|
|
Ðạo Làm Người LTS: Ðức Phật dạy rằng: Làm người cho tròn rồi mới làm Phật. Bên Trung Hoa đạo làm người là trung tâm nền tảng giáo dục của đạo Khổng. Chúng tôi xin trích dẫn lời dạy về đạo làm người qua phần Ðại Tượng Truyện do đức Khổng Tử giải thích ở 64 quẻ trong Kinh Dịch. Phối hợp với quẻ Dịch là những lời dạy trong tập Luận Ngữ mà ngài Tăng Sâm, một đệ tử của đức Khổng Tử chép lại. Tất cả những kẻ thành tựu, bậc quân tử, vĩ nhân, thánh nhân, hay kẻ giác ngộ đều xây dựng sự nghiệp trên nền tảng đạo đức chắc thật, kiến giải thấu triệt và tâm lượng rộng lớn. Họ là những kẻ lúc nào cũng xoay về gốc, nhìn ngược lại tâm mình, sống với giá trị và lý tưởng cao thượng. Không nao núng trước thế lực và áp lực, không ngừng cải thiện tầm nhìn và sự hiểu biết, họ tìm cách cống hiến năng lực đời mình một cách thiết thực nhất. Tài liệu tham khảo và trích dịch gồm có: Tiếng Việt: Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Chu Dịch của Phan Bội Châu Tiếng Hoa: Dịch Kinh Ðại Toàn, Tứ Thư Ðộc Bổn, Luận Ngữ Chú Giải Tiếng Anh: The Essential Confucius do Thomas Cleary dịch, The Wisdom of Confucius của Lin Yu Tang (Lâm Ngữ Ðường). KINH DỊCH: Quẻ Càn: Quân tử tự cường bất tức. Quẻ Càn: Người quân tử không ngừng tự cường. Lược giải: Ðây là quẻ thứ nhất trong 64 quẻ của Kinh Dịch. Ðức Càn là đức thuần dương, hết sức cương quyết mạnh mẽ. Người có thân tu theo đạo Càn thì hành động không làm ác, không làm trái nhân nghĩa, ngược luân thường. Miệng không nói lời hủy báng, phá hoại kẻ khác hay dối trá, hiển độc, giả dối. Tâm không chút mờ ám, vẩn đục bởi tư lợi ích kỷ, hay nhỏ hẹp ganh ghét. Tâm người theo đạo Càn thì lúc nào cũng quang minh, chính đại, khoan dung độ lượng. Không bao giờ để cho hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng phá hoại lý tưởng và chí hướng bên trong. Lời Dạy Trong Sách Luận Ngữ Của Ðức Khổng Tử Liên Quan Tới Ðoạn Trên: Tăng tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vì nhân mưu nhi bất trung hồ? dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? truyền nhi bất tập hồ? (1:4) Thầy Tăng tử nói rằng: Hàng ngày tôi tự nhắc nhở mình ba điều: khi tính chuyện làm việc cho kẻ khác, tôi có trung thật hay không? Khi kết giao với bạn hữu, tôi có giữ chữ tín chăng? Dạy người khác làm gì, tôi đã tự mình thực hành chưa? Lược giải: 1. Làm việc cho người: Hãy xét tâm mình có trung thật chăng? Tức là xét xem mình mưu sự cho người ta với động cơ gì? Phải chăng mình có mưu đồ, tính toán ích kỷ, lo toan cho ích lợi cá nhân, lợi dụng người khác để lợi mình. Mình có chân thật muốn giúp họ không? Người Phật tử làm việc cho chùa mà tính toán mưu cầu danh lợi thì chùa loạn. Người xuất gia làm việc cho chúng sinh mà mưu cầu cho cá nhân, quyền vị thì đạo loạn. 2. Kết giao với bạn hữu: Hãy xét xem lời mình nói có chân thật hay không? Mình có giữ lời hứa với bạn hay không. Tình bằng hữu sẽ bền vững và thắm thiết nếu mình biết giữ lời hứa và hy sinh cho bạn. Khi bạn cần giúp đở, mình hãy tận lòng giúp. Ðừng bao giờ bán đứng hay phản bội bạn. Ở đời kẻ phản bội thì chẳng có ai thích gần gũi, coi trọng, trước sau y cũng bị người đời khám phá, khinh rẻ, dù y có điạ vị cao đến dường nào. Ðối với người tu, tín nhiệm là điều quan trọng bậc nhất, bạn đạo có tín nhiệm thì mới tu chung được; thầy trò có tín nhiệm thì mới học hỏi nhau được; đạo tràng có tín nhiệm thì mới hết thị phi đuợc. 3. Dạy kẻ khác mà mình không tự làm: Nói mà không làm thì chẳng ai tin. Thái độ chỉ tay năm ngón bắt người làm, mình ngồi trên điều khiển thì chẳng ai thích. Không làm thì không có kinh nghiệm. Không tu thì không có thực chứng. Không kinh nghiệm thì không dạy được ai. Do đó phải làm phải tu thì mới dạy được người khác. Không làm không tu mà dạy người khác thì chẳng ai phục. Tử viết: Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập. Bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã. (4:14) Khổng tử dạy rằng: Ðừng lo rằng bạn chẳng có điạ vị; lo rằng bạn chẳng có đủ đức (tài cán, năng lực, trí tuệ) để ở điạ vị ấy. Ðừng lo chẳng ai biết bạn, chỉ cầu sao bạn có đức xứng đáng để người ta biết (với cái tên mà người ta biết). Lược giải: Ðiạ vị không phải do tranh mà được. Kẻ có vị cao mà không có thật đức, tài cán, năng lực để làm việc thì không thể ngồi lâu tại vị. Thanh danh cũng chẳng phải do mua chuộc, thủ đoạn mà có. Thanh danh do mua, do đoạt thì luôn tạo đau khổ. Tu theo đạo quẻ Càn là tu đức độ, trí huệ, năng lực nội tại; không phải tu theo bóng dáng giả dối bên ngoài. Ðức Phật dạy ta cứ lo trồng nhân cho tốt, đừng bao giờ lo quả báo. Cũng chớ mong cầu quả báo tốt mà chẳng chịu trồng nhân tốt. Trồng nhân thì phải dựa vào chính mình, đừng dựa vào hoàn cảnh bên ngoài. Tử viết: Ngô vị kiến cang giả! Hoặc đối viết: Thân Chấn. Tử viết: Chấn dã dục, yên đắc cang? (5:11) Khổng tử nói: Ta chưa thấy một ai cứng cỏi. Có người đáp rằng: Có anh Thân Chấn đó. Ðức Khổng tử trả lời: Anh Chấn còn đầy dục vọng, làm sao anh cứng cỏi được chớ? Lược giải: Thân Chấn tự là Tử Châu, người nước Lỗ, là một học sinh của đức Khổng Tử. Anh ta nổi tiếng là người có sức lực mạnh mẽ, cang cường bất khuất. Sức mạnh ấy chỉ để chinh phục những đối tượng bên ngoài. Sư chân chính cứng rắn cang kiện theo đức Khổng tử dạy là sức mạnh khắc phục những dục vọng trong tâm. Dục vọng thì ai cũng có. Kẻ mềm yếu thì bị dục vọng khống chế. Kẻ cang kiện thì khống chế dục vọng. Ðức Phật dạy rằng chẳng có chiến thắng nào lớn bằng chiến thắng lòng mình, khắc phục thói hư tật xấu của chính mình. Nhiễm Cầu viết: Phi bất duyệt tử chi đạo, lực bất túc dã. Tử viết: Lực bất túc giả, trung đạo nhi phế, kim nhữ họa. (6:10) Nhiễm Cầu nói rằng: Chẳng phải tôi không thích đạo của phu tử, chẳng qua sức tôi không đủ để (học và hành) đạo ấy đó thôi. Khổng tử mới dạy rằng: Kẻ không đủ sức tu đạo, nửa đường là y đã bỏ phế. Bây giờ con chưa chi (chưa hành đạo gì cả), đã tự mình hạn chế chính mình rồi. Lược giải: Chuyện gì cũng phải làm thử. Ðạo thì phải thực hành, đức thì phải tu. Không muốn làm rồi tìm lý do bào chữa thì chỉ mình tự lừa mình. Lý do bào chữa thì lúc nào cũng có sẵn, nhiều đến vô lượng vô biên. Bởi vậy, tu theo đạo Càn là đừng khởi vọng tưởng, đừng để vọng tưởng làm cùn lụt ý chí tu hành. (Số sau: Quẻ Khôn) (còn tiếp) |