suy nghĩ thế nào cũng không thể thâm nhập hiểu rõ Chú này. Vì sao? Vì chú này có một sức mạnh không thể nghĩ bàn được.

Trong Phật giáo, Chú Lăng Nghiêm còn được gọi là Linh Văn. Vì sao gọi là Linh Văn? Bởi vì vi diệu không thể diễn đạt hết bằng lời (1). Chú Lăng Nghiêm này thì có nói ra cũng không thể đầy đủ được. Nếu mỗi người chúng ta có thể trì tụng thần chú này đến mức thuộc lòng, thì có 84.000 vị Bồ tát Kim Cang Tạng thường luôn bảo vệ chúng ta. Do đó, Chú Lăng Nghiêm là chú vi diệu nhất nhưng cũng là chú dài nhất với hơn 2,300 ký tự - vào khoảng 2,320 ký tự.

Những người trẻ tuổi nên phát tâm học Chú Lăng Nghiêm và đọc tụng Kinh Lăng Nghiêm cho đến khi có thể tụng thuộc lòng cả kinh và thần chú từ trí nhớ. Một khi quý vị làm được điều đó, là quý vị đã xây dựng một nền tảng tốt đẹp để nghiên cứu Phật pháp.

 


Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ:

妙不可言

Diệu bất khả ngôn.

 

Đức Phật có khi nào lường gạt quý vị không?

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/448/vbs448p024.pdf

 

Nếu quý vị có câu hỏi, hãy nêu ra và chúng ta có thể bàn luận. Hãy viết câu hỏi lên bảng đen.

 

Hỏi: Tại sao càng ngày càng có nhiều người bị bệnh? Có phải là vì nghiệp chướng nặng nề của họ?

Hòa Thượng: Là vì có quá nhiều sát sanh đang xảy ra.

Hỏi: Nhưng dường như hiện nay đâu có sát sanh nhiều lắm đâu?

Hòa Thượng: Ồ, người ta không tạo ra nghiệp sát nữa à? Ai hỏi đó? Có phải là ông không? Có phải ông nói chuyện đó là giả sao?

Hỏi: Con không biết rõ!

Hòa Thượng: Thế là sao? Ý ông nói là Đức Phật không công bằng? Bồ Tát không công bằng? Hay là Diêm Vương không công bằng, không bình đẳng?

Hỏi: Ý của con là nếu như sự đầu thai trong sáu nẻo luân hồi là có thật, những người làm ác chắc chắn sẽ đọa vào ba đường ác. Giờ đây, dân số loài người càng ngày càng tăng, tuy nhiên có rất nhiều người làm điều ác, tại sao loài người vẫn còn đông như vậy? Con vẫn chưa hiểu có bao nhiêu việc ác của những người đọa địa ngục đã làm?

Hòa Thượng: Khoan hỏi về các việc ác người ta đã làm nhiều hay ít. Hãy xem lại những niệm của quý vị. Quý vị khởi vọng tưởng, trong số các vọng tưởng đó thì vọng tưởng thiện nhiều hay vọng tưởng ác nhiều? Hãy tự mình tính sổ với sự luân hồi sanh tử trong sáu đường của chính mình như thế nào?

Người hỏi: Không giống nhau.

Hòa Thượng: Tôi đã nói cho quý vị nghe nhiều lần là con người như là quái vật vậy. Họ rất là kỳ quặc. Nếu quý vị bảo người ấy làm việc thiện, anh ta sẽ không nghe lời. Nhưng không ai dạy làm điều ác, mà anh ấy vẫn cứ làm. Xem người Mỹ chẳng hạn. Khi quý vị dạy họ Phật pháp, thì khó còn hơn lên trời. Còn hút ma túy, quý vị không cần dạy họ mà ai cũng biết cả. Đây là một ví dụ.

Luân hồi trong sáu đường sanh tử là có thật, không sai. Số người làm việc ác càng ngày càng tăng. Khi họ đọa vào ba đường ác, họ sẽ không gởi điện tín cho quý vị nói rằng: "Bạn cư sĩ chí thân ơi, tôi đã rơi vào ba đường ác rồi!", quý vị thấy có đúng không? Tại vì người này không còn quyền tự do để đánh điện tín, gọi điện thoại hay viết thư. Cho nên ngay cả lúc người đó đọa vào ba đường ác, quý vị sẽ không biết gì cả.

Làm thiện quả báo thiện, làm ác quả báo ác (1), chúng ta gặt hái những gì chúng ta gieo trồng. Luật nhân quả không hề sai một ly. Quý vị tuyệt đối không được nghi ngờ về luân hồi sanh tử, nếu còn nghi thì quý vị không cần học Phật pháp. Nếu quý vị tin vào Đức Phật, Phật dạy về sáu nẻo luân hồi. Đức Phật có khi nào lường gạt quý vị không? Ngài có cần chế ra những danh từ giả mạo để dối gạt quý vị không? Không. Chỉ do quý vị với con mắt của người trần (phàm phu nhục nhãn) không thể thấy được. Không có con mắt Pháp để thấy được.

Không cần nói xa vời, cách đây 500 năm nếu quý vị nói với người nào đó rằng có một nước Mỹ rất giàu có, có đầy vàng, có núi vàng, đất đai vô cùng phì nhiêu màu mở, không có người sống ở đó, thì sẽ không ai tin quý vị. Tuy nhiên, Ông Columbus đã khám phá ra lục địa mới này, mới biết có nước Mỹ này. Trước khi đó, chúng ta không biết có nước Mỹ, không phải là nước Mỹ không có tồn tại. Chỉ là chúng ta chưa nhìn thấy nó, cho nên chúng ta nghĩ là nó không có. Tuy nhiên đâu phải sau khi ông Columbus khám phá ra Tân lục địa thì mới có nước Mỹ. Tại sao chúng ta hiện tại nói là có nước Mỹ? Là tại vì chúng ta có thể nhìn thấy nó bằng chính mắt của mình. Nguyên tắc này cũng có thể áp dụng với Lục Đạo? Tại vì quý vị chưa có Ngũ nhãn và Lục thông, quý vị mới không tin là có Lục đạo. Nếu quý vị có được thần thông thì Lục đạo có thật rất rõ ràng trước mắt quý vị. Quý vị hoàn toàn sẽ không bị lừa. Tuy vậy, do quý vị không có các loại thần lực này, không có ngũ nhãn lục thông nên quý vị nhìn mà vẫn không thể thấy điều này được. Quý vị không thể nói là Lục đạo không có chỉ vì mình không nhìn thấy, giống như là không thể nói nước Mỹ là không có vì chưa có ai tìm thấy nó. Ông nghĩ thế nào?

Hỏi: Con muốn hỏi là nếu luân hồi sanh tử trong Lục đạo là thật thì khi người ta làm việc ác, họ chắc chắn rơi xuống ba đường ác (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) và dân số loài người phải giảm đi. Có nhiều người làm ác mà sao loài người trên thế giới vẫn còn đông đúc như vậy?

Hòa Thượng: Tôi sẽ chưa trả lời câu hỏi của ông liền mà để tôi trước tiên hỏi ông một câu đã. Con người nguyên thủy là từ đâu đến? Loài người đã có trên thế gian này ngay từ ban đầu? Nếu vậy thì họ từ đâu ra? Nếu như không có người sinh sống trên trái đất thì con người đến từ đâu? Hiện giờ có rất nhiều người nhưng khoan nói về vấn đề này đã. Ngược lại hãy nói về lúc mà loài người chỉ có rất ít. Nếu quý vị nói khi ban sơ loài người chưa có tại đây, thì tại sao họ lại xuất hiện sau này? Còn nếu quý vị nói loài người có mặt ngay từ ban đầu, vậy họ từ đâu đến?

Người ta hay hỏi "Con gà có trước hay là trứng gà có trước"? Nếu quý vị cho là trứng gà có trước, vậy không có gà trước thì làm thế nào có trứng gà đó được ? Nếu quý vị nói con gà có trước, rồi sau mới có trứng gà. Nhưng gà là phải từ trong trứng mà ra, nếu không có trứng thì làm sao có gà ? Nếu quý vị nói "Còn loài người thì sao"? Tôi sẽ hỏi lần nữa, "Tất cả người nam trên thế giới này là do phụ nữ sanh ra. Nếu không có đàn ông thì làm sao phụ nữ có thể có con?

Quý vị hãy tự hỏi! Lúc đó, nếu người nam có trước thì họ làm sao được sanh ra? Về việc dân số loài người quá đông đúc như ông nói, chúng ta hãy tạm không bàn tới. Hãy tìm hiểu về xuất xứ của loài người vào thuở ban sơ. Nếu quý vị biết loài người làm sao có lúc ban đầu, và con gà từ đâu đến thì vần đề ông nêu ra sẽ được giải quyết.

Còn về luân hồi sanh tử trong lục đạo, lý thuyết này rất d không khó cả. Lục đạo là sáu pháp giới phàm phu trong số mười pháp giới mà Đức Phật đã nói ra, và bốn pháp giới kia là của bậc Thánh. Sáu pháp giới đó là nơi phàm phu chúng ta đầu thai. Ông hỏi là tại sao vẫn có quá nhiều người trên thế gian này? Là vì con số loài người không cố định, cho nên mới gọi là chúng "sanh". Con số đó có thể tăng hay giảm. Khi người này ra khỏi đây đi đầu thai nơi khác thì cũng có người từ chỗ khác về đây đầu thai. Bây giớ tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông. Thí dụ -như ông nói- là rất nhiều người rơi vào ba đường ác. Nhưng ông cũng phải biết là có những người trước kia rơi vào ba đường ác, nhưng họ không ở đó vĩnh viễn. Có những người đọa vào ba ác đạo nhưng cũng có những chúng sanh có cơ hội thoát ra được các ác đạo. Số người đọa vào ba đường ác khá lớn nhưng số người thoát ra các ác đạo cũng không nhỏ. Vì vậy con số nhân loại trên thế giới càng ngày càng tăng. Ông hỏi loài người đến từ đâu, họ đến từ nhiều nơi. Quý vị thấy người Trung Hoa có nhiều sắc tộc và người ngoại quốc cũng có nhiều sắc tộc vậy. Thí dụ nếu có 10.000 người rơi vào ba đường ác, làm sao quý vị biết được là có bao nhiêu người đang ở trong ba đường ác trả xong nghiệp báo của họ? Khi trả xong nghiệp báo, có thể là 20.000 người được thoát ra nơi đó. Với đà này tất nhiên dân số sẽ gia tăng ngày này qua ngày khác. Đây là ý kiến của tôi, còn quý vị nghĩ sao? Ông đã hiểu chưa? Hiểu rồi? Vậy thì vấn đề của ông đã được giải quyết.

Hỏi: Thưa Hòa Thượng, ở đây có một cô sinh viên hơi nhút nhát. Cô muốn hỏi là chúng ta làm sao có thể giúp người không tin Phật giáo thành tâm tin vào Phật giáo? Chúng ta cần làm cách nào cho đúng?

Hòa Thượng: Quý vị phải tự mình làm gương mẫu. Quý vị phải hành xử tốt và có một tư cách đạo đức, tự nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến người khác, khiến họ sanh tín tâm.

Hỏi: Bản thân con tin vào đạo Phật, tuy nhiên, con làm cách nào khiến cho họ cũng có niềm tin vào Phật pháp giống như con?

Hòa Thượng: Chính là biểu hiện qua lời nói phải trung tín, hành vi phải cung kính (2). Khi quý vị nói, thì không nói dối, như vậy là biểu hiện ra. Quý vị không sát sanh, như là người ăn chay không ăn thịt cá cũng là một cách biểu hiện. Không trộm cắp, không lấy những đồ vật của người khác nếu không được cho phép, đó cũng là một cách biểu hiện. Không tà dâm là điều tối quan trọng. Nếu quý vị có thể giữ các quy củ này, tự nhiên người ta sẽ có ấn tượng tốt đối với quý vị. Không nói dối, không lường gạt kẻ khác, không uống rượu, không hút thuốc và không xài các loại ma tuý, thuốc phiện. Tất cả đều là những biểu hiện tốt này sẽ ảnh hưởng người khác khiến họ sanh lòng tin.

Hỏi: Theo lời dạy của Hoà Thượng, chúng con nên tự mình tu hành. Tuy nhiên, người ta hay chỉ trích con là khác với họ, là bất bình thường. Con phải làm sao với chuyện này? Không những họ không tin mà lại còn phỉ báng nữa.

Hoà Thượng: Không cần tranh cải lý luận với họ. Chỉ cần kiên trì giữ ý chí làm những gì mình cần làm thì sau một thời gian họ tự nhiên phải chịu thua.

Hỏi: Xin đa tạ Hòa Thượng !

 


Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) 善有善報,惡有惡 報

Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.

 

(2) 言必忠信,行必篤敬

Ngôn tất trung tínhành tất đốc kính.

 

 

 

Mỗi người trong quý vị đây đều có đầy đủ trí huệ và đều có Phật tánh

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/449/vbs449p022.pdf

 

Hỏi: Pháp sư khuyến khích tất cả chúng con đọc và nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm. Tuy nhiên, cô này nói thứ nhất là cô không biết làm sao để nghiên cứu kinh này, thứ hai là kinh này giải thích điều gì?

Hòa Thượng: Nếu quý vị muốn biết nguyên lý kinh sách này diễn giải thế nào thì quý vị nên nghiên cứu nó. Nếu quý vị không muốn biết thì không cần phải hỏi gì cả.

Hỏi: Con có vài câu hỏi mà có thể không thích hợp lắm. Con thấy phần giới thiệu kinh Lăng Nghiêm của Pháp Sư thật là một cách rất hay để giới thiệu kinh. Tuy nhiên,con phân vân muốn biết tại sao Hoà Thượng không giới thiệu kinh Kim Cang hay Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh mà chỉ giới thiệu kinh Lăng Nghiêm?

Hòa Thượng: Chúng ta đã nói về kinh Lăng Nghiêm tối hôm qua. Khi Phật pháp sắp diệt vong thì kinh Lăng Nghiêm sẽ là kinh đầu tiên bị biến mất. Khi kinh này biến mất thì tất cả ma quỷ và yêu quái sẽ xuất hiện trên thế giới. Trong kinh Lăng Nghiêm có thần chú Lăng Nghiêm trong đó có năm bộ cai quản năm đại ma quân trên thế giới. Ngay khi thần chú được đọc tụng, năm đại ma quân sẽ thuần phục. Nếu không ai trì tụng chú Lăng Nghiêm, thế giới sẽ bị diệt vong và hậu quả thì không thể tưởng tượng được - tất cả yêu ma quỷ quái đều xuất hiện trên thế gian. Hiện tại, người ta không nhìn thấy, không nghe thấy chúng và chúng không dám xuất hiện chính là do sự tồn tại của thần chú Lăng Nghiêm trên thế giới. Bất cứ nơi nào có chú Lăng Nghiêm và trì tụng chú Lăng Nghiêm thì ở đó không có quỷ và yêu quái nào dám lộ diện.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai là Đức Phật dạy chúng ta diệt bỏ tất cả Tham, Sân, Si bởi vì đó là tam độc. Thế mà chính Đức Phật cũng tham lam. Tại sao như vậy? Ngài đã thành Phật vì lòng tham.

Hòa Thượng: Tại sao ông lại nói Đức Phật tham lam?

Hỏi: Vì khi Đức Phật nói: “Nếu chúng sanh chưa thành Phật, tôi sẽ không thành Phật.” Đó là một loại lòng tham.

Hòa Thượng : Mỗi quý vị ở đây nghĩ gì về ý kiến của ông ấy? Quý vị cũng có thể bắt chước loại tham lam này.

Hỏi: Cảm ơn Pháp Sư. Tuy nhiên, con nghĩ tham lam thì hơi nguy hiểm. Một người nào đó có thể nói: “Tôi vì lợi ích mọi người, không phải vì bản thân tôi. Tôi làm điều đó vì dân tộc tôi.”, như Hitler và một số người nổi tiếng khác trên thế giới nói.

Hòa Thượng: Điều đó phụ thuộc vào việc quý vị có Trạch Pháp Nhãn hay không. Nếu quý vị có con mắt lựa chọn Phật pháp, quý vị sẽ tự nhiên biết điều gì đúng và điều gì sai. Nếu quý vị không có con mắt lựa chọn Phật pháp, quý vị tất nhiên sẽ có sự lẫn lộn giữa Thiện và Ác.

Một Pháp Sư khác hỏi: Tôi xin lỗi. Tôi nghĩ rằng người hỏi câu này đã không hiểu rõ khái niệm về Lòng tham và Lời nguyện. Chúng là hai vấn đề khác nhau. Quý vị không thể đặt “ lời nguyện" bên cạnh “lòng tham” và so sánh chúng một cách tùy tiện. Trước hết quý vị phải hiểu thuật ngữ cho rõ ràng. Nếu quý vị vẫn còn thắc mắc thì cứ việc hỏi. Nếu không, quý vị sẽ lãng phí thời gian vì chúng tôi vẫn còn nhiều câu hỏi từ những người khác. Một điều quý vị đề cập đến là Lời nguyện và điều khác là Tham lam. Đừng trộn lẫn cả hai với nhau.

Hoà Thượng: Quý vị phải giải quyết vấn đề của mình bằng cách đi thẳng vào nguyên nhân và gốc rễ của nó. Các ngôn từ và cụm từ không giải thích được điều này. Cuối cùng rồi quý vị cũng sẽ hiểu nó trong tương lai.

Hỏi: Thưa Pháp sư, một sinh viên ở đây hỏi rằng liệu “Cổ (蠱 – loại chất độc côn trùng có nguồn gốc từ những con côn trùng sống sót sau khi chiến đấu với các loài côn trùng khác và được sử dụng để luyện bùa) có thật sự tồn tại trên thế giới hay không. Tại sao lại có rất nhiều người chính họ đã kinh nghiệm về điều này? Quan điểm của Phật giáo như thế nào về những bùa thuật từ chất độc côn trùng này? Tại sao chúng ta lại để cho việc xấu xa này tồn tại?

Hoà Thượng: Trên thế giới này, có muôn vàn sự việc kỳ lạ. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và mọi thứ đều hiện hữu. "Trời đất bao la, bốn biển rộng lớn, không chuyện kỳ lạ nào mà không có” (1). Nhưng nói tóm lại, con người chúng ta cần phải có chánh tâm. "Chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (2) (giữ tâm chánh trực, tu dưỡng đạo đức bản thân, điều hành gia đình êm đẹp, cai quản làm quốc gia an bình, thì thế giới sẽ yên bình.) Khi tâm chúng ta ngay thẳng và chính trực, các bè phái xấu ác ngoại đạo (bàng môn ngoại đạo) sẽ không thể quấy rầy chúng ta. Nếu một bùa ngải nào đó được sử dụng nhắm vào quý vị mà có hiệu lực, đó là do tâm của quý vị không chính trực nên quý vị có thể bị ảnh hưởng bởi tà thuật. Khi tâm của quý vị không chính trực, những tà thuật như vậy mới ảnh hưởng đến quý vi. Nếu tâm quý vị ngay thẳng thì như câu "Tà không thể thắng Chánh", bùa ngải gì cũng không có hiệu quả. Đặc biệt, tôi vừa đề nghị quý vị nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm và trì tụng chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị có thể trì tụng chú Lăng Nghiêm, thì không có bùa ngải nào có hiệu quả; bùa ngải trở thành vô dụng. Thần chú Lăng Nghiêm có thể phá thủng các lưới ma, có thể phá bỏ các loại bùa chú của bàng môn ngoại đạo. Sức mạnh của thần chú này là không thể nghĩ bàn. Nếu quý vị không muốn gặp rắc rối bởi bùa ngải, chú trùng độc, quý vị nên trì tụng chú Lăng Nghiêm. Như tôi có nói với quý vị rồi, nếu quý vị có thể thành tâm đọc tụng niệm chú Lăng Nghiêm này, thì có 84.000 vị Bồ tát Kim Cang Tạng sẽ đến bảo vệ quý vị.

Và nên thường niệm danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm. Phẩm Phổ Môn có nói:

"Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền được ly dục.

Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền được lìa lòng giận.

Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền được lìa ngu si." (3)

Cư sĩ họ Hoàng đã nói rằng tất cả mọi thứ đều là một hình thức của tham lam. Bất kể có tham lam hay không, nếu quý vị có thể thường xuyên trì niệm Quán Thế Âm Bồ tát, thì dù là vấn đề gì cũng sẽ được giải quyết.

Hỏi: Pháp sư vừa nói đến tụng chú Lăng Nghiêm. Thế thì chúng con nên tụng niệm chú Lăng Nghiêm khi nào?

Hoà Thượng: Không phải khi nào lễ bái trước chư Phật thì mới tụng được chú Lăng Nghiêm. Trong những lúc bình thường như khi đi, đứng, nằm, ngồi, đều luôn có thể trì tụng thần chú Lăng Nghiêm này. Khi trì tụng chú Lăng Nghiêm, quý vị sẽ không có những tạp niệm trong đầu. Khi quý vị niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, quý vị cũng sẽ không còn những tạp niệm nữa. Trì niệm chú Lăng Nghiêm sẽ giúp quý vị đạt được Tam Muội, Tam Muội chính là Chánh Định, Chánh Thọ, chính là làm cho quý vị tâm không tán loạn, những tạp niệm không còn nữa.

Hỏi: Con không hiểu hoặc không biết cách trì tụng chú Lăng Nghiêm. Tuy nhiên, thần chú Đại Bi và Mười Tiểu Chú cũng có trong thần chú Lăng Nghiêm, vậy thì chúng con có thể tụng những chú này thay cho thần chú Lăng Nghiêm được không?

Hoà Thượng: Thần chú Đại Bi và Thập Tiểu Chú không phải thuộc về chú Lăng Nghiêm. Nhưng mà các chú này là một phần của việc trì tụng hàng ngày vào buổi sáng. Các chú này không thuộc về thần chú Lăng Nghiêm. Trong Thần chú Lăng Nghiêm có năm hội. Năm hội tương ứng với năm bộ : Phật Bộ, Liên Hoa bộ , Bảo Sanh Bộ, Kim Cang Bộ, Yết Ma Bộ. Năm bộ này cai quản năm phương. Quý vị vừa mới đề cập rằng mình không biết làm thế nào để tụng niệm chú này. Thế thì quý vị có thể dành thời gian để học. Lúc đầu thì không ai biết làm thế nào để tụng niệm. Chẳng ai sinh ra đã biết niệm thần chú Lăng Nghiêm này. Nếu ai đó có thể tụng niệm chú này từ khi sinh ra, người đó ắt phải là một vị Bồ tát. Nếu quý vị không biết, quý vị nên học. Không thể nói là nếu không biết thì không học. Người ta đi học chính là vì người ta chưa tốt nghiệp. Nếu như nói tôi không học nhưng tôi muốn tốt nghiệp, là chuyện không thể có được.

Hỏi: Có phương pháp nào dễ dàng mà Ngài có thể dạy chúng con loại bỏ tham, sân, si không? Xin Ngài hãy chỉ bảo và hướng dẫn chúng con để chúng con có thể dễ dàng loại bỏ Tham, Sân, Si.

Hoà Thượng: Chỉ cần siêng năng tu Giới, Định, Huệ. Nếu quý vị siêng tu Giới, Định, Huệ, chính là đối trị Tham, Sân, Si. Không cần phải tìm kiếm các pháp môn khác. Trì giới tinh nghiêm, tu Định, tu Huệ, đây chính là phương pháp diệt trừ tham, sân và si. Quý vị siêng tu Giới, Định, Huệ chính là diệt trừ Tham, Sân, Si, không cần phải tìm kiếm phương cách khác. Nếu tìm phương pháp từ bên ngoài, thì giống như quý vị đang có đầu lại thêm một cái đầu lên trên đầu nữa. Giới, Định và Huệ chính là phương thuốc chữa trị Tham, Sân, Si.

Hỏi: Thưa Pháp sư, một sinh viên hỏi là nếu như một người xuất gia còn nổi nóng thì có được không?

Hoà Thượng: Một người xuất gia vẫn còn là phàm phu. Người ấy chưa phải là Phật, Phật thì không có tánh nóng. Đối với những người xuất gia chưa chứng quả, tánh nóng càng lớn thì càng tốt (4). Tại sao quý vị lại nghĩ rằng một người xuất gia không nên nóng tánh?

Hỏi: Con xin lỗi Pháp sư. Có lẽ Ngài nghĩ con đã hỏi câu này.

Hoà Thượng: Câu hỏi này không phải từ người khác. Tôi tin là của ông. Nhưng để tôi nói cho ông nghe. Người xuất gia cũng là con người. Vì họ chỉ là phàm phu và chưa chứng quả nên dĩ nhiên là họ vẫn còn nóng giận. Thậm chí ngay cả các Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn một phần sanh tướng vô minh chưa phá được, vẫn còn một phần nhưng rất nhỏ. Họ không nổi nóng nhiều nhưng vẫn còn một chút. Ngoài ra, quý vị cư sĩ nên tôn kính Tam Bảo và không soi mói những lỗi lầm của Tam Bảo. Quý vị nên hồi quang phản chiếu bản thân mình và nghĩ rằng lý do Phật giáo không được hưng thịnh cũng là trách nhiệm của mình.

Quý vị không nên luôn nhìn vào những sai lầm của người xuất gia. Không phải tôi đã nói rồi sao? Quý vị đang hành động như một cái gương soi chiếu người khác. Việc quý vị liên tục chỉ trích người khác mà không nghĩ chính mình là sai. Mọi người nên hồi quang phản chiếu bản thân mình. Đừng bận tâm đến công việc và các vấn đề của người xuất gia. Các vấn đề của người xuất gia sẽ do người xuất gia quản lý. Nếu những người xuất gia không quản lý các vấn đề của họ, đó là do việc quản lý của họ không hoàn hảo. Quý vị không thể nói đó là lỗi của những người xuất gia.

Hỏi: Trong Tam Bảo gồm có Phật, Pháp và Tăng, những người xuất gia là một viên ngọc đại biểu cho Phật giáo. Tuy nhiên, nếu viên ngọc này không biểu hiện được chất lượng quý giá của mình thì nó chỉ giống như một đồ vật bình thường.

Hoà Thượng: Quý vị không nên không nhìn thấy những ưu điểm của người xuất gia và thường xuyên nhìn vào lỗi lầm của họ.

Hỏi: Thưa Pháp sư, con người trên thế gian thật kỳ lạ...

Hoà Thượng: Tôi biết ông đồng ý với những gì tôi đã nói. Vì vậy, tôi không lập lại nữa.

Đạo Phật mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại trên thế giới. Tại sao? Từ vô lượng kiếp cho đến nay, một thời gian rất lâu dài, Đức Phật đã vì chúng sanh mà xả bỏ sanh mạng của mình, Ngài vì cứu độ chúng sanh mà không tiếc thân tâm tánh mạng của mình. Vì vậy, không có một nơi nào dù nhỏ bé như một hạt bụi nhỏ trên thế gian này mà chư Phật trong quá khứ đã không từng xả bỏ thân mạng của họ để cứu độ chúng sanh. Tại thế giới Ta Bà này, trước khi Đức Phật ra đời thỉ giống như đêm đen không một chút ánh sáng. Tại sao nói không có ánh sáng? Đó là do con người điên đảo, không nhận thức chân lý. Không có người nào giác ngộ chân chánh để cho chúng ta biết chân lý này. Khi Đức Phật đản sinh, Ngài vốn là một hoàng tử, là người thừa kế chính thức ngôi vua, là người phú quý tột cùng. Tuy nhiên, Ngài đã không hưởng thọ phú quý này; Ngài đi đến núi Tuyết Sơn và tu Đạo.

Người ta thường nói: “Phú quý khó tu đạo, bần cùng khó bố thí " (5). Khi người ta rơi vào cảnh nghèo túng, muốn bố thí một chút cũng không dễ dàng gì. Còn đối với người phú quý thì bố thí là việc dễ dàng, nhưng bảo họ tu hành thì không dễ dàng. Quý vị bảo họ ăn chay hoặc trì niệm danh hiệu Phật, hoặc lạy Phật, thì họ không thích những việc này. Tại sao? Bởi vì người này cho rằng mình không thiếu thứ gì, và khi chẳng thiếu thứ gì thì không cần thiết phải tu hành. Tại sao người này lại phú quý trong đời này? Tại sao người này không thiếu thứ gì cả? Đó là do đã tu trong các kiếp trước. Do đời trước có tu hành nên đòi nay được phú quý.

Trong Kinh Tam Thế Nhân Quả (Kinh Nhân Quả Ba Đời) có nói: “Đời nay phú quý do nhân gì?” Vì sao sanh ra kiếp này được phú quý? “Do kiếp trước cúng trai tăng và giúp đỡ người nghèo khổ.” Kiếp trước cúng dường trai tăng, cứu giúp kẻ nghèo, nên kiếp này được vinh hoa phú quý. “Đời nay nghèo hèn do nhân gì?” Vì sao lại nghèo hèn trong kiếp này? Do nhân gì? Bởi vì "Kiếp trước không giúp đỡ những người nghèo khổ."

Nói đến đây làm tôi nhớ đến một câu chuyện này. Có một người chết đến gặp vua Diêm Vương . Vua Diêm Vương hỏi: " Ông muốn trở thành gì trong kiếp tới của mình?" Ông ta trả lời: "Tôi muốn được tái sinh làm người một lần nữa." “ Ông vẫn muốn trở thành một con người à? Và ông muốn ăn thức ăn của riêng mình hay ăn đồ của người khác? " Người này suy nghĩ: “Tự túc với thức ăn của mình không phải rẻ tiền đâu. Dùng thức ăn của người khác thì tốt hơn nhiều. Người đó bèn trả lời: "Tôi muốn ăn đồ của người khác.” Vua Diêm Vương liền nói, “Được rồi! Nếu ông muốn ăn thức ăn của người khác thì ông sẽ đi tái sinh ở Ấn Độ thành một người ăn xin.” Ấn Độ bây giờ có rất nhiều người ăn xin vì những người đó đều muốn ăn thức ăn của người khác. Với loại người nà, quý vị dạy họ bố thí thật không phải dễ dàng. Và có một người khác, Vua Diêm Vương cũng hỏi: " Ông muốn ăn thức ăn của ai trên thế giới?" Ông ta nghĩ rằng ăn uống đồ của người khác là không công bằng, mình nên tự mình kiếm ăn. Ông ấy bèn trả lời: "Tôi muốn tự kiếm thức ăn cho mình." Vì vậy, ông ta được tái sinh xuống thế giới làm người, tự lực cung cấp cho mình, tự lo không ngừng nghỉ mà không cần phải ỷ lại vào người khác. Mặc dù câu chuyện này nghe như chuyện đùa vui, nhưng lại hàm ý những chân lý trong đó. Phú quý và bần cùng đều có nhân duyên.

Khi Đức Phật đến thế gian này, thì cũng giống như trái đất bây giờ có mặt trời. Vì vậy, chúng ta gọi là Phật Nhật - Mặt trời Đức Phật. Mặt trời mang lại lợi ích cho tất cả loài người. Tất cả sinh hoạt của mọi người đều phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời. Vì vậy, Đức Phật được ví như ánh sáng của mặt trời chiếu rọi mọi vật và soi sáng mọi bóng tối. Nhân loại chúng ta không còn bóng tối, đó chính là được ánh sáng mặt trời đích thực. Đó là “Phật Quang phổ chiếu” (5) - Ánh sáng của Phật soi chiếu khắp nơi. Mỗi người trong quý vị đây đều có đầy đủ trí huệ và đều có Phật tánh. Mỗi cá nhân chúng ta và Đức Phật đều giống nhau, đều có Phật tánh cùng khắp trong tất cả chúng ta. Những lợi ích mà nhân loại chúng ta nhận được từ chư Phật thật quá nhiều, nhưng chúng ta không có đủ trí tuệ nên không biết chư Phật đã làm lợi ích cho chúng ta như thế nào. Nếu Đức Phật không thị hiện trên thế gian này, thế giới cũng như toàn thể nhân loại có thể đã diệt vong từ lâu. Có Đức Phật xuất thế thì trong tương lai nhân loại cũng sẽ bị hủy diệt, nhưng sẽ trễ hơn.


 

Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) 天地之大 四海廣無 奇不有

Thiên địa chi đại, tứ hải chi quảng, vô kỳ bất hữu.

(2) Khổng Tử: 正心、修身、齊家、治國、平天下

Chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

(3) 若有眾生多於婬欲,常念恭敬觀世音菩薩,便得離欲;若多瞋恚,常念恭敬觀世音菩薩,便得離瞋;若多愚癡,常念恭敬觀世音菩薩,便得離癡。 

Nhược hữu chúng sanh đa ư dâm dục ,thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát,tiện đắc ly dục ;nhược đa sân khuể ,thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát ,tiện đắc ly sân ;nhược đa ngu si ,thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát,tiện đắc ly si 。http://dharmalib.org/UniversalDoorChapter_Reciting.htm

 

(4) Vì Hòa Thượng là một thiền sư nên có khi dùng uyển ngữ, vượt ra thói suy nghĩ thường để thức tỉnh người hỏi.

 

(5) 富貴修道難, 貧窮布施難.

Phú quý tu đạo nan, bần cùng bố thí nan.

 

(6) 佛光普照 - Phật Quang Phổ Chiếu.

 

 

 

 

Đức Phật dùng tâm từ bi nhiếp phục

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/450/vbs450p020.pdf

 

Nói về việc xuất gia, một vài người có thể nói, “Nếu tất cả mọi người đều xuất gia, thì mọi việc trong xã hội sẽ ngừng lại và nhân loại sẽ không còn tồn tại!”. Không cần phải lo về vấn đề này vì không phải tất cả mọi người đều tiến tới một cuộc sống tu viện. Ở Thái Lan, Miến Điện, và Tích Lan, mọi người được ủng hộ xuất gia, nhưng số lượng người thường vẫn nhiều hơn số tu sĩ. Những tu sĩ là một phần của Tam Bảo. Vì sao họ được gọi là Tam Bảo? Đó là vì họ là những người rất tôn quý – Phật, Pháp, và Tăng tất cả đều rất tôn quý. Vì sao? Đó là bởi vì có rất ít tu sĩ. Nếu tất cả mọi người đều xuất gia, Tăng sẽ không còn là Bảo nữa. Họ sẽ bị xem là phổ thông như đất sỏi, và điều này không tôn quý chút nào. Ví dụ như kim cương được xem là quý giá nhất thế giới bởi vì chúng hiếm có. Vàng cũng vậy. Độ hiếm của chúng làm gia tăng giá trị tiền tệ của chúng. Chính vì vậy, không phải tất cả mọi người sẽ xuất gia. Vì sao ư? Quý vị thấy đó, thế giới lộng lẫy này rất tuyệt vời và tràn đầy niềm vui. Mọi người nhảy disco trên sàn với một niềm vui rất lớn và ăn uống ở nhà hàng với một vẻ rất thích thú. Làm sao mà họ có thể buông bỏ đàn ông, phụ nữ, và những khoái cảm trên thế giới này? Đó là điều không thể làm được khi yêu cầu tất cả mọi người xuất gia.

Lấy thầy Hằng Cụ làm ví dụ: thầy Hằng Cụ không dám nói rõ lý do thầy xuất gia. Bây giờ, tôi sẽ nói cho quý vị biết vì sao thầy xuất gia. Lý do thầy xuất gia là vì thầy không còn chỗ nào để trốn khỏi bạn gái của thầy. Dù cho thầy đi đâu, cô ấy đều theo sau. Cô ấy thậm chí còn theo thầy đến chùa và xin được làm Sư Ni. Vì sao? Cô ấy không thể rời bỏ bạn trai của cô ấy được. Để tôi kể cho quý vị, ngay trước khi thầy Hằng Cụ xuất gia, bạn gái thầy đã theo đuổi thầy. Cô ấy có một chiếc xe mà cô ngủ trong xe đó mỗi tối. Bạn gái của thầy ấy có thần thông rất lớn. Bất cứ nơi nào thầy lui tới, cô ấy đều biết và đuổi theo thầy cho đến khi thầy không còn chỗ nào để đi tới trừ ngôi chùa. Cô ấy cũng đến chùa luôn. Anh trai của cô gái này là một cảnh sát, người này thường gọi điện cho em gái để thông báo về địa điểm của thầy Hằng Cụ. Cô ấy sau đó sẽ bám theo rất gắt gao. Lúc đó chúng tôi vừa mới dọn đến chùa Kim Sơn Thánh Tự.

Vì sao thầy Hằng Cụ lại không muốn giữ mối quan hệ với cô ấy? Thầy không thể chịu được thói quen hút thuốc, uống rượu và cái mùi của những thói xấu này. Thầy đến chùa và bày tỏ ý nguyện muốn được xuất gia. Thầy sống trong chùa từ đó. Bạn gái thầy nói với tôi là cô muốn được quy y tam bảo và cô đã quy y. Sau khi quy y, cô ấy muốn nhiều hơn vì cô ấy vẫn theo đuổi mục đính của cô. Cô ấy nói với tôi, “Thưa Hòa Thượng, con không còn nơi nào để sống. Và vì không ai ở dưới gầm cầu thang, con có thể sống ở chỗ đó được không? Ngài có thể từ bi và cho phép con ở lại đây cho thuận tiện được không?” cô ấy hỏi. Vì không có ai sống ở chỗ đó và chỗ đó có vừa đủ chỗ cho một người, tôi đáp lại, “Được rồi! Con có thể đến đây và ở lại!”

Lúc ban đầu, cô ấy nói cô ấy sẽ không dọn vào ngay, đến năm hoặc sáu ngày sau cô mới dọn vào. Bất ngờ thay, cô ấy dọn vào ngay đêm hôm đó. Không một ai biết từ khi nào cô ấy đã lẻn vào Chùa Kim Sơn Thánh Tự và ở đó. Cô ấy ở dưới gầm cầu thang và không chịu đi ra. Tôi ở tầng ba trong khi mọi người đều ở tầng hai. Cô ấy ở dưới gầm cầu thang của tầng một. Đêm đó vào khoảng 2 giờ sáng, tôi cảm nhận thấy có điều gì đó không ổn. Tôi hét to cho những người ở tầng dưới, “Mọi người ở tầng hai, nhanh lên và đi xuống tầng dưới. Có một con quái vật ở dưới đó. Có gì đó kỳ lạ đang diễn ra. Có hỏa hoạn!!!” Mọi người đều đang ngủ và thậm chí không mở mắt nổi. Họ nhanh chóng chạy xuống tầng dưới và thấy rằng nguyên cả tầng một tràn đầy khói. Có rất nhiều tấm gỗ được cất giữ dưới đó. Nếu những tấm gỗ này bắt lửa thì mười ngàn xe cứu hỏa sẽ không thể dập tắt đám cháy này vì toàn bộ tầng một chất đầy những tấm gỗ đó.

Khi thầy Hằng Cụ xuống tầng dưới để kiểm tra, thầy đã không thể nhìn thấy gì vì có quá nhiều khói, thầy phải dùng tay tìm lối đi cho đến khi thấy được ánh sáng. Thầy mở cửa và tìm thấy nguồn gốc hỏa hoạn. Cô bạn gái của thầy vẫn còn đang ngủ và ngáy. Thầy Hằng Cụ hét lớn, “Nhanh lên, dậy ngay! Dậy ngay! Cô sắp bị chết cháy đó!” Ngọn lửa đã lan tới rất gần đầu cô ấy. Mọi người dời chuyển những hòn than đang cháy xuống đất nơi không có những tấm ván gỗ. Không dập tắt lửa, thầy Hằng Cụ chạy xuống dưới cầu thang để đánh thức cô ấy vì cô vẫn đang ngủ. Vì sao cô vẫn ngủ? Cô đã hút thuốc trong lúc say và điếu thuốc đã làm tấm mền phủ nệm bắt lửa. Cô không biết tấm mền phủ nệm bắt lửa và tầng một tràn ngập khói! Cô không biết gì cả! Lúc tôi từ tầng ba đi xuống, tôi thấy rằng ngọn lửa vẫn đang cháy mạnh. Tôi nói rằng, “Hãy dùng nước dập lửa nhanh lên!” Mọi người liền ngay lập tức nhận ra điều gì đang xảy ra và liền dập lửa. Một tháng sau khi hỏa hoạn được dập tắt, tòa nhà đó vẫn còn ám mùi khói. Quả là một luồng khói rất mạnh! Đây là câu chuyện của thầy Hằng Cụ. Thầy không còn nơi nào khác để chạy đến nên đến chùa xuất gia. Thầy quá xấu hổ vì việc này nên không dám nói rõ.. Bây giờ, tôi đã tiết lộ câu chuyện của thầy.

 

 

Thầy Hằng Cụ, Hòa Thượng Tuyên Hóa và Thầy Hằng Do (mùa đông năm 1974 lúc đang hoằng pháp ở châu Á)

 

Hỏi: Vì chúng con trong quá khứ từng là quân nhân, từ tận đáy lòng, chúng con đều mong muốn không có chiến tranh. Chúng con phản đối việc giết người vì việc giết lẫn nhau đó thật tàn nhẫn. Đối mặt với chiến tranh hiện nay cũng rất tàn khốc. Làm thế nào mà chúng con có thể thuyết phục những người đó? Ví dụ như chúng con vì mục đích tự vệ, không cho kẻ địch đến xâm lược, chúng con phải đứng dậy và kháng cự. Và từ đó, chiến tranh nổ ra. Theo chúng ta thấy, hành vi chiến tranh rất đẫm máu và rất tàn bạo! Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề này? Từ căn bản, việc giết người là một tội ác. Dù vậy, trong những tình huống mâu thuẫn, nếu chúng con không tự đứng lên và kháng cự, là chúng con đầu hàng trước những kẻ xâm lược. Nhưng đầu hàng sẽ không làm thỏa mãn những tham vọng của họ. Trong tình huống khó xử này, chúng con nên dùng cách nào để tránh chiến tranh giữa loài người?

Hòa Thượng: Một mặt, chúng ta phải lo phòng ngự bảo vệ quốc gia. Mặt khác, chúng ta cần dừng việc giết hại. Đó là hai biện pháp. Trong bài “Văn Điếu Chiến Trường Xưa” có nói rất hay rằng, “Nên làm thế nào? Hãy phòng thủ bảo vệ chống lại những kẻ xâm lược trên biên giới của bốn hướng.” Điều gì nên làm? Quốc gia phải có trách nghiệm bảo vệ biên giới và ngăn chặn khỏi cuộc xâm lăng. Bên ngoài thì bảo vệ chống lại những kẻ xâm lăng từ bên ngoài, bên trong thì hạn chế hết sức việc sát sanh. Đây chính là những biện pháp. Luôn đề phòng trước những kẻ xâm lăng, nhưng không nên có ý niệm muốn hại người (1).

Hỏi: Là hạn chế tối thiểu việc giết hại …?

Hòa Thượng: Đúng.

Hỏi: Đối với ma, Đức Phật đã dùng phương pháp nào để đối phó với yêu ma?

Hòa Thượng: Ma đến hại Phật. Đức Phật dùng tâm từ bi nhiếp phục. Như khi Phật sau khi thành đạo, ma quỷ đến phá hoại Ngài. Ngài dùng từ bi tâm nhiếp phục chúng. Ngài nhập vào Từ Tâm Tam Muội.

Hỏi: Tam muội là gì?

Hòa Thượng: Định.

Hỏi: Có phải là Tam muội?

Hòa Thượng: Tam muội là tiếng Phạn.

Hỏi: Nói Tam muội, tức là đạt đến Định... Nếu không thể cảm hóa người đó được thì sao? Phải làm gì?

Hòa Thượng: Nếu không thể cảm hóa được người đó thì sẽ bị người đó cảm hóa. “Khi tánh trong Định, thì ma được điều phục, mọi ngày đều vui. Khi vọng niệm không khởi lên, mọi chốn đều bình an.” (2). Vì sao trong tự tánh lại có ma? Đó là lời vì tự tánh chưa có Định. Nếu tâm không tĩnh, thì tâm trôi nổi từ sáng đến tối giống như tâm cư sĩ họ Vương. Trong trường hợp đó, chắc chắn rằng những con ma không thể bị hàng phục. Những con ma sẽ xúi giục nghĩ về điều này điều kia. Tâm cần có định, thì sẽ không xảy ra những vấn đề như vậy. “Khi tánh trong Định, thì ma được điều phục, mọi ngày đều vui. Khi vọng niệm không khởi lên, mọi chốn đều bình an.” Vì sao đi đến chỗ nào cũng không thể cảm thấy bình an? Lý do là vì luôn khởi vọng niệm. Cái si tâm vọng tưởng, cái tâm điên cuồng dã tánh làm cho đi đến đâu cũng không thấy thoải mái, không được tự tại .

 


Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) ,

Phòng nhân chi tâm bất khả vô,

Hại nhân chi tâm bất khả hữu.

 

Không thể không có tâm đề phòng kẻ khác,

Nhưng không thể có tâm hại người

 

(2) 朝朝,

處處

Tánh định ma phục triêu triêu nhạc,

Vọng niệm bất khởi xứ xứ an.

 

 

 

Nếu Pháp tương ưng với cơ duyên của quý vị thì đây chính là Pháp đệ nhất

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/451/vbs451p020.pdf

http://www.drbachinese.org/vbs/publish/452/vbs452p018.pdf
 

Ngày 22 tháng 12 năm 1974 tại chùa Xá Lợi, Việt Nam.

Nam mô Thường trụ Thập phương Phật
Nam mô Thường trụ Thập phương Pháp
Nam mô Thường trụ Thập phươngTăng
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Nam mô Kim Cang Tạng Bồ tát

Chư vị thiện tri thức: bởi chúng ta đã gieo trồng pháp duyên từ vô thủy kiếp trước, nên nay chúng ta có thể tập hợp tại Phật Đường này và học Phật Pháp. Tôi không chỉ là người duy nhất nghiên cừu về Phật Pháp. Trên thực tế, rất nhiều người đã biết và nghe về Phật Pháp. Các đạo lý mà tôi chuẩn bị nói đây trong quá khứ có thể những người khác đã nói qua rồi. Cho dù có người đã nói qua các đạo lý này, thì có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc nói Pháp. Dù quý vị đã từng nghe trước đây, thì cũng sẽ không có hại gì để kiên nhẫn nghe thêm một lần nữa. Khi quý vị nghe thêm lần nữa, thì quý vị sẽ nhớ và hiểu hơn. Những ai trong số quý vị chưa từng được nghe thì có thể hiểu rõ về các đạo lý của Đạo Phật.

Những đạo lý này được nói ra từ chỗ nông cạn, rồi người ta có thể nhập vào chỗ thâm sâu. Từng chút một, quý vị sẽ lãnh hội được nhiều hơn. Cho dù trước đây quý vị đã từng nghe hay chưa, thì trước hết, quý vị cũng nên thanh tịnh tâm ý mình trước. Chỉ khi tâm ý thanh tịnh, quý vị mới có thể đón nhận được sự thấm nhuần và trưởng dưỡng của Phật Pháp. Nếu quý vị không làm thanh tịnh tâm ý mình và không có chút kiên nhẫn gì thì sẽ khó khăn cho quý vị có thể tiếp thọ được Phật Pháp.

Nói về Phật Pháp, ai đó sẽ hỏi câu hỏi, “Phật Pháp là gì?” Nếu quý vị muốn biết Phật Pháp là gì, thì quý vị cần phải hiểu cái gì không phải là Phật Pháp. Do quý vị không thể tìm ra được cái gì không bao gồm trong Phật Pháp, nên tất cả mọi sự vật trong trời đất, núi sông đại địa, nhà cửa, đường đi đều thuộc về Phật Pháp – y báo (môi trường) và chánh báo (thân của chúng ta) đều bao gồm trong Phật Pháp. Nếu chúng ta phân loại Phật Pháp, thì có 84,000 Pháp môn. Nếu chúng ta kết hợp những pháp môn này, thì chỉ có duy nhất Pháp từ Tâm ta, cái đó được phân thành: Tâm pháp có 8 loại, Tâm sở pháp có 51 loại, Sắc pháp (hiện tượng) có 11 loại, Bất tương ưng hành pháp có 24 loại, Vô vi pháp có 6 loại, tổng cộng là 100 Pháp (1). Nếu những pháp này được phân chia thêm, thì có 84,000 Pháp môn.

Cũng có người hỏi rằng, “Pháp môn nào là quan trọng nhất?” Trong 84,000 Pháp môn, Pháp môn nào cũng là quan trọng nhất. Thế thì Pháp môn nào đứng thứ hai? Chẳng có Pháp thứ hai. Có người không đồng ý với điều này và nói, “Có 84,000 Pháp môn; làm sao mà cả 84,000 Pháp môn đều là đệ nhất được? Cách nói này hoàn toàn sai. Bởi vì các con số vốn có thứ tự: một, hai, ba, và bốn. Nếu có số một, thì sẽ có số hai và cứ như vậy cho tới số 84,000”. Quý vị có thể nói lý thuyết của tôi không đúng, nhưng thực tế tôi có bằng chứng ủng hộ cho luận điểm của mình. Trong số 84,000 Pháp môn, mỗi một Pháp môn trong số đó đều là đệ nhất. Kinh Kim Cang dạy điều này rất rõ ràng, “Tất cả các Pháp đều bình đẳng. Không có Pháp cao hay thấp” (2).

Vì không có cao hay thấp, nên có phải mỗi Pháp đều là đệ nhất phải không? Quý vị lại nói, “Đây là những điều mà Kinh Kim Cang dạy. Khi gộp chung 84,000 Pháp môn lại, thì chúng không thể là đệ nhất”. Tuy nhiên, tôi nói rằng tất cả đó đều là đệ nhất, nhưng là ở trong bối cảnh mà chúng sanh có thể tương ưng với cơ duyên của mình. Một khi Pháp môn nào tương ưng với cơ duyên của mình, thì đó là Pháp môn đệ nhất. Nếu nó không tương ưng với cơ duyên của quý vị, thì Pháp đó không thể là đệ nhất. Tuy nhiên, quý vị cũng không thể nói Pháp môn đó là thứ hai. Bởi vì tất cả các Pháp đều bình đẳng, không cao thấp. Do đó, quý vị không thể xếp thứ tự cho các Pháp môn như là con số. Tất cả các Pháp môn đều có ý nghĩa rốt ráo và là Pháp vi diệu không thể nghĩ bàn, và cũng là đệ nhất. Vì vậy, nếu nó tương ưng với cơ duyên của quý vị, thì đó là đệ nhất Pháp.

Trong số 84,000 Pháp môn này, quý vị sẽ tìm được một Pháp môn phù hợp với cơ duyên của mình cho dù quý vị là ai. Tương ưng với cơ duyên của quý vị có nghĩa là nó có thể chữa lành bệnh của quý vị. Bất cứ đơn thuốc nào có thể chữa lành bệnh tật của quý vị thì đó là cái phương thuốc đệ nhất. Nếu không thể chữa lành bệnh, thì đó không thể là phương thuốc đệ nhất cho dù đó là phương thuốc tốt thế nào đi nữa. Tôi đang nói nếu Pháp tương ưng với cơ duyên của quý vị thì đây chính là Pháp đệ nhất.

Vì thế, không có sự cao hơn hay thấp hơn giữa các Pháp, tất cả các Pháp môn đều bình đẳng, thậm chí còn không có sự phân biệt giữa các Pháp thâm sâu hay nông cạn nữa. Người có trí thì tự thấy trí huệ; người nhân từ thì sẽ thấy lòng từ; người thâm sâu thì thấy chiều sâu và người nông cạn thì thấy sự nông cạn. Đó không phải là vì Pháp đó thâm sâu hay nông cạn. Mà chỉ vì tâm người phân biệt. Trong số 84,000 Pháp môn đều có 84,000 Pháp môn đệ nhất.

Điều tôi muốn nói tới hôm nay là đạo lý của nhân quả luân hồi. Vào buổi trưa hôm nay tại Trung Tâm Phật Giáo có một cư sĩ hỏi sự luân hồi trong Lục Đạo có thật sự có hay không. Bà ấy có một vài mối nghi ngờ về điều này vì bà ta chưa hiểu rõ ràng. Bà ta nói, “Nếu chúng sanh thật sự luân hồi trong Lục Đạo, thì tại sao mỗi năm lại càng có nhiều người tạo ác hơn như vậy? Nếu những người phạm tội bị sa vào ba đường ác đạo, thì tại sao chúng ta không thấy dân số thế giới giảm đi? Bà ta đưa lý do rằng bởi vì có nhiều người ác bị sa vào địa ngục, nên thế giới này tất nhiên sẽ bớt đi những người tạo tội ác”.

Câu trả lời của tôi lúc đó là, “Giả sử có 10,000 người vào trong địa ngục. Thì có thể có tới 20,000 người được ra khỏi ba đường ác; thậm chí còn có thể 100,000 hoặc 1 triệu người. Số người được thoát ra còn nhiều hơn số người bị đọa vào. Những người này nghĩ rằng vì họ đã thật sự trải qua sự thống khổ trong ba đường ác rồi, nên dù có tạo thêm nghiệp ác nữa thì họ nghĩ cũng sẽ không bao giờ phải chịu quả báo ba đường ác lần nữa. Vì thế họ lại tiếp tục tạo ác và thậm chí còn tạo ác nhiều hơn”. Đây là câu trả lời đơn giản của tôi.

Tôi muốn nhân cơ hội của Pháp hội này, kể một công án được nhiều người biết đến về một bậc cổ đức ở Trung Hoa, để chứng minh về luật nhân quả trong Lục Đạo. Để kể công án này, chúng ta cần phải đưa những suy nghĩ của mình ở hiện tại quay trở về triều đại nhà Đường. Nếu quý vị có thể dịch chuyển ý nghĩ của mình tới triều đại nhà Đường, thì quý vị có thể đặt mình vào chỗ của những người này và thật sự hiểu được điều gì đã xảy ra lúc đó.

Ai cũng quen thuộc với thời đại nhà Đường, thời đó có một bậc Thầy vô cùng trí huệ đã sinh ra ở Trung Hoa. Tên của vị ấy là Đại thiện trí thức Pháp Sư Huyền Trang. Ngài được thiên phú một đại trí huệ. Ngài quan sát thấy rằng các lý luận của Đạo Phật đương thời không giống nhau, và mỗi một tông phái thì có một giáo lý riêng cho dù đúng hay sai, họ không có bằng chứng hay chứng minh để bảo vệ cho những giáo lý họ dạy. Do đó, Đại Pháp Sư Huyền Trang đã phát nguyện đi từ Trung Hoa sang Ấn Độ để thỉnh Kinh cho dù đường xa vạn dặm. Tất cả quý vị đều biết rất rõ câu chuyện này cho dù quý vị sống ở Việt Nam.

Vào thời Đại Pháp Sư Huyền Trang phát nguyện sang Ấn Độ thỉnh Kinh, giao thông đi lại không thuận tiện chút nào. Không có máy bay, tàu hỏa, xe hơi hay xe buýt để đưa Ngài tới đó. Chỉ có duy nhất thuyền gỗ. Tuy nhiên, vị Thầy đại trí huệ này đã không sợ vất vả và Ngài đã đi bộ sang Ấn Độ. Đây là một hành trình dài và gian khổ, cùng với rất ít người cùng đi. Ngài đã chọn đường đi qua Siberia (Tây Bá Lợi Á). Trên đường đi, Ngài gặp một vị hành giả đang ngồi thiền và đã nhập vào định. Không biết là vị hành giả này đã ngồi như vậy bao lâu rồi. Chim làm tổ trên đầu vị ấy, bụi bám trên quần áo và mặt của vị ấy dày chừng 1 cm. Vị hành giả già này chắc hẳn đã nhập định.

Pháp sư Huyền Trang nhìn thấy người kỳ quái này, dường như là không thở. Biết rằng vị hành giả ấy chưa chết nhưng chắc hẳn đã hoàn toàn nhập vào trong Định, Pháp sư Huyền Trang mới thỉnh một tiếng chuông để phá vỡ sự tĩnh lặng. “Boong…” – gõ chuông lần đầu, vị hành giả vẫn chưa ra khỏi định. Tiếng “Boong…” lần thứ hai cũng chưa xuất định. Đến tiếng chuông thứ ba, vị hành giả già ra khỏi định nhưng không thể cử động. Pháp sư Huyền Trang hỏi, “Thưa hành giả, ông ngồi nhập định ở đây có được những lợi ích gì?” Lưỡi của vị hành giả già đó không còn hoạt động dễ dàng được nữa, vị ấy nói, “Tôi đang chờ đến khi Phật Hồng Dương ra đời!”. Vị ấy đang chờ cho tới khi Phật Hồng Dương xuất hiện trên thế gian này.

Pháp sư Huyền Trang là một người rất thông minh và đã hiểu được điều mà vị hành giả này nói mặc dù giọng nói của vị ấy rất trầm và đục. Vì thế, Pháp sư Huyền Trang đáp lại, “Ồ, ông đang chờ Phật Hồng Dương xuất thế”. Ai là Phật Hồng Dương? Đó là thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni. Pháp sư Huyền Trang hỏi lại, “Tại sao ông lại chờ Phật ấy?” “Tôi đang chờ vị Phật ấy thuyết Pháp để tôi có thể đến và nghe Phật thuyết Pháp”. Pháp sư Huyền Trang trả lời, “Không được rồi, Phật Hồng Dương không những đã tới thế giới này rồi, nhưng Ngài cũng đã nhập Niết bàn rất lâu rồi. Ông nhập vào Vô Tâm Định đã lâu rồi, nên việc gì cũng không biết, ở trong định đó tựa như ngủ say. Đức Phật Hồng Dương đã nhập Niết Bàn rồi.”

Khi vị hành giả già biết được tin này, ông lại chuẩn bị nhập vào thiền định lần nữa. Tuy nhiên, Pháp sư Huyền Trang nói, “A! Hãy chờ đã! Đừng nhập vào thiền định vội.” “Tôi sẽ làm gì nếu không nhập và thiền định đây? Tôi có thể chờ tới khi Phật Bạch Dương ra đời. Đừng quấy rầy tôi!” vị hành giả già nói. Pháp sư Huyền Trang đáp lại, “Cho dù Phật Hồng Dương đã nhập Niết Bàn, nhưng giáo lý của Ngài vẫn còn lưu lại trên thế gian này. Nếu ông chờ Phật Bạch Dương, thì sẽ rất lâu xa. Sẽ phải mất một thời kỳ tăng lên và giảm đi của tuổi thọ con người, có nghĩa là tới khi tuổi thọ trung bình của con người giảm xuống còn 10 tuổi, thì sẽ bắt đầu tăng lên cho đến 84,000 tuổi, rồi sau đó sẽ giảm xuống tới còn 80,000 tuổi – thì lúc đó Phật Bạch Dương mới xuất thế”. Phật Bạch Dương là Đức Phật Di Lặc, vị Phật tương lai.

Vị hành giả già nói, “Như vây ý ông nói như thế nào?” “Tôi nói là bây giờ ông đừng nhập định. Thân này chỉ như một căn nhà. Căn nhà của ông đã hư hại rồi, trở nên vô dụng không còn dùng được nữa. Ông muốn nhúc nhích cũng không nhúc nhích được nữa rồi. Lúc ngồi xuống chân cũng không duỗi ra được. Thân thân thể ông đã biến thành một căn nhà hư dột và quái dị không thể dùng được nữa. Ông nên đổi qua một căn nhà mới để có thể giúp tôi hoàng dương Phật Pháp. Đây là biện pháp hay nhất.”

Vị hành giả và suy suy ngẩm và trả lời, “Được! Tôi sẽ nghe lời khuyên của một vị Thiện Trí Thức. Tôi nên đi đâu để có thể đổi căn nhà của tôi?” Pháp Sư Huyền Trang nói, “Hãy đi đến Trường An ở Trung Hoa. Khi nào ông thấy một căn nhà mái vàng lưu ly thì đó là nơi ông sẽ tìm được căn nhà tốt của ông. Hãy đợi tôi ở đó cho đến khi tôi trở về để chúng ta có thể cùng nhau hoằng dương Phật Pháp." Vị hành giả già nói, “Được rồi! Tôi sẽ giúp ông hoằng dương Phật Pháp.” Sau khi nói xong, vị hành giả già ra đi. Quý vị cũng có thể nói đây là Phật tánh của ông ta, mà cũng là thần thức của ông ta ra đi, cái đó cũng có thể nói là thân Trung Ấm rời ra khỏi thân vị hành giả và đi đến Trường An.

Vị hành giả già nọ do thật sự không học tập nhiều trong quá khứ vì thế trí huệ của ông ấy cũng không lớn lắm. Có thể mắt của ông ta bị mờ nên nhìn không rõ. Ngay sau khi tới Trường An, ông ta nhìn chung quanh. Lúc đầu, Pháp sư Huyền Trang đã hướng dẫn ông ta đi tái sanh ở cung điện của Hoàng đế. Nhưng thay vào đó, ông ta lại đi tới nhà của vị đại quan có họ là Úy Trì, mái nhà của ông ta cũng lợp ngói lưu ly xanh. Vị hành giả già tới gia đình đó và trở thành cháu của đại quan Úy Trì. Điều gì xảy ra khi một vị hành giả già tái sanh? Ông ta ăn thịt, uống rượu, lăng nhăng với phụ nữa và làm đủ chuyện. Do ông ta đã không nếm mùi của thịt, rượu, ở gần phụ nữ hàng nghìn năm, nên bây giờ, ông ta thật sự vui thích.

Còn Pháp sư Huyền Trang, sau khi bảo vị hành giả già nọ đi tới Trường An xong, ngài tiếp tục hành trình của mình tới Ấn Độ. Ngài ở Ấn Độ trong 14 năm trước khi quay trở lại Trường An, Trung Quốc. Lời đầu tiên ngài chúc mừng hoàng đế Đường Thái Tôn là, “Xin chúc mừng Hoàng thượng! Vì Hoàng thượng có thêm một người con trai giỏi nữa”. Khi nghe được những lời chúc mừng này, vua Đường Thái Tôn rất sửng sốt, “Không, sau khi ngài rời đi, ta không có thêm một thái tử nào cả. Tại sao ngài lại chúc mừng ta như vậy?”

Pháp sư Huyền Trang liền yên lặng quán sát và phát hiện ra vị hành giả nọ đã đi lầm chỗ và đã vào nhà của vị đại quan họ Úy Trì nọ thay vì tái sinh trong dinh thự của nhà vua. Rồi Pháp sư Huyền Trang giải thích tất cả sự việc này cho vua Đường Thái Tôn nghe. Sau đó Pháp sư Huyền Trang đi tới dinh thự của đại quan Úy Trì tìm người thanh niên trẻ và bảo cậu ta xuất gia. Người thanh niên trẻ nọ nói, “Xuất gia ư? Đấy là việc của Ngài. Tại sao tôi lại phải giống như Ngài chứ? Tôi không xuất gia đâu! Có lợi ích gì nếu làm như thế? Đã vậy lại không được ăn thịt, cũng không được uống rượu! Tôi không thể nào chịu được những điều đó. Tôi không ngu đâu! Ngài đã xuất gia rồi và vẫn còn muốn đến để lừa gạt tôi!”. Các vị, hãy nghe điều này. Người trẻ tuổi này từ chối xuất gia.

Pháp sư Huyền Trang đi tới chỗ vua Đường Thái Tôn và nói, “Người này đang bị ngập sâu trong mê muội. Cậu ta không còn muốn xuất gia nữa. Hoàng thượng cần phải ban hành chiếu chỉ ra lệnh cho cậu ta phải xuất gia. Nếu cậu ta không tuân lệnh, hãy đơn giản nói rằng cậu ta sẽ bị xử tử. Đây là cách duy nhất để cậu ta xuất gia”. Vị Hoàng Đế nói, “Được rồi!”. Pháp sư Huyền Trang nói với vua, “Dù cậu ta có đưa ra bất cứ điều kiện gì, xin Hoàng thượng hãy đáp ứng cho cậu ta, miễn là cậu ta chịu xuất gia.” Nhà vua đáp lại, “Được!”. Cháu của đại quan Úy Trì nghĩ rằng, “Nhà vua thật không công bằng. Tại sao mình lại phải xuất gia thay ông ta chứ? Mình phải nói chuyện với nhà vua về việc này”. Nói rồi, cậu ấy đến diện kiến trước nhà vua. Nhà vua nói, “Bởi vì ta là Thiên tử, là vua, ta không thể bỏ mặc chuyện quốc gia mặc dù ta ao ước được xuất gia. Bây giờ, ta yêu cầu nhà ngươi xuất gia thay ta”. Cậu thanh niên trẻ nói, “Hoàng thượng muốn thần xuất gia thay cho Hoàng thượng; vậy tại sao Hoàng thượng không bảo thần làm Hoàng đế thay cho Hoàng thượng ?” Vua Đường Thái Tôn nói, “Nhà ngươi còn quá trẻ để làm vua, xuất gia thì tốt hơn”. Cậu thanh niên đáp, “Hoàng thượng muốn thần xuất gia thì cũng tốt. Tuy nhiên, muốn thần xuất gia thì có ba điều kiện. Thứ nhất, sau khi xuất gia, thần phải có một xe chở mỹ nữ đi theo cho dù thần có đi đến bất cứ nơi nào. Bất cứ khi nào thần muốn có mỹ nữ, thần có thể chọn bất cứ người nào. Ngài có thể hứa với thần điều này không? Ban đầu Hoàng đế tỏ ra miễn cưỡng đồng ý vì nhà sư thì không được ở gần phụ nữ. Nhưng sau đó, nhà vua nhớ lại lời dặn của Pháp sư Huyền Trang là phải chấp thuận mọi yêu cầu của cậu thanh niên đó. Nhà vua liền nói, “Được!”. Cậu thanh niên nói tiếp, “Điều kiện thứ hai là cho dù thần có đi đến bất cứ nơi nào, cũng phải có một xe rượu đi theo. Bất cứ lúc nào thần muốn uống rượu, thì thần sẽ uống. Thần không thể từ bỏ uống rượu”. “Được rồi!”, nhà vua đồng ý mà không cần suy nghĩ. “Điều kiện thứ ba là cho dù đi đến bất cứ nơi nào, cũng phải có một xe thịt theo thần”. Người thanh niên trẻ này thực sư là một nhà sư “rượu thịt”. Một xe mỹ nữ, một xe rượu và một xe thịt: tổng cọng là ba xe.

Nhà vua hứa sẽ ban cho cậu ấy tất cả những điều kiện đó và tặng cho cậu ấy một xe mỹ nữ, một xe rượu, một xe thịt, rồi gởi cậu ấy tới một ngôi chùa để sống đời xuất gia. Khi cậu ấy vừa đi tới chùa Đại Hưng Thiện, tất cả chuông trống đồng thanh vang lên để chào đón người thanh niên trẻ nọ xuất gia. Ngay khi nghe thấy tiếng chuông trống, cậu ta chợt bừng tỉnh và nhận ra, “Thì ra, tôi là người tu hành ngày xưa với một tổ chim trên đầu. Làm thế nào mà tôi lại trở nên mê muội như vậy? ” Cậu ta quay lại và xua tay với ba chiếc xe, “Được rồi! Được rồi! Tất cả các vị có thể biến đi. Tôi không cần các vị nữa. Tôi đã đủ rồi!” Do nguyên nhân của sự việc này, hầu hết mọi người về sau gọi Ngài là "Tổ Sư Tam Xa” (Tổ Sư Ba Xe). Vị Tổ Sư Tam Xa này ban đầu không thể buông bỏ những thứ này. Tuy nhiên, ngay khi nghe tiếng chuông và tiếng trống, cậu ta đã từ bỏ mọi thứ. Tổ Sư Tam Xa này là ai? Ngài là một bậc Thầy nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, đại danh ngài là Tổ sư Khuy Cơ (3). Tổ sư Khuy Cơ giảng về Duy Thức Học. Trong quá khứ, Ngài là một người tu hành. Do đó, ngài đã có những thành tựu to lớn trong cuộc đời này và tạo nên một lịch sử huy hoàng nhất trong Phật giáo.

Đã hết thời gian, nhưng tôi hy vọng tất cả quý vị tham gia Pháp Hội này sẽ đồng thể phát tâm Bồ Đề và cùng nhau sớm thành Phật Đạo.


 

Ghi chú:

Nguyên văn Hoa ngữ:

(1) 百法 - Bách Pháp (Trăm pháp) - Xem thêm Luận Đại Thừa Trăm Pháp Minh Môn

(2) 是法平等無有高下

Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ

(3) 窺基祖師 - Khuy Cơ Tổ Sư (632682): Người Trường An, họ Úy Trì, tự Hồng Đạo, xuất gia năm 17 tuổi, thờ ngài Huyền Trang làm thầy. Ngài chính là Sơ tổ tông Pháp tướng (Duy Thức Tông), đạo hiệu thường gọi là Pháp sư Khuy Cơ.

 

Phụ Lục

Hoằng Pháp Tại Việt Nam

 

Từ ngày 20 tháng 11 năm 1974 đến 12 tháng 1 năm 1975 Hòa Thượng Tuyên Hóa lãnh đạo cuộc hoằng pháp qua Đông Nam Á đến các nước như Hương Cảng, Ấn Độ, Tân Gia Ba, Việt Nam, Đài Loan...

Dưới đây là sơ lược bài thuyết giảng của Hoà Thượng tại Việt Nam:

Trước khi buổi giảng bắt đầu, các vị làm ơn cho tôi xin vài điều nhé! Nghe tới đây, chắc có người thầm nghĩ: Tông chỉ của Hòa Thượng là:

Dù lạnh đến chết, cũng không phan duyên

Dù đói đến chết, cũng không xin xỏ.

Nghèo khổ đến chết, cũng không cầu cạnh.

Tại sao bây giờ mới đến Việt Nam mà Hòa Thượng lại xin nầy xin nọ; Vậy có phải là mâu thuẫ với những tông chỉ trên không?

Không phải đâu! Điều tôi xin đây khác với những gì các vị đang nghĩ, vì tôi không xin tiền hay phẩm vật chi cả. Vậy tôi muốn xin gì đây? Tôi chỉ muốn xin cái gốc phiền não của các vị thôi, làm ơn gom hết cho tôi. Tôi có thêm nhiều phiền não chừng nào thì càng tốt chừng nấy, còn các vị thì nên giảm bớt phiền não đi. Một khi các vị trút bỏ những ưu phiền cùng ba độc tham sân si thì sau này tự nhiên các vị sẽ phát sanh đầy đủ giới định huệ. Đó chính là điều đặc biệt mà hôm nay tôi nhắc nhở đến cùng các vị. 

Các vị nên tận dụng năng lực sẳn có của mình mà không nên gò bó trong khuôn khổ hạn hẹp như những hạt bụi li ti. Vì tâm các vị vốn có công năng bao trùm tận hư không pháp giới, nó có thể to đến nổi chẳng vật gì mà chẳng dung chứa được; mặt khác nó cũng nhỏ đến nổi không thể đựng được vật gì. Với tâm diệu dụng, các vị nên mở tâm mình rộng khắp không gian, thâm nhập cùng cả hằng sa thế giới. Một khi tâm hòa đồng cùng pháp giới thì các vị có thể hóa độ chúng sanh.

 Ngược lại nếu chúng ta không biết dụng tâm thì sẽ thấy đây là Việt Nam, đó là Nhật Bản, hay nọ là Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan... hoặc lãnh thổ này nhỏ, quốc gia kia to... Nếu như vầy thì chúng ta không thể nào cứu độ chúng sanh ở thế giới này.

Là Phật tử chúng ta nên xem xét tất cả pháp giới quốc độ như chính ngôi nhà chung đồng một thể tánh với mình. Đừng tạo nên những ranh giới cách biệt giữa ta và chúng sanh. Cho dù các vị thuộc phái Bắc Tông hay Nam Tông nên phá bỏ những ranh giới phân biệt này để cùng nỗ lực hoằng truyền Phật pháp khắp mọi nơi, hòa hợp thành một Hội Phật Giáo Thế Giới. Không nên hạn cuộc vào quốc gia nhỏ bé của mình mà phải mở rộng tầm nhìn xa khắp cả hoàn cầu.

Đời nay khoa học thật tân tiến đã làm sáng tỏ nhiều điều nên không còn những tư tưởng suy đoán mập mờ cũ xưa. Mỗi người chúng ta phải mở toang những cánh cửa sổ tâm hồn mình để thông hiểu thật đúng về sự hòa hợp này như: ‘Giúp đỡ người cũng chính là giúp chúng ta; chăm sóc người chính như chăm sóc bản thân ta.’

Chúng ta phải có phương pháp hợp nhất tất cả Phật tử thành một thể, lập một Hội Đoàn không phân biệt giữa các tông phái, đồng thời phá tan những quan niệm tu biệt lập. Đừng vướng mắc vào hình thức hay thành kiến về Đại hoặc Tiểu Thừa vì Đạo Phật vốn đồng một thể. Chúng ta không những nhận riêng mình là một phần tử mà ngay cả những người không tin Phật cũng đồng một thể này.

Như lời Đức Phật Thích Ca: ‘Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật nhưng chỉ vì vọng chấp mà không thành Chánh Giác.’ 

Quả thật vậy, chúng ta vì dính mắc, phân biệt: Tôi là người Tàu, anh là người Việt, người Thái, Miến Điện, Nhật Bản, Ấn Độ, hoặc Tích Lan...nên tâm không thể mở rộng được. Nếu chúng ta không bỏ những chấp trước như thế tức không phụng hành lời Đức Bổn Sư Thích Ca. Phật pháp sẽ được hoằng hóa khắp nơi nếu chúng ta không còn những chấp trước này và lúc đó tâm chúng ta sẽ quảng khai trùm khắp pháp giới. Đồng thời chúng ta cũng cần phải phá tan những ranh giới, vì Phật pháp bao la không giới hạn, nếu chúng vướng mắc vào đây thì không phải là Phật pháp.

Một lần nữa tôi xin nhắc lời Phật dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật có nghĩa là: Đối với người tin haykhông tin Phật đi nữa thì Phật tánh của họ vẫn không bị mai một. Chỉ vì hiện tại họ chưa phát lòng tin nhưng tương lai họ sẽ tin và nếu tương lai họ không tin thì những kiếp sau đó họ cũng sẽ tin, rồi cũng có một ngày họ sẽ tin Phật. Tôi xin nhấn mạnh điểm chủ yếu là chúng ta là nên nhớ điều phục mình đừng cho đến gần những biên giới phân chia tức là đừng cô lập trong giáo lý Phật. Một khi khái niệm về Ngã và Chúng sanh hoàn toàn không còn thì những ranh giới phân biệt cũng không tồn tại."

Cư sĩ Quả Dụ đã theo Ngài trong suốt cuộc hoằng pháp, và ông ghi lại như sau:

Thượng Nhân đi đến đâu là nơi đó đều có sự cảm ứng đặc biệt, thật khó mà tin được. Bất luận dù ở đâu, khi chúng tôi đến cũng đều thấy trong giảng đường đầy nghẹt người. Tôi nhớ lúc tại Sài Gòn khi Sư phụ đối trước cả ngàn người thuyết pháp và cứ mỗi ba phút Ngài phải ngưng lại vì những tiếng hoan hô, vỗ tay ầm ỷ của thính giả. Khởi đầu Ngài giảng bằng tiếng Hoa, kế đến được phiên dịch tiếng Việt. Giống như trong những trận bóng rỗ gay go, tiếng thính chúng reo hò, hồ hởi, phấn khởi vang rền cả hội trường. Điều làm cho tôi cảm động nhất là lúc đó Sư phụ giống như máy phát năng lực, với khí lực sung mãn; không hề mỏi mệt dù đã gian lao trải qua một cuộc hành trình dài Ngài vẫn thuyết pháp không ngừng. Không những vậy mà Ngài còn phải tiếp đãi những đoàn người không ngớt ào đến vây quanh chờ đợi, giáo cầu Ngài giúp đở. Sư phụ tâm quyết một lòng quảng độ chúng sanh dù phải hao mòn thân thể, rơi xương máu cũng không hề ngưng nghỉ.”

 

November 1974 in Saigon, Vietnam

Hòa Thượng cùng vợ chồng cư sĩ Quả Ngộ (tháng 11, 1974)

Ngài trở về Mỹ vào đầu tháng giêng năm 1975. Ngày 17 tháng 1, Ngài bảo một đệ tử gởi điện tín về Việt Nam cho cư sĩ Phương Quả Ngộ với nội dung: “Nếu như các việc đã thu xếp xong, ta hy vọng vợ chồng con hãy đến Mỹ sớm một chút. Mong sẽ có ngày tái ngộ. Kim Sơn Tự.”

Khi nhận được điện tín, Quả Ngộ linh tính như có điều không lành, nên bèn điện thoại thỉnh vấn lý do tại sao Ngài muốn vợ chồng bà sớm qua Mỹ. Nhưng Sư phụ chỉ nói: “Không có gì!”

Cuối cùng Quả Ngộ đã vâng lời Ngài và đến Mỹ vào ngày 10 tháng 3 năm 1975. Chồng bà còn bận công việc làm ăn nên tạm tới Hồng Kông, lúc bấy giờ là thuộc địa Anh. Đến ngày 17 tháng 4 năm 1975, ông nghĩ nước Việt cũng chưa có động tĩnh gì bèn gởi điện tín hỏi vợ có muốn về Sài Gòn không? Như thường lệ, Quả Ngộ lại thỉnh giáo Sư phụ, Sư phụ nói: “Con đợi ba tuần lễ sau rồi hãy quyết định.”

Nhưng chỉ đến hai tuần sau thì Sài Gòn tiếp quản. Kể từ đó Quả Ngộ thường lưu ngụ ở Mỹ nhiều hơn các nước khác. (Quả Ngộ là một thương gia thường du hành hầu như khắp thế giới.)

Suốt trong những năm đầu mới thành lập Tổng Hội Pháp Giới Phật giáo, Quả Ngộ đã nhiệt tâm đóng góp công sức, hộ trì Tam Bảo. Bà đã không chút quản ngại đời sống đạm bạc, quy củ của nhà Chùa mà thường lưu lại để phụ giúp biên thảo, kiểm duyệt trong việc kết tập những bài thuyết giảng của Sư phụ. Ngoài ra bà còn khuyến khích và huấn luyện cho các vị thanh thiếu niên Mỹ đang học tập phiên dịch Kinh điển về những từ ngữ Phật học hay những thành ngữ Trung Hoa.

Thượng Nhân đã ái hộ và cứu trợ dân Việt thật tận tình. Ngài đã thành lập Trung Tâm Cứu Trợ Người Tỵ Nạn Đông Nam Á tại Vạn Phật Thánh Thành từ năm 1980 đến 1986. Đồng thời được Chánh quyền Mỹ chấp thuận nên tại đấy đã mở lớp huấn luyện nghề nghiệp, cùng lớp dạy Anh Ngữ cho người tỵ nạn hầu giúp họ sớm thích ứng trong cuộc sống mới nơi đất Mỹ.

 

 

 

Biện Pháp Chấm Dứt Chiến Tranh Hay Nhất

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Chùa Hoa Nghiêm Thánh Tự, Canada, ngày 09 tháng 6 năm 1988.

http://www.drbachinese.org/online_reading/dharma_talks/Virtue/volume11.htm

 

Tôi muốn nói qua về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau khi sang Mỹ, tôi có đến nước Việt Nam một lần. Ngay khi máy bay vừa hạ cánh, tôi có nói với những người tới đón tôi rằng: "Người Việt Nam khổ lắm đấy, tương lai sẽ còn khổ sở hơn nữa!"

Những người đến đón tôi thì không cho là như vậy, họ nói: "Tình hình tại Việt Nam hiện nay rất khả quan, rất thái bình. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho chúng tôi biết là sẽ có năm năm thái bình; thời gian năm năm không phải ngắn, chúng tôi còn có thể kiếm thêm được bộn bạc."

Tôi nói: "Chỉ e rằng chưa kiếm được đồng nào thì tánh mạng mình đã không còn!"

Ngày 14 tháng Một năm 1975, tôi trở về Mỹ Quốc sau chuyến đi hoằng pháp ở các nước Á Châu. Ðến ngày 15 tháng Một, lúc chiến tranh ở vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam vừa mới bộc phát, tôi đánh điện tín cho một đệ tử đang sống tại Việt Nam (1), nội dung bức điện nói rằng: "Vợ chồng bà hãy lo thu xếp tài sản, sắp đặt mọi việc cho gọn ghẽ, mau sang Mỹ Quốc, không nên lưu lại Việt Nam nữa."

Bà ta dường như không hề lưu tâm gì cả, trời sập cũng không màng, đất lở cũng chẳng lo; nhưng chồng bà nhận được điện báo thì không yên tâm, bèn điện thoại hỏi tôi: "Thưa Thượng Nhân, Thầy muốn chúng con qua Mỹ hẳn có chuyện gì?"

Trong điện thoại không tiện giải thích dông dài nên tôi chỉ nói vắn tắt: "Cũng chẳng có chuyện gì, nhưng ông bà nên sang Mỹ, càng sớm càng tốt!"

Ngày 10 tháng 3, bà ấy đến Mỹ. Thật ra, bà ấy qua Mỹ không phải vì bức điện báo của tôi, mà là vì muốn dự đám cưới của cô con gái vào ngày 12 tháng 3. Chồng bà lúc ấy vẫn còn ở Hương Cảng, mải mê mua chứng khoán. Ðến trung tuần tháng tư, chồng bà điện thoại tìm tôi cả ba ngày và cứ hỏi: "Bây giờ con có thể về Việt Nam lại chưa?"

Lúc bấy giờ tại Việt Nam, Sài Gòn chưa thất thủ, chỉ có chiến tranh sôi động ở vùng cao nguyên; tôi bảo ông ta: "Sau ba tuần lễ nữa, nếu tình hình cho phép, có thể về Việt Nam được thì cứ về; nếu không thể về được thì đừng về!"

Rốt cuộc chỉ hai tuần rưỡi sau, tình hình chiến sự ở Việt Nam đã đổi sắc. Trước đây, trong chuyến đi hoằng pháp ở Việt Nam, lúc vừa xuống phi cơ tôi có nói: "Người Việt Nam khổ quá!" là do nguyên nhân như vậy.

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu vấn đề nầy: Người Việt Nam lắm người tin theo đạo Phật, thế thì tại sao họ phải chịu cảnh lầm than như vậy? Tôi nghe nói có nhiều người đi lánh nạn bằng thuyền bè, thuyền bị chìm xuống biển, rất nhiều người bị mất tích; nhưng cũng có người biết niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, nên trong lúc sắp chết lại may mắn tìm được đường sống. Việt Nam vốn có nhiều người tin theo đạo Phật, thì tại sao lại gặp phải đại nạn như thế? Bây giờ tôi nói đến điểm then chốt của vấn đề: Người Việt Nam sát khí nặng nề, lòng hiếu sát rất lớn, cho nên tạo thành tai kiếp. Người Việt Nam có lòng căm hận rất lớn—đó chính là tai họa lớn nhất cho họ. Nếu người người đều không có lòng căm hận thù hằn, thì tai nạn gì cũng không thể xảy ra được cả!

Người học Phật thì trước tiên là phải không giữ lòng căm hận, bởi hễ có một chút căm hận là sẽ có đấu tranh. Cổ nhân nói: 

Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

Thả thính đồ môn dạ bán thanh. (2)

(Trăm ngàn năm nay trong bát canh,

Oán sâu như biển, hận khôn nguôi.

Muốn biết thế gian sao chinh chiến,

Hãy nghe lò thịt lúc nửa đêm!)

Cả trăm ngàn năm nay, trong bát canh thịt trên bàn ăn vẫn chất chứa một mối hận thù hờn oán thâm sâu như biển, khó thể san bằng, khó thể hóa giải. Ðó là ý nghĩa của hai câu đầu; còn hai câu sau, tôi muốn sửa lại như thế này:

Dục miễn thế thượng thủy hỏa kiếp,

Nhu yếu nhân nhân bất sát sanh.

(Thế gian muốn khỏi thủy hỏa kiếp,

Người người cần phải cấm sát sanh!)

Bài thơ thành ra:

 

Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục miễn thế thượng thủy hỏa kiếp,

Nhu yếu nhân nhân bất sát sanh. (3)

(Trăm ngàn năm nay trong bát canh,

Oán sâu như biển, hận khôn nguôi.

Thế gian muốn khỏi thủy hỏa kiếp,

Người người cần phải cấm sát sanh!)

Ngày xưa chiến tranh thì người ta đánh nhau bằng dao, gươm, kiếm, kích, tên, thuẩn (dụng cụ đỡ tên). Nay là thời đại nguyên tử, người ta dùng súng cối, chất nổ, đạn nguyên tử để đánh nhau. Súng cối thuộc hỏa, nguyên tử thuộc thủy, cho nên nói rằng muốn tránh nạn thủy hỏa thì điều tiên quyết là mọi người phải không sát sanh. Chúng sanh không sát sanh thì tai kiếp thủy hỏa sẽ không xảy ra; nếu chúng sanh thích sát sanh thì chiến tranh sẽ vĩnh viễn không bao giờ chấm dứt cả. Bởi người ta ăn nhiều thịt, một người không phải chỉ ăn thịt một con heo mà là rất nhiều con, thời những con heo nầy đến đòi nợ. Quý vị thiếu nợ tiền bạc rất nhiều, thiếu nợ nhân mạng cũng trả không xuể, trả nợ nầy còn nợ kia thời sao, thế là không công bình; bởi không công bình nên mới xảy ra chiến tranh.

Do đó, đối với những người học Phật, điều thiết yếu thứ nhất là không sân hận, và thứ hai là không sát sanh!

 

 

Chú thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ: 

(1) Là bà Phương Quả Ngộ được Hòa Thượng đánh điện bảo phải thu xếp rời khỏi nước Việt Nam vào tháng 1 năm 1975. Nội dung bức điện tín ngày 25 tháng 1, 1975:

http://www.drbachinese.org/vbs/1_100/vbs60-62/news.html 

Sau khi đến Mỹ bà Phương Quả Ngộ đã hết lòng giúp Hòa Thượng hoằng pháp, xin xem thêm Hoằng Pháp Tại Việt Nam

Hình chụp lúc ký giấy tờ tạo mãi VPTT năm 1976 (bà Phương Quả Ngộ đứng ngoài cùng bên trái).

Bà Phương Quả Ngộ đã từ trần vào ngày 19 tháng 2 năm 1997 tại Singapore. Các con trai cùng cháu nội đã về đầy đủ bên bà lúc bà lâm chung.

 

(2) Nguyên văn Hoa ngữ là một bài kệ của thiền sư Nguyện Vân, đời Tống mà Hòa Thượng Tuyên Hóa thường hay trích dẫn:

千百年來碗裏羹,
冤深似海恨難平;
欲知世上刀兵劫,
試聽屠門夜半聲。

Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

Thả thính đồ môn dạ bán thanh.


(3) Nguyên văn Hoa ngữ Hòa Thượng sửa lại để phù hợp với ngày nay:

千百年來碗裏羹

冤深似海恨難平

欲免世上水火劫

需要人人不殺生

Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục miễn thế thượng thủy hỏa kiếp,

Nhu yếu nhân nhân bất sát sanh.

 

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa cùng Thầy Hằng Cụ và Hằng Do viếng thăm Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn (tháng 12 năm 1974)

 Sài Gòn, Việt Nam, tháng 12 năm 1974